Cho đến trước năm 2018, hàng chục nghìn container đậu tương từ vùng Trung – Tây nước Mỹ đã đổ vào các nhà máy sản xuất và chế biến đậu tương mọc lên chi chít tại các vùng duyên hải của Trung Quốc. Do vậy, chưa chắc đã là đáng mừng khi Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ mua một số lượng lớn đậu tương của Mỹ, như một phần trong thỏa thuận thương mại dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư tới.
Thu hoạch đậu tương tại Princeton, bang New Jersey, Mỹ. (Nguồn: Wall Street Journal) |
Với việc áp đặt thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Trump đã mở ra một cơ hội để cải thiện quan hệ kinh tế với cường quốc châu Á. Đây được đánh giá là một cơ hội ngàn năm có một.
Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, trong khi Trung Quốc không còn giữ được đà tăng trưởng như những năm vừa qua. Trung Quốc vẫn cần công nghệ của Mỹ. Thêm vào đó, bất chấp việc Tổng thống Trump không thích thú gì với chủ nghĩa đa phương, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều chia sẻ quan ngại của ông chủ Nhà Trắng về chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc.
Song việc đơn phương tiến hành áp đặt thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc, thay vì thảo luận, tìm kiếm sự đồng thuận với các đồng minh truyền thống, chưa hẳn là một bước đi khôn ngoan. Nông dân và những nhà xuất khẩu của Mỹ đã đánh mất một thị trường quan trọng, còn người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn.
Ông Trump có thể đã đúng khi nói rằng Trung Quốc đã tiến hành cạnh tranh thương mại không lành mạnh. Song câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ông có thể giành được những sự nhượng bộ cần thiết từ Bắc Kinh hay không.
Bảo toàn lợi ích Mỹ
Đầu tiên, thước đo của một thỏa thuận thành công là khi nó đạt được những mục tiêu mà ông Trump đã đề ra khi bắt đầu chiến tranh thương mại: buộc Trung Quốc từ bỏ việc sử dụng sự hỗ trợ nhà nước, các đạo luật cùng nhiều đối sách nhằm hạn chế khả năng kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc và trợ giúp các công ty Trung Quốc bán hàng trên đất Mỹ.
Thỏa thuận về đậu tương với Trung Quốc có thể chỉ là chiến thắng tạm thời của Tổng thống Trump. (Nguồn: Getty Images) |
Theo thống kê của Brad Setser thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR), các sản phẩm Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2000. Một lý do dẫn đến thực trạng này là việc Bắc Kinh mạnh tay trợ cấp cho những sản phẩm thay thế được sản xuất tại Trung Quốc. Mới đây nhất, công ty nhà nước Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đang phát triển một loại máy bay chở khách cỡ lớn C919 nhằm thay thế các máy bay Boeing 737, đồng thời vươn mình trở thành một đối thủ xứng tầm với Boeing trên thị trường thế giới.
Thứ hai, việc Trung Quốc thả lỏng các đạo luật về quản lý lao động và bảo vệ môi trường cũng góp phần không nhỏ hỗ trợ nhằm khuyến khích sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc và hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, trưởng phái đoàn đàm phán thỏa thuận thương mại, đã khẳng định chính quyền của Tổng thống Trump sẽ đạt được nhiều bước tiến trong những vấn đề này.
Song trong quá trình đàm phán, Mỹ chủ yếu yêu cầu Trung Quốc tạo điều kiện cho các công ty Mỹ kinh doanh tại quốc gia tỷ dân này, cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ các doanh nghiệp tài chính nước ngoài. Trung Quốc đã thúc đẩy xây dựng một đạo luật đầu tư nước ngoài nhằm hiện thực hóa những thay đổi này, trong đó nghiêm cấm việc đòi hỏi các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho người Trung Quốc. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Mỹ mở rộng thị trường ở Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các cổ đông và giới lãnh đạo, song chưa chắc nó đã tạo ra công ăn việc làm tại các nhà máy cho công nhân Mỹ.
Thứ ba, những lời hứa mà Mỹ nhận được từ Trung Quốc cần đi kèm một cơ chế giám sát để quá trình thực thi có hiệu quả. Mỹ đã nhiều lần thất bại khi buộc Trung Quốc thực hiện những cam kết của mình tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay thông qua đối thoại song phương.
Cụ thể, Mỹ đang tìm kiếm một thỏa thuận ràng buộc nhằm ngăn chặn việc thao túng tỷ giá tiền tệ. Trung Quốc đẩy nhanh quá trình phát triển của mình bằng việc tiết kiệm, thay vì sử dụng những khoản tiền kiếm được từ quá trình xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Điều này đã kìm hãm giá trị thực của đồng Nhân dân tệ, khiến các mặt hàng xuất khẩu của nước này có giá tương đối thấp so với những mặt hàng tương tự nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đây, Mỹ từng không thành công trong việc buộc Trung Quốc từ bỏ hành động này, tuy nhiên, việc xây dựng khuôn khổ giám sát và giải quyết hoạt động thao túng tiền tệ là cần thiết, để tránh những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
Tổng thống Trump gặp gỡ những nông dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Michael tại một trang trại ở Macon, Georgia, tháng 10/2018. (Nguồn: AFP) |
Một bước tiến, một chặng đường
Dù vậy, không loại trừ khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ chấp nhận một thỏa thuận cho phép ông giành được một chiến thắng tạm thời, dù nó không buộc Trung Quốc tiến hành thay đổi dài hạn.
Mỹ có lẽ nên từ chối bất cứ đề nghị nào của Trung Quốc về việc cam kết mua một lượng lớn các mặt hàng từ phía Mỹ, bởi dù một thỏa thuận như vậy có thể giảm thâm hụt thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ, song nó chỉ mang tính hình thức. Các chính quyền tiền nhiệm đã từ chối những thỏa thuận tương tự từ Trung Quốc bởi nó đi ngược mục tiêu dài hạn của Mỹ nhằm hạn chế sự can thiệp của Bắc Kinh vào nền kinh tế.
Thêm vào đó, nếu thành hiện thực, thỏa thuận này sẽ gây tổn hại không nhỏ tới các đồng minh của Mỹ. Nếu Trung Quốc mua nhiều đậu tương từ Mỹ, họ sẽ mua ít đậu tương hơn từ Brazil. Việc các nước cho rằng chính sách thương mại của Trung Quốc đang tồn tại nhiều vấn đề đã gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Xây dựng một “mặt trận” chung có thể giúp đảm bảo Trung Quốc thực hiện những cam kết của mình, song giành thêm thị phần cho riêng mình thì không.
Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer từng cho rằng, bất kỳ một thỏa thuận nào với Trung Quốc đều chỉ là một bước đi trong một quá trình dài hạn. Mỹ không nên ký kết một thỏa thuận hạ thấp những mục tiêu dài hạn đó nếu chỉ để đánh đổi lấy một vài lợi ích trước mắt.