📞

Tranh chấp Ấn Độ - Pakistan: Bao giờ chấm dứt?

11:31 | 14/03/2019
Đều là những cường quốc về hạt nhân với kho vũ khí hạt nhân tương đương, những căng thẳng vốn kéo dài dai dẳng được thổi bùng lên sau một loạt vụ không kích vào tháng Hai vừa qua khiến cho xung đột Ấn Độ - Pakistan nóng hơn bao giờ hết. Một lần nữa nguy cơ chiến tranh hạt nhân lại xuất hiện tại Nam Á một khi xung đột leo thang thành chiến tranh tổng lực.

Quan hệ thù địch giữa Ấn Độ (1,3 tỷ dân) với Pakistan (212 triệu dân) đã có từ ngày 2 quốc gia này thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Anh và giành độc lập vào năm 1947. Trong suốt hơn 70 năm qua, giữa hai nước đã xảy ra 4 cuộc chiến, 3 trong số đó diễn ra tại khu vực tranh chấp Kashmir.

Bảy thập kỷ tranh chấp

Thời thuộc Anh, Tiểu lục địa Nam Á được chia thành 500 vương quốc, công quốc, lãnh địa nhỏ, trong đó Jammu và Kashmir là hai lãnh địa có quyền lực mạnh. Tại đây, thực quyền về hành chính, quân đội và ngoại giao do người Anh nắm giữ, trong khi các tập tục văn hóa, tôn giáo thì do người dân bản địa làm chủ.

Bao giờ Ấn Độ - Pakistan hết tranh chấp?
Ấn Độ hiện đang sở hữu 9 loại tên lửa đạn đạo và 130-140 đầu đạn, trong khi Pakistan có 10 loại tên lửa đạn đạo và 140-150 đầu đạn.

Sau hơn 300 năm cai trị, tháng 8/1947, Anh quyết định trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ, nhưng chia tách khu vực này thành hai quốc gia: Pakistan (gồm phần Tây và phần Đông) - dành cho người theo Hồi giáo, và Ấn Độ - dành cho đa số người theo Hindu giáo. Ngay sau đó, một trong những đợt di cư lớn nhất trong lịch sử loài người đã diễn ra khi khoảng 14 triệu người dân của Tiểu lục địa Nam Á phải lựa chọn trở thành công dân Ấn Độ hoặc Pakistan trong cuộc chia cắt vĩ đại “Partition”. Hơn 2 triệu người dân đã thiệt mạng trong cuộc di cư khổng lồ này, kéo theo bầu không khí thù địch mang màu sắc tôn giáo – sắc tộc giữa hai nước.

Các tiểu vương quốc đều phải chọn hoặc trở thành bộ phận của Pakistan hoặc Ấn Độ. Vùng đất bang Jammu và Kashmir, nằm giữa hai nước đã không chọn theo Pakistan dẫn đến việc Islamabad đưa quân đội vào Kashmir tháng 10/1947. Sau khi nhận được lời kêu gọi giúp đỡ của Tiểu vương Kashmir, New Delhi đã gửi quân đến và cuộc chiến lần thứ nhất giữa Ấn Độ và Pakistan nổ ra. Từ tháng 5/1948 đến tháng 1/1949, quân đội của Pakistan giao tranh với quân đội Ấn Độ tại phía Tây Nam, Bắc và Tây Bắc Kashmir, khiến lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phải đứng ra làm trung gian hòa giải. Cuối cùng, hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 1/1/1949.

Ở thời điểm đó, nhằm giải quyết mâu thuẫn tôn giáo - sắc tộc, chính phủ Ấn Độ đã đồng ý tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai và lập trường chính trị của người dân Kashmir, song đề xuất này không được thực hiện. Thay vào đó, Quốc hội Ấn Độ