Còn nhớ, khi tập hồi ký của cựu Thủ tướng Anh được phát hành ở Anh, Mỹ và Canada vào tháng 9/2010, ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên với độc giả ở Dublin, Ireland, ông đã gặp phải không ít phản ứng tiêu cực từ một bộ phận công chúng. Có thể nói, cuốn sách là tác phẩm ghi lại chân thực nhất những năm tháng khi ông Tony Blair còn là nhân vật quyền lực nhất nước Anh. Ông cũng đưa ra những bí mật đằng sau những quyết sách quan trọng nhằm duy trì sức mạnh của Đảng Lao động, mối quan hệ mật thiết với nhiều nhân vật trong chính trường Anh như tân Thủ tướng Gordon Brown và Peter Mandelson, cùng nhiều nhà lãnh đạo quốc tế như Geogre W.Bush, Putin và Clinton. Đồng thời, nó cũng là lời tự sự về những sóng gió chính trị với hàng nghìn lời tán dương và lời chỉ trích về những sai lầm mà ông mắc phải.
Tony Blair - Hành trình chính trị của tôi xuất bản tại Việt Nam dày gần 900 trang, gồm 22 chương. Độc giả có thể thấy cuốn sách không hề giống với những cuốn hồi ký chính trị khác. Theo ông Tony Blair, hầu hết những hồi ký mà ông đã đọc đều khá tẻ nhạt, do đó những điều mà bạn đọc trong cuốn hồi ký này không phải là những mô tả thường thấy về những người ông đã gặp và những việc đã trải qua. Ông viết theo chủ đề thay vì bám theo trình tự thời gian của các sự kiện. Câu chuyện đó bắt đầu năm 1997 và kết thúc vào năm 2007, trong đó, ông đề cập đến những chủ đề khác nhau như con đường dẫn đến quyền lực, vấn đề Bắc Ireland, Công nương Diana, Sự kiện 11/9, vấn đề Iraq, cuộc cải cách dịch vụ công, Olympic, hay sự kiện tháng 7/2005…
Ông Tony Blair đã rất tự tin về sự thành công của cuốn hồi ký. Ông cho rằng, chỉ một người có thể viết đúng về những gì liên quan đến nhân vật trung tâm đó là chính bản thân ông. Cựu Thủ tướng Anh cũng rất quan tâm đến sự hấp dẫn của toàn bộ cuốn sách và cẩn trọng khi đặt bút viết nên đã mất tới 3 năm để hoàn thành nó. Cũng vì lo sợ hồi ký bị "hụt hơi" như nhiều cuốn khác nên ông đã viết các phần khó trước, phần dễ sau để có thể duy trì đều đặn nhịp độ và bầu nhiệt huyết của mình. Một điều quan trọng mà tác giả muốn khẳng định là cuốn sách không chỉ đơn giản là cái nhìn trở lại quá khứ: "Tôi hoàn toàn không phải là người hoài cổ, mà luôn hướng đến tương lai, bởi tôi vẫn còn nhiều công việc và dự định phải hoàn thành trong cuộc đời. Tôi vẫn đang làm việc chăm chỉ như đã từng làm và vẫn học tập không ngừng nghỉ".
Trong chương Kỳ vọng lớn lao, ông Tony Blair đã bắt đầu hành trình của mình thế này: "Ngày 2 tháng 5 năm 2007, lần đầu tiên tôi đặt chân đến phố Downing với tư cách Thủ tướng. Trước đó tôi chưa bao giờ có văn phòng làm việc riêng, thậm chí còn chưa làm phụ tá cho một công chức cấp cao nào. Đây là công việc đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi trong Chính phủ". Và trong chương Ra đi, ông nói rằng: "Một lần nữa phải nói rằng, mọi người đều cần thư giãn, để cơ thể được nghỉ ngơi, rũ bỏ ánh hào quang của quyền lực dù chỉ trong chốc lát. Và nếu bạn từng thấy một người mang đầy trọng trách mà không cần nghỉ ngơi, hãy cẩn thận. Sẽ có vấn đề xảy ra". Không chỉ miêu tả các sự kiện chính trị khô cứng, trong cuốn sách này, Tony Blair luôn đưa ra những chia sẻ, cảm xúc riêng tư: "Cũng có những nỗi buồn nhất định đến với bạn, cố kết trong con người bạn và không bao giờ rời đi. Còn tôi là một người khá lạc quan. Tôi nghĩ cuộc sống là một món quà mà Thượng đế ban ơn và cần phải sống sao cho toàn vẹn, có mục đích và xứng đáng".
Đáng chú ý, trong chương Tái bút, ông Tony Blair đã viết "Kể từ khi rời nhiệm sở, tôi đã học được một điều, trên tất cả: người dân là hy vọng" và trong lời kết, ông cũng đưa ra một triết lý khá sâu sắc: "Không phải là chúng ta cần có quyền lực chính trị để giải phóng con người. Trái lại, chúng ta cần có sức mạnh con người để giải phóng chính trị. Và một điều nghe có vẻ kỳ lạ với các chính trị gia sau khi đọc hồi ký này là, chúng ta sẽ không bao giờ biết rõ liệu hành trình của tôi là chiến thắng của một cá nhân trước chính trị, hay là của chính trị trước một cá nhân".
AN BÌNH
"Tôi hy vọng quyển hồi ký này sẽ cung cấp những thông tin đáng giá và đáng suy nghĩ, nhưng không kém phần hài hước. Đây là ký sự phản ánh thời gian tôi làm việc như một thành viên của Quốc hội Anh nói chung và một Thủ tướng xuất sắc nói riêng" - Tony Blair "Tony Blair là nhân vật lãnh đạo thế giới đăng cấp trong kỷ nguyên này. Câu chuyện của ông rất đáng để đọc. Tiểu sử cá nhân của ông được ghi nhận trong lịch sử Mỹ là một niềm vinh dự lớn lao mà rất ít người ngoại quốc có được" - Sony Mehta, Chủ tịch kiêm Tổng Biên tập Tập đoàn Xuất bản Alfred A. Knopf |