📞

Trà xanh: Nhiều công dụng đến bất ngờ; Chuyên gia khuyên lúc nào không nên uống

19:30 | 21/01/2021
TGVN. Ngoài việc giúp tỉnh táo, tăng cường sức đề kháng, tăng cường sinh lực và phòng chống bệnh, trà xanh còn có nhiều tác dụng bất ngờ khác mà có thể bạn chưa từng biết tới.
Trà xanh là thức uống quen thuộc đối với người châu Á. (Nguồn: Phong Kim)

Từ lâu trà xanh được xem là một thức uống lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, là một trong những loại trà nổi tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó, trà xanh còn có nhiều tác dụng bất ngờ khác mà có thể bạn chưa từng biết tới.

Lợi ích cho sức khỏe

Theo một số nghiên cứu gần đây, trà xanh có một tinh chất nổi tiếng là epigallocatechin hay EGCG. Chất này có khả năng chống viêm và phòng ngừa một số bệnh mãn tính.

Đặc biệt, sự kết hợp của EGCG và aztreonam đã làm giảm số lượng vi khuẩn kháng thuốc, chứng tỏ EGCG trong trà xanh có chức năng khôi phục lại tác dụng của thuốc kháng sinh, giúp kháng sinh đi vào trong và tiêu diệt vi khuẩn dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, hoạt chất EGCG giúp cải thiện việc sử dụng insulin trong cơ thể để ngăn ngừa sự lên xuống đột ngột của đường huyết.

Chất EGCG còn có thể ngăn ngừa sự tăng trưởng của tế bào ung thư phổi, ức chế ung thư đại tràng; EGCG được chứng minh là mạnh gấp 200 lần vitamin E trong việc hủy diệt các gốc tự do làm tổn thương da gây viêm khớp, đái tháo đường và ung thư.

Không chỉ thế, lá chè xanh còn chứa một hợp chất có tên là Catechin có thể ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn răng miệng và đường ruột, đặc biệt là bệnh cúm.

Các theophyline trong trà xanh có tác dụng lợi tiểu và làm giãn các cơ trơn hỗ trợ phế quản. Kết quả là, đồ uống lành mạnh truyền thống này có thể làm giảm sự tác động nguy hại của bệnh hen suyễn.

Với thành phần có chứa chất polyphenol và flavonoid, trà xanh giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, giúp cơ thể khỏe mạnh và mạnh mẽ hơn, và có khả năng chiến đấu chống lại chứng nhiễm trùng.

Trà xanh có tác dụng chống bức xạ và giảm cholesterol, qua đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Thậm chí nếu ai từng bị đau tim, trà xanh có thể giúp ngăn ngừa tế bào bị phá hủy và tăng tốc quá trình phục hồi tế bào tim mạch.

Trà xanh cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng bệnh lú lẫn ở người cao tuổi. Với người bình thường nếu mỗi ngày uống 3 ly trà xanh thì trí nhớ, sức tập trung, khả năng nói lưu loát cũng tốt hơn.

Hỗ trợ làm đẹp

Trà xanh có tác dụng rất lớn trong việc giảm sưng, thâm quầng mắt thông qua việc làm giảm sự giãn nở của các mạch máu dưới mắt.

Trà xanh có thể giúp da bạn khoẻ mạnh hơn bằng cách uống lẫn bôi ngoài da bởi trà xanh chứa rất nhiều thành phần EGCG.

Không chỉ có thế, hoạt chất EGCG còn làm tăng hiệu suất đốt cháy chất béo trong cơ thể, kích hoạt các gene đốt cháy mỡ ở bụng giúp giảm cân. Trà xanh cũng có thể ngăn chặn quá trình chuyển hóa glucose thành tế bào mỡ.

Do đó, cùng một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, trà xanh có thể giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả nếu bạn kết hợp uống trà xanh mỗi ngày.

Ngoài lợi ích về sức khỏe, trà xanh còn hỗ trợ làm đẹp.

Khuyến cáo của chuyên gia:

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), tuy trà xanh có nhiều công dụng, nhưng mỗi người bình thường hàng ngày chỉ nên uống từ 2 - 3 tách trà sẽ thu lại được những lợi ích cho sức khỏe. Nếu uống quá nhiều (trên 10 tách/ngày) sẽ dẫn tới những bất lợi như mất ngủ, nhịp tim nhanh, mệt mỏi...

Uống trà xanh vào buổi sáng sẽ giúp bạn tỉnh táo, làm việc hiệu quả, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng cường sinh lực và phòng chống bệnh tật. Sau khi ăn nhiều dầu mỡ, nên uống trà sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn. Nên uống trà nóng và không quá nhiều, nếu không sẽ làm loãng dịch dạ dày, ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Người táo bón: Các chất phenol, tanin trong lá chè có tác dụng gây co niêm mạc dạ dày và ruột, ảnh hưởng đến hấp thu và tiêu hóa thức ăn, làm táo bón nặng thêm.

Người suy nhược thần kinh và mất ngủ: Chất cafein trong lá trà gây hưng phấn thần kinh trung ương. Người suy nhược thần kinh và mất ngủ mà uống trà vào buổi tối sẽ mất ngủ nặng hơn.

Người thiếu máu: Chất tanin trong lá trà sẽ kết hợp với sắt trong thực phẩm tạo thành chất lắng cặn không thể hấp thu sắt dẫn đến bị thiếu máu.

Người thiếu canxi và bị loãng xương: Vì cafein trong trà sẽ thúc đẩy bài tiết canxi, mặt khác, cafein lại ức chế hấp thu canxi ở ruột.

Người bị loét dạ dày: Trà kích thích bài tiết acid. Chất tanin của trà làm giảm hoạt tính của men khiến cho tế bào thành dạ dày tiết ra nhiều acid hơn làm bệnh nặng lên.

Người bị bệnh gút: Chất tanin trong trà làm bệnh nặng hơn. Người bệnh gút đặc biệt chú ý không nên uống trà hãm lâu.

Người bị bệnh tim và tăng huyết áp: Uống trà nhiều tim sẽ đập nhanh, nhịp tim tăng, huyết áp tăng hoàn toàn không có lợi cho người bị bệnh tim và bệnh cao huyết áp.

Người bị bệnh xơ cứng động mạch: Do trà có nhiều chất hoạt tính sinh học như cafein, chất kiềm làm tăng hưng phấn nên mạch máu dẫn đến não bị co rút, không cung cấp đủ máu cho não, lưu lượng máu chậm lại dễ phát sinh tắc động mạch não.

Người sốt cao: Cafein của trà làm tăng nhiệt độ cơ thể người và giảm hiệu quả thuốc.

Người bệnh gan: Chất cafein trong trà được bài tiết ra ngoài chủ yếu qua gan. Nếu gan yếu mà uống trà nhiều, gan sẽ phải làm việc quá tải càng làm tổn thương gan.

Người bệnh sỏi đường tiết niệu: Trà chứa nhiều aicd oxalic, acid này kết hợp với canxi trong nước tiểu tạo nên sỏi trong đường tiết niệu.

Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sắp sinh, cho con bú, tiền mãn kinh không nên uống trà nhiều: Trong thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể cần bổ sung sắt. Trà chứa nhiều tanin và acid oxalic làm hạn chế niêm mạc dạ dày hấp thu sắt. Vì vậy, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai không nên uống trà. Khi sắp sinh nở mà uống nhiều trà sẽ gây mất ngủ, mệt mỏi, mất sức.

Chất tanin của trà hòa vào tuần hoàn máu sẽ gây ức chế hormon kích thích bài tiết sữa, làm thiếu sữa. Chất tanin, cafein còn có thể truyền sang cơ thể bé qua sữa mẹ, gây kích thích làm trẻ quấy khóc. Do vậy, phụ nữ đang cho con bú không nên uống trà. Phụ nữ tiền mãn kinh hay có các rối loạn về tim mạch cũng không nên uống trà.

Không nên uống trà với rượu: Sự kết hợp này có thể gây hại cho thận và hệ thống bài tiết.

Tránh uống trà cùng với thuốc: Trà có thể tương tác với các thành phần trong các loại thuốc làm giảm hiệu quả của thuốc. Chỉ nên uống trà sau khi dùng thuốc được 2 giờ.

Không nên uống trà lúc đói bởi ảnh hưởng không tốt đến dạ dày. Ngoài ra, uống trà khi đói dễ làm bạn bị nhiễm lạnh, điều này có thể ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, đặc biệt là phổi.

(tổng hợp)