📞

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm: 30 năm gắn bó cùng trà Việt

Thùy Dương 12:16 | 17/01/2024
Trong tâm thức người Việt, trà không chỉ là thức uống, mà còn là biểu tượng của lối sống và người bạn tri âm. Điều này làm cho mỗi chén trà trở thành như một sợi dây vô hình, nối kết tình thân của chúng ta, tạo nên sự gần gũi và ấm cúng thêm.

Trong những ngày Tết, sự thiếu vắng chén trà như việc mất đi hương vị đặc trưng của ngày xuân. Theo Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm - người đã dành rất nhiều năm nghiên cứu và sưu tầm các loại trà nổi tiếng thế giới, đặc biệt là trà Việt, “Thưởng thức một chén trà mang đậm phong cách Việt là một trải nghiệm mang nhiều ý nghĩa. Màu nước vàng sánh, trong xanh, hương trà, hương hoa tự nhiên là hình ảnh Việt Nam với rừng vàng, biển bạc, tài nguyên phong phú. Vị đắng chát gợi lên nỗi vất vả, cần lao của người làm trà truyền thống. Hậu vị ngọt mát của trà, chính là tâm hồn người Việt giàu tình nghĩa, thủy chung. Khi thưởng thức trà, chúng ta không chỉ cảm nhận hương thơm và vị ngọt thanh của trà, mà còn tôn vinh tâm huyết của những người làm trà, đã gửi vào từng tách trà".

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm trình diễn nghệ thuật pha trà bằng ấm tử sa.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm hiểu sâu sắc về ấm chén, trà cụ và các loại trà từ Đông sang Tây. Cuối cùng, bà đã lựa chọn quay về cái gốc của trà Việt để bảo tồn văn hóa dân tộc. Ngoài ra, bà còn mở rộng sưu tập các dòng trà nổi tiếng từ Đài Loan (Trung Quốc), một trong những xứ sở trứ danh về trà. Từ nơi này, bà đã tham gia các khoá học đào tạo và đạt được bằng chứng nhận trà sư qua 5 cấp từ Sơ cấp, Trung cấp, đến Cao cấp.

Với kiến thức chuyên môn về trà, bà luôn nỗ lực mua những dòng trà quý hiếm khi có cơ hội, vì đối với bà, những loại trà này không chỉ là một vật phẩm tùy duyên mà còn là niềm tiếc nuối lớn nếu bỏ lỡ.

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm bên kho trà của chị đã sưu tầm 30 năm qua.

Là người yêu trà, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã dành thời gian đi nhiều nơi, từ trang trại trồng chè trong nước đến ngoại ô quốc tế, nhằm tìm hiểu và sưu tập từng loại trà quý. Bà nắm vững thông tin về cách thu hái và chế biến trà đặc biệt từ mỗi vùng đất. Hành trình của bà không chỉ là sưu tập, mà còn là mong muốn chia sẻ tri thức trà với tấm lòng chuyên sâu với hy vọng những người trồng trà Việt có thể phát triển một cách khỏe mạnh cùng với cây trà của họ, và người uống trà Việt có thể thưởng thức những sản phẩm trà ngon, có lợi cho sức khỏe và có giá trị hợp lý.

Khi được hỏi về ước mơ lớn nhất, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chia sẻ, "mong ước sâu sắc của tôi là mong muốn Việt Nam có một Viện nghiên cứu và phát triển Trà Việt hoặc trường đào tạo trà chính quy để mọi người đam mê trà có cơ hội nghiên cứu và học tập”.

Hướng dẫn bạn trẻ trình diễn nghệ thuật pha trà.

Với tình yêu trà, sau nhiều năm nghiên cứu, bà đã thành công áp dụng kỹ thuật vào chế biến trà Việt. Đặc biệt, có hai loại trà nổi bật là "Thiên Xuân Cổ Thụ Trà" và "Diệu Bảo Liên Hoa Trà". Thiên Xuân Cổ Thụ Trà, hay còn được biết đến như trà cổ thụ, mọc ở vùng núi Tây Bắc, nơi sương mù dày đặc và độ cao lên đến 2200 - 2600m, tạo nên một môi trường đặc biệt, ảnh hưởng đến hương vị đặc trưng của trà. Không chỉ là sản phẩm trà cổ thụ, Thiên Xuân Cổ Thụ Trà còn là biểu tượng của văn hóa Việt , kết hợp tài năng và đam mê của những nghệ nhân làm trà. Hương vị ngọt ngào và tinh tế của Thiên Xuân Cổ Thụ Trà không chỉ là trải nghiệm thưởng trà mà còn là sự hòa mình vào văn hóa Việt, được gìn giữ và truyền đi qua từng tách trà, tạo nên một trải nghiệm tinh tế và đậm chất văn hóa.

"Diệu Bảo Liên Hoa Trà" - mỗi kg trà đòi hỏi tới 2240 bông hoa sen, được sấy lạnh kết hợp với gạo sen và trải qua một quá trình 10 ngày để tạo ra một mẻ trà thơm ngát. Điều đặc biệt của trà không chỉ nằm ở hương vị mà còn ở nghệ thuật của người làm trà. Từ quá trình trồng sen, ướp trà cho đến việc thu hoạch, tất cả đều được thực hiện hoàn toàn bằng đôi bàn tay tận tâm của người nông dân và nghệ nhân làm trà, tạo nên sản phẩm trà với giá trị không chỉ về hương vị mà còn là sự chăm sóc và tôn trọng đối với quá trình sản xuất.

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm trực tiếp lựa chọn những búp trà tinh tuý.

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm dành đam mê cho trà không vì mục đích kinh doanh, mà để chia sẻ kiến thức đã học và tích lũy trong hơn 30 năm. Chính tư tưởng này đã thúc đẩy bà viết hai cuốn sách "Trà Duyên" và "Tâm Trà Diệu Bảo," được thiết kế bởi con gái út Rystal Su Wan Lin, nhằm tặng cho cộng đồng yêu trà.

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm hiện nắm giữ kỷ lục thế giới với bộ sưu tập 1.000 ấm tử sa, đa dạng về kiểu dáng và niên đại. Niềm đam mê này của bà làm cho trà không chỉ là thức uống mà còn là một biểu tượng của văn hóa và tâm huyết của người làm trà. “Ngày hai bữa cơm đạm bạc thì có gì phải bận tâm, chỉ mong mọi người hiểu và biết đến một nền văn hóa sống mãi với thời gian. Thế hệ của tôi cũng sẽ dần qua đi, và ý nguyện của tôi là truyền tải thông điệp về văn hóa của đời sống nhân sinh thông qua trà. Tôi muốn giáo dục văn hóa trà Việt đến thế hệ trẻ, các sinh viên và các em nhỏ, để họ có thể tiếp bước gìn giữ và đưa văn hóa trà Việt vươn tầm ra thế giới", Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Độc ẩm trà cổ thụ cùng ấm tử sa.

Nhận xét về nững chia sẻ giản dị của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm, theo Tiến sĩ Bùi Hữu Dược – nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ: “Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm có sự chân thành trong truyền đạt kiến thức về trà cùng sự ân cần hướng dẫn cho nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ về trà, cũng như những kỹ thuật pha trà mà bà đã học và tích lũy được. Bà không chỉ mong muốn xây dựng và phát triển văn hóa trà thông qua "Trà đạo," mà còn góp phần thúc đẩy và xây dựng một đời sống văn hóa xã hội lành mạnh và tốt đẹp”.

Cùng thưởng trà và đàm luận về trà Việt.