Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong cuộc gặp ngày 14/5. (Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Đức hồi tháng 2/2022, chỉ vài ngày trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngày 14/5, Tổng thống Volodymyr Zelensky trở lại Đức trong chuyến công du nhiều nước EU. Vậy Tổng thống Ukraine muốn gì từ chính phủ Đức và ông có thể mong đợi điều gì?
Ngay sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Olaf Scholz đã gặp nhau 2 lần. Lần đầu tiên là vào tháng 6/2022 tại Kiev, rất lâu sau khi các chính trị gia hàng đầu khác đến thăm Ukraine. Thời gian này, Ukraine phàn nàn việc Thủ tướng Olaf Scholz do dự quá lâu trong chuyển giao vũ khí cho Kiev.
Tiếp đó, Tổng thống Đức Steinmeier muốn đến thăm Ukraine nhưng Kiev từ chối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đức. Vì điều này, Thủ tướng Olaf Scholz đã hủy chuyến thăm dự kiến của mình tới Ukraine để đáp trả.
Chính sự thay đổi lãnh đạo tại Bộ Quốc phòng Đức từ bà Christine Lambrecht sang ông Boris Pistorius đã góp phần cải thiện quan hệ Đức-Ukraine. Ông Pistorius nỗ lực bảo đảm việc vận chuyển xe tăng chiến đấu Leopard 2 của Đức tới Ukraine một cách suôn sẻ và kịp thời.
Sự ủng hộ cần hơn bao giờ hết
Trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine tới Đức lần này, bất chấp vụ rò rỉ thông tin an ninh gần đây có thể gây nguy hiểm cho các kế hoạch của mình, Tổng thống Zelensky vẫn chỉ nhắc lại đề nghị Berlin chuyển giao vũ khí tốt hơn, cũng như nhiều hơn cho Kiev. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Ukraine.
Ukraine đã đợi nhiều tháng trước khi Đức chấp thuận gửi vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo tới Kiev. Tuy nhiên, việc giao máy bay chiến đấu cho đến nay vẫn bị Thủ tướng Scholz loại trừ.
Theo hãng tin Reuters, ngày 13/5, Đức tuyên bố viện trợ quân sự cho Ukraine 2,7 tỷ Euro (khoảng 3 tỷ USD) – gói viện trợ lớn nhất của Đức dành cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Hãng tin AFP cho biết, gói viện trợ bao gồm các hỏa lực và bệ phóng mới cho hệ thống chống tên lửa Iris-T, 30 xe tăng Leopard 1, hơn 100 xe chiến đấu bọc thép và hơn 200 máy bay giám sát không người lái.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius nói: “Tất cả chúng tôi hy vọng xung đột Nga-Ukraine nhanh chóng kết thúc, nhưng thật không may điều đó vẫn chưa thể xảy ra. Đó là lý do tại sao Đức sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ có thể, chừng nào còn cần thiết”.
Phó Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức Christian Moelling cho rằng nhân chuyến thăm lần này, Tổng thống Ukraine Zelensky có thể cũng muốn biết trực tiếp quan điểm của Thủ tướng Scholz về việc nhà lãnh đạo Đức muốn cuộc xung đột Nga-Ukraine kết thúc như thế nào.
Ukraine nhận thức được sự cần thiết phải thúc đẩy các đồng minh ủng hộ tài chính khi quốc gia này đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt.
"Ukraine cần hỗ trợ tài chính để trả nợ để không bị phá sản. Đức đóng một vai trò lớn trong việc này. Ukraine thấy rằng ở Đức, các chủ đề khác đang bắt đầu được ưu tiên", ông Moelling nhận định.
Không thể hứa trước
Một điều khác mà Tổng thống Zelensky mong muốn từ chính phủ Đức là hỗ trợ nhiều hơn cho nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) của Kiev.
Tháng 6/2022, Ukraine chính thức được trao quy chế ứng viên để gia nhập EU. Trong chuyến thăm lần thứ 5 tới Kiev vào ngày 9/5, để kỷ niệm “Ngày châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tái khẳng định: “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tư cách thành viên EU không đến nhanh như Kiev mong muốn và thậm chí gia nhập NATO còn phức tạp hơn. Tháng 9/2022, Ukraine nộp đơn xin nhanh chóng trở thành thành viên của liên minh quân sự này.
Cách đây vài ngày, trong chuyến thăm La Haye (Hà Lan), ông Zelensky đã bày tỏ: “Chúng tôi muốn nhận được thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi sẽ là thành viên NATO sau xung đột”.
Đã có một số tuyên bố khích lệ từ từng quốc gia thành viên NATO và từ Tổng Thư ký Jens Stoltenberg với nội dung “cánh cửa vẫn mở”, nhưng không có gì cụ thể, và không có mốc thời gian nào được công bố.
Theo các chuyên gia, chính phủ Đức còn không coi tư cách thành viên NATO của Ukraine là một ý tưởng hay. Trong chuyến thăm Đức từ ngày 14/5, Tổng thống Zelensky sẽ nhận Giải thưởng “Charlemagne 2023” dành cho chính ông và người dân Ukraine. Được thành lập từ năm 1949 và từ năm1950, giải thưởng được trao hàng năm tại thành phố Aachen của Đức nhằm vinh danh các cá nhân có những đóng góp vào đời sống chính trị, kinh tế và tinh thần của châu Âu, đặc biệt là thúc đẩy sự đoàn kết châu Âu.
Theo một chuyên gia phân tích Đức: “Mong muốn của người dân Ukraine được thuộc về EU đã một lần nữa cho chúng ta thấy hội nhập châu Âu có tầm quan trọng như thế nào”.