Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo tại trụ sở OIF, tháng 11/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Đại sứ chia sẻ ý về nghĩa chuyến thăm lần này của Tổng thư ký OIF đối với quan hệ Việt Nam-Cộng đồng Pháp ngữ?
Chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Tổng thư ký OIF Louise Mushikiwabo là chuyến thăm thứ ba của bà tới đất nước chúng ta.
Sự kiện được OIF hết sức quan tâm vì đây đồng thời là chuyến đi của Đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại đầu tiên của Pháp ngữ nhằm triển khai các định hướng và chiến lược phát triển hợp tác mới trong Cộng đồng được chính bà Tổng thư ký phát động từ khi đảm nhận trọng trách đứng đầu OIF.
Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà Tổng thư ký Louise Mushikiwabo tới một nước thành viên sau hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành và các nước Pháp ngữ cũng như cộng đồng quốc tế đang mong muốn thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Chuyến đi cũng được đặt trong bối cảnh OIF đang chủ trương giữ vai trò tích cực và đóng góp hiệu quả hơn vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về hòa bình, hợp tác và phát triển, tăng cường sự kết nối với một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới là châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là sự tiếp nối các trao đổi cấp cao sâu rộng giữa Việt Nam và Pháp ngữ, đặc biệt là tiếp theo chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới trụ sở OIF tại Paris vào tháng 11/2021.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thư ký OIF cũng diễn ra trong một dịp hết sức đặc biệt, có ý nghĩa lớn đối với cả Việt Nam và OIF, đó là kỷ niệm 25 năm Hội nghị cấp cao 7 tại Hà Nội (1997-2022), đánh dấu hội nghị cấp cao đa phương lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Hội nghị 7 tại Hà Nội năm 1997 là một bước ngoặt, đánh dấu sự chuyển mình của khối Pháp ngữ, tăng cường cả về thể chế và định hướng phát triển của Pháp ngữ, là thời điểm OIF chính thức được thành lập cùng với chức danh Tổng thư ký.
Kể từ hội nghị này, tăng cường đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của Tổ chức, bên cạnh thúc đẩy tiếng Pháp, đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trong không gian Pháp ngữ, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của chủ nghĩa đa phương trên toàn cầu.
Hợp tác giữa Việt Nam-OIF thời gian qua có những điểm nhấn nổi bật nào, thưa Đại sứ?
Trong lĩnh vực chính trị - an ninh, bên cạnh sự ủng hộ của Pháp ngữ đối với tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, các nỗ lực giữ gìn hòa bình, an ninh và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong không gian Pháp ngữ, khối Pháp ngữ đang tăng cường hỗ trợ đào tạo chuyên môn và tiếng Pháp cho các sĩ quan ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hiện Việt Nam đang triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Trung Phi, một thành viên của Pháp ngữ và OIF đang thúc đẩy sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và tái thiết giữa Việt Nam và một số nước Pháp ngữ gặp bất ổn như Trung Phi, Mali hay Haiti.
Trong suốt quá trình tham gia Pháp ngữ, Việt Nam đã nhiều lần được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng. Đặc biệt, tháng 9/2020, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện Văn phòng Pháp ngữ tại khu vực Tây Phi, là người châu Á đầu tiên đứng đầu một Văn phòng khu vực của OIF.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam là nơi hiện diện của nhiều văn phòng đại diện của OIF tại khu vực như Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OIF và Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF).
Trung tâm đào tạo Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng được đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế là thành viên chính thức của Hiệp hội các Thị trưởng các nước thành viên Pháp ngữ (AIMF).
Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại diện quốc gia Việt Nam bên cạnh Pháp ngữ Đinh Toàn Thắng phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF) phiên họp đặc biệt lần thứ 40, ngày 16/3. (Nguồn: TTXVN) |
Trong giảng dạy và đào tạo tiếng Pháp, bên cạnh Dự án các lớp song ngữ (1997-2007) và Tăng cường tiếng Pháp ở khu vực Đông Nam Á (VALOFRASE) đã kết thúc, chương trình Đào tạo tăng cường nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy tiếng Pháp (CREFAP) và Thành lập Nhà tri thức Pháp ngữ tại Huế đang được triển khai và hoạt động.
