Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. (Nguồn: SGGP) |
Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh đã được TP. Hồ Chí Minh xác định là động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới. Điều này không chỉ hỗ trợ Thành phố hướng tới phát triển bền vững mà còn góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách kinh tế xanh
Với đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh Thành phố có Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Nghị quyết đã mở ra nhiều cơ hội cho thành phố khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển mạnh mẽ trở lại. Đồng thời, tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, từ đó kéo theo những điểm nghẽn khác dần được cởi bỏ.
Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực là rất cần thiết trong lộ trình xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế bền vững. Song song đó, TP. Hồ Chí Minh phải đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước.
Tin liên quan |
Bộ Ngoại giao sẽ thúc đẩy hợp tác 3 trọng tâm đột phá với TP. Hồ Chí Minh trong tăng trưởng xanh |
Song, muốn đạt được những điều đó, thành phố cần tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh.
Nhận định về hướng đi này, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, với mục tiêu trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, TP. Hồ Chí Minh đang có điều kiện rất thuận lợi để trở thành “cực thu hút” các nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Trung tâm Tài chính của TP. Hồ Chí Minh phải là Trung tâm Tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm.
Muốn làm được điều này, TP. Hồ Chí Minh phải sớm ban hành chính sách hoặc cho thử nghiệm có kiểm soát đối với một số công cụ tài chính mới như phát hành trái phiếu xanh, xây dựng sàn giao dịch carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới kết nối với các nước ASEAN để trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực với tầm nhìn toàn cầu.
Cùng với trung tâm tài chính xanh, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của TP. Hồ Chí Minh là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc Thành phố và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ký thỏa thuận hợp tác hình thành nên Trung tâm Công nghiệp 4.0 dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) giúp Thành phố có không gian nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách về những phần việc liên quan đến xu thế phát triển, đặc biệt là tăng trưởng xanh.
Trung tâm sẽ là nơi đề xuất các giải pháp cũng như kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên, đột phá của thành phố phù hợp với định hướng quốc tế. Từ đề xuất của trung tâm này, TP. Hồ Chí Minh sẽ huy động nguồn lực, vốn, sự hỗ trợ của Chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp để áp dụng những công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Tuyên bố chung về hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và WEF được ký kết tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là bước khởi đầu cho hợp tác, cam kết hỗ trợ của WEF với quá trình thực hiện tăng trưởng xanh của Thành phố. Đây cũng là bước tiến quan trọng để Thành phố tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Không phải tham vọng bất khả thi
Về cơ bản, kinh tế TP. Hồ Chí Minh hiện chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính, việc bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều việc phải làm tích cực hơn. Dù là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất, đóng góp khoảng 1/5 GDP, thu hơn 1/4 ngân sách quốc gia, dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước, nhưng TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính đến 57,6 triệu tấn/năm, chiếm 23,3% cả nước.
Đối thoại với 100 CEO hàng đầu thế giới về tăng trưởng xanh – một hoạt động được tổ chức bên lề Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thừa nhận, là đô thị lớn hơn 10 triệu dân, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối diện với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế. Để ứng phó với những thách thức này, TP. Hồ Chí Minh đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới.
Tin liên quan |
Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2023: Kinh tế xanh-Cực tăng trưởng mới của TP. Hồ Chí Minh |
Quyết tâm đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu về tăng trưởng xanh đã được người đứng đầu chính quyền Thành phố khẳng định trước những lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức quốc tế: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Chúng ta có mặt ở đây và đang đi bước đi đầu tiên”.
Theo đó, Thành phố đang nghiên cứu, đề ra Khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.
Khung chiến lược xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi và tập trung vào bốn nội dung: nguồn lực xanh gồm nguồn nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế; hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn tài nguyên; hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh; các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch và nông nghiệp, thực phẩm xanh, đặc biệt là thí điểm xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh đầu tiên…
Chia sẻ tại họp báo thông tin về kết quả của Diễn đàn vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, tăng trưởng xanh có thể nói là một mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam. Thông qua Diễn đàn, Thành phố nhận thức việc thực hiện chuyển đổi xanh là có thể thực hiện và không phải là “tham vọng đến mức bất khả thi”. Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng có đủ điều kiện để sử dụng năng lượng tái tạo thay thế.
“Tôi nghĩ rằng chuyên môn của Anh có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế một cách bền vững. Tính bền vững là trọng tâm trong những gì chúng tôi đang thực hiện tại Việt Nam, với chính quyền TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp. Điều đó được xây dựng dựa trên cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow năm 2021. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ vì mục tiêu quan trọng đó, bao gồm hợp tác trong Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi xanh. Tôi rất vui vì TP. Hồ Chí Minh cũng tham gia việc thực hiện cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thông qua các hoạt động chuyển đổi năng lượng và doanh nghiệp giúp giảm phát thải”. Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew |
"Các doanh nghiệp thành viên Eurocham sẵn sàng chuyển giao công nghệ, mô hình, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm xuất khẩu của EU, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh. Quá trình chuyển đổi phải thực hiện đồng bộ nhưng với một chuỗi cung ứng thì cần phải từng bước. Cần có rất nhiều chính sách để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế xanh như với người tiêu dùng thì ưu đãi giảm thuế cho sản phẩm xanh, hay tiền tài trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh. Việt Nam đã tham gia chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), với gói 15,5 tỷ USD và đây chính là nguồn tài chính xanh hữu ích”. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Gabor Fluit |
| Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: TP. Hồ Chí Minh là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023 (HEF 2023) ngày 15/9, Phó Thủ tướng Chính phủ ... |
| WEF đồng hành với TP. Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP. Hồ Chí Minh sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh ... |
| Ban Kinh tế Trung ương đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh trong xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về tăng trưởng xanh Thể hiện sự ủng hộ cao đối với TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, với ... |
| Các nhà ngoại giao Singapore, Italy và Israel chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh với TP. Hồ Chí Minh Đại diện các cơ quan ngoại giao của Singapore, Italy và Israel tại Việt Nam chia sẻ với Báo TG&VN quan điểm về phát triển ... |
| Chuyên gia hiến kế TP. Hồ Chí Minh phát triển tăng trưởng xanh: Bài học từ Singapore PGS. TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh sự cần thiết phải xem tăng trưởng xanh là vấn đề sống còn và dốc toàn lực để ... |