Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chia sẻ thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. |
Sáng 24/7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Buổi họp diễn ra khi toàn thành phố bước vào ngày thứ 2 thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 có tăng cường, siết chặt một số biện pháp.
Tại buổi họp, phóng viên đặt câu hỏi với lãnh đạo thành phố về việc quản lý, tuân thủ giãn cách tại những cụm dân cư, những con hẻm nhỏ đông người dân sinh sống nhưng chưa áp dụng biện pháp phong tỏa.
Ngoài ra, nguồn lực ngành y của TP. Hồ Chí Minh có đáp ứng đủ trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày hay không; thành phố cần Trung ương, các đơn vị khác hỗ trợ ra sao về nhân sự và vật tư y tế.
Hạn chế tiếp xúc, di chuyển
Trả lời cho câu hỏi trên, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt đợt giãn cách này là toàn địa bàn thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, khu cách ly, phong tỏa là Chỉ thị 16+.
Người dân không di chuyển, không tiếp xúc khi không thật sự cần thiết. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ông Dương Anh Đức cho biết, thời gian qua thành phố vẫn ghi nhận có tình trạng đông đúc trong các khu phong tỏa, không tuân thủ cách ly. Điều này dẫn đến việc số ca F0 chiếm đa số trong các trường hợp được công bố mỗi ngày.
Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo kỷ cương giãn cách. Các khu phong tỏa, người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần cấp cứu. Đối với lương thực, thực phẩm, chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm phân phối đến từng nhà hoặc "đi chợ thay".
"Bà con trong các khu phong tỏa luôn mong muốn được gỡ phong tỏa càng sớm càng tốt. Để đạt được điều đó, các biện pháp giãn cách cần tuân thủ triệt để nhằm sớm ổn định tình hình", ông Dương Anh Đức chia sẻ.
Liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại, 2/3 xe máy lưu thông trên đường là những người giao hàng. Trong đó, có những người giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ và những người giao hàng truyền thống.
"Vì mục tiêu đảm bảo giãn cách trong hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu, thành phố sẽ tổ chức lại một cách quy củ, trật tự nhằm giảm khả năng lây nhiễm", ông Dương Anh Đức thông tin.
Huy động toàn bộ lực lượng y tế trên địa bàn
Với câu hỏi về nguồn nhân lực y tế, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, địa bàn đã huy động cả lực lượng y tế công lập và tư nhân tham gia chống dịch. Lực lượng được huy động nhiều nhất trong thời gian gần đây là đội ngũ tham gia chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch huy động các bác sĩ về hưu và thêm lực lượng y tế tư nhân tham gia điều trị, tư vấn sức khỏe cho người dân.
Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo kỷ cương giãn cách. (Nguồn: Báo Hà Nội mới) |
"Sở Y tế thường xuyên phối hợp các đơn vị Trung ương tập huấn, huy động các sinh viên ngành y, ngành công nghệ thông tin và các ngành khác tham gia một số công tác trong phòng, chống Covid-19. Lực lượng này đã lên tới cả chục nghìn người", ông Dương Anh Đức thông tin.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn vừa qua, ngành y thành phố đã phải chia sẻ nguồn lực cho nhiều công tác khác nhau. Khi số ca mắc Covid-19 tăng, lực lượng y tế cần chia sẻ cho các công tác cách ly, điều trị và xét nghiệm, truy vết, tiêm vắc xin...
Bên cạnh đó, các quận, huyện thành lập cơ sở cách ly, điều trị F0, nhiều bệnh viện chuyển đổi mô hình sang điều trị Covid-19, đòi hỏi nhân sự lớn ngành y tham gia.
"Ngành y thành phố đã nhận được sự giúp đỡ lớn về nhân lực từ Trung ương, các bộ ngành trong quá trình phòng, chống Covid-19. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng lên kế hoạch huy động 59 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám đa khoa tư nhân cử bác sĩ tham gia trong đợt tiêm vắc xin lần này", ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đang có 15.000 nhân sự y tế tham gia công tác tại các cơ sở khám, chữa, điều trị và phòng, chống Covid-19, trong đó, hơn 4.000 người là lực lượng được tăng cường từ Trung ương và các tỉnh bạn.