Nhiều chương trình, dự án đã và đang tiếp tục triển khai các sứ mệnh ưu tiên của OIF như chương trình Đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam (từ 5/2013), Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương (CECOFAP) được thành lập từ 2014 đặt tại Học viện Ngoại giao, Viện Tin học Pháp ngữ (đào tạo kỹ sư tin học ứng dụng trình độ cao cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương).
Ngoài ra, AUF hỗ trợ Việt Nam trong giảng dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông và đại học, nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học cơ bản, luật pháp…; thành lập Không gian kỹ thuật số tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Hiện có 40 trường đại học của Việt Nam là thành viên của AUF. Tại kỳ họp 18 Đại hội đồng AUF ngày 21/9/2021, ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã được bầu là thành viên Hội đồng Quản trị của AUF nhiệm kỳ 2021-2025, cũng là đại diện duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Hội đồng quản trị AUF.
Trong lĩnh vực kinh tế, từ năm 2019, Viện Pháp ngữ Quốc tế (IFI) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Pháp ngữ Franconomics hằng năm, quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và giới đầu tư Pháp ngữ nhằm đối thoại, trao đổi về các vấn đề kinh tế - xã hội quốc tế.
Với sự hỗ trợ và phối hợp của OIF, nhiều hội thảo quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi đã được tổ chức, gần đây nhất là Hội thảo quốc tế về hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi (9/2021).
Trong lĩnh vực văn hóa, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phát sóng kênh TV5Monde 24/24 giờ trên hệ thống truyền hình cáp từ 11/1997.
TV5Monde hợp tác với VTV thông qua các lĩnh vực đào tạo (biên tập viên, kỹ thuật viên, dựng phim bằng kỹ thuật số, quay phim...); trao đổi chương trình (theo hợp đồng); hợp tác sản xuất (phim tài liệu, phóng sự); tài trợ cho điện ảnh.
Từ tháng 4/2011, TV5Monde châu Á có phụ đề tiếng Việt.
Vậy theo ông, những hoạt động thực chất đó đã phản ánh như thế nào về nỗ lực của Việt Nam tại một diễn đàn đa phương quan trọng như OIF?
Kể từ khi gia nhập OIF, Việt Nam luôn thể hiện cam kết cao, là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm.
Xuất phát từ nhu cầu thiết yếu ban đầu khi gia nhập Cơ quan Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật - ACCT (1979) là tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật... trong thời kỳ Việt Nam gặp nhiều khó khăn do bị bao vây, cấm vận, sau đó là tăng cường kết nối với các đối tác về kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam đã từng bước tăng cường quan hệ hợp tác với tất cả các nước thành viên của OIF, từ các đối tác phát triển như Pháp, Canada, Bỉ đến các đối tác đang phát triển ở châu Phi.
Việt Nam đã tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau với các nước Pháp ngữ đối với các hồ sơ ứng cử tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cũng như các vấn đề thuộc lợi ích an ninh và phát triển của Việt Nam, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Sự ủng hộ và tham gia của Việt Nam vào Cộng đồng Pháp ngữ có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào việc thúc đẩy các giá trị mà Việt Nam và Pháp ngữ đều đề cao, là hòa bình, phát triển, đa dạng văn hóa. |
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia đầy đủ và đóng góp thực chất vào việc hoạch định và triển khai các chiến lược hợp tác hiện nay của Pháp ngữ là Chiến lược Kinh tế và Chiến lược Số; ủng hộ thúc đẩy cải cách hành chính nội bộ với Quy chế thống nhất về hoạt động của các cơ quan Pháp ngữ.
Việt Nam được Pháp ngữ đánh giá là thành viên nòng cốt, có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề thuộc hoạt động ưu tiên của Pháp ngữ. Các nước thành viên trong Cộng đồng coi Việt Nam không chỉ là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là tấm gương thành công trong xóa đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Từ nhiều năm qua, Việt Nam không chỉ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-OIF mà còn là hình ảnh và đầu cầu cho Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Những vị trí quan trọng mà các đại diện Việt Nam đang đảm nhiệm hiện nay tại OIF và AUF thể hiện sự đánh giá cao của Cộng đồng đối với Việt Nam cũng như uy tín của Việt Nam trong Cộng đồng.
Cùng với những gì Việt Nam đã thể hiện trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 và nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, đây là những kết quả rất đáng trân trọng trong triển khai ngoại giao đa phương của Việt Nam trong thời gian qua, phản ánh được năng lực và trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề chung của quốc tế.
Trở lại với chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Tổng thư ký OIF, Đại sứ đánh giá ra sao về thông điệp cũng như tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam-OIF thông qua hoạt động của Đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại nêu trên?
Việt Nam là thành viên luôn chủ trương thúc đẩy mảng hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực hoạt động của OIF kể từ khi ta đăng cai Hội nghị cấp cao 7 năm 1997.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam chính là nước điều phối xây dựng Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ 2021-2025 trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế.
Việc Pháp ngữ chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên triển khai xúc tiến kinh tế- thương mại thể hiện đặc biệt coi trọng vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ.
Việc Pháp ngữ chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên triển khai xúc tiến kinh tế- thương mại thể hiện đặc biệt coi trọng vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ. |
Pháp ngữ đã chuẩn bị tổ chức Đoàn trong hơn một năm qua (ban đầu dự kiến thực hiện vào cuối tháng 10/2021), đầu tư khá nhiều nguồn lực tài chính và công sức do thực sự muốn kết nối hiệu quả các doanh nghiệp của các nước Pháp ngữ.
Pháp ngữ cũng muốn Đoàn xúc tiến thành công để làm hình mẫu triển khai tiếp các đoàn xúc tiến kinh tế - thương mại tới các nước khác. Dự kiến đoàn thứ hai sẽ được tổ chức sang Gabon và Rwanda vào đầu tháng 7 năm nay.
Đoàn mong muốn thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp của ta với các doanh nghiệp Pháp ngữ về ba lĩnh vực phù hợp với ưu tiên quan tâm của Việt Nam và nhu cầu của nhiều thành viên là nông nghiệp, kinh tế số và năng lượng tái tạo.
Qua các định hướng hợp tác này, Việt Nam có thể tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng, hoạt động kinh tế quan trọng mà ta có thế mạnh, đặc biệt là gạo, điều, cà phê, bông, dịch vụ số;
Kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương của ta với các đối tác Pháp ngữ, giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước thành viên Pháp ngữ; góp phần cụ thể hóa chủ trương ngoại giao phục vụ phát triển và Đề án Phát triển quan hệ giữa Liên minh châu Phi và Việt Nam giai đoạn 2020-2025.
Đồng thời, nhiều nước châu Phi đang mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội với Việt Nam, coi Việt Nam là một đối tác tin cậy và quan trọng, đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, bền vững và đoàn kết, thể hiện rõ nét trong các dự án hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam (như Viettel) tại một số nước Pháp ngữ.
Đối với Pháp, trước đây đã từng triển khai thành công một số dự án hợp tác ba bên giữa Pháp - Việt Nam và một nước châu Phi như dự án trồng lúa tại Mali, Senegal. Việc kết hợp với các đối tác để thúc đẩy hiệu quả hơn hợp tác kinh tế với châu Phi, đặc biệt là các nước châu Phi Pháp ngữ, đang là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này.
Các đối tác Pháp đánh giá cao kinh nghiệm và khả năng thích nghi của các chuyên gia Việt Nam cũng như ứng xử với người dân bản địa, coi đó là một trong những yếu tố mang lại thành công cho hợp tác.
Bên cạnh đó, tháng 11/2021, Chiến lược Số Pháp ngữ giai đoạn 2022-2026 đã được thông qua nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các quốc gia thành viên cũng như kết nối nội khối, tăng cường hợp tác.
Đây là một trong các bước đi cụ thể hóa Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ 2020-2025, là công cụ mới có tính định hướng và tạo khung hợp tác để tiến tới tạo không gian số bao trùm và tiên tiến trong không gian Pháp ngữ.
Trong thời gian tới, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế tại OIF, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên soạn thảo Kế hoạch hành động nhằm triển khai Chiến lược này.
Xin cảm ơn Đại sứ!