📞

Trách nhiệm và cơ hội của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

21:45 | 24/12/2018
Bên lề Lễ ra mắt và Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 diễn ra ngày 24/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí về một số nội dung trọng tâm khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đã chuẩn bị gì để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020?

Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, các công việc chuẩn bị đã được thực hiện từ nhiều tháng nay.

Trước hết là việc thành lập Ban Tổ chức thu xếp công tác chuẩn bị cho năm 2020. Cùng với đó, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã được thành lập. Trong Ủy ban Quốc gia này có các tiểu ban, các trụ cột, quy chế phối hợp.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký UBQG ASEAN 2020 trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Về nội dung, chúng ta đã tiến hành xúc tiến, trao đổi với các bộ, ngành, chuyên gia về ASEAN trong và ngoài nước để xác định những vấn đề Việt Nam nên tập trung, chủ đề cho năm 2020. Đến nay, những công việc này đã được triển khai và cho kết quả bước đầu.

Với tư cách Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng có thể giới thiệu đôi nét về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban? Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 trong thời gian tới?

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 được thành lập theo Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 14/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 gồm Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; ba Phó Chủ tịch là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; 25 thành viên khác là lãnh đạo các bộ, cơ quan tham gia hợp tác ASEAN.

Sơ bộ từ nay đến hết năm 2020, Ủy ban Quốc gia sẽ có khoảng 9 cuộc họp, mỗi quý có một cuộc họp, ngoài ra có thể còn có các cuộc họp bất thường khi có nhu cầu.

Việt Nam xác định các định hướng trọng tâm, ưu tiên gì trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, thưa Thứ trưởng?

Còn quá sớm để nói tới các ưu tiên, chủ đề của năm 2020, nhưng Việt Nam đã chuẩn bị từ rất sớm và đang trong quá trình trao đổi, tham khảo ý kiến nội bộ Việt Nam cũng như tham khảo các nước.

Tôi cho rằng, chủ đề, ưu tiên của Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có sự kế thừa chủ đề và ưu tiên các năm trước đây, nhất là của Philippines, Singapore và Thái Lan; đồng thời vừa phải hài hòa với quan tâm chung của các nước thành viên cũng như các đối tác ASEAN, vừa đáp ứng và phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Chủ đề nên ngắn gọn, có tính tổng quát cao, đáp ứng tính xây dựng Cộng đồng; tính đến quan hệ, vị thế của ASEAN, sự thích ứng của ASEAN trong một khu vực, quốc tế đang thay đổi.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về trách nhiệm và cơ hội của Việt Nam khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020?

Đúng là Việt Nam vừa có trách nhiệm vừa có cơ hội. Trách nhiệm ở đây trước hết là đến lượt Việt Nam làm Chủ tịch theo luân phiên. Trách nhiệm thứ hai là phải làm sao duy trì được đà tiến triển của ASEAN.

Những gì ASEAN đã đạt được thì Việt Nam cần phát huy, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vững mạnh hơn. Đồng thời Việt Nam phải dẫn dắt để ASEAN không những vững mạnh về mặt nội bộ, mà còn phải tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực cũng như đóng góp vào tiến trình, sự quan tâm của toàn cầu.

Đây cũng là cơ hội của Việt Nam trong việc thể hiện vai trò chủ nhà, là phép thử cho sự trưởng thành; là cơ hội rất tốt để phát huy khả năng của Việt Nam trong việc dẫn dắt Cộng đồng ASEAN, quảng bá đất nước để khu vực và thế giới hiểu hơn về Việt Nam.

 Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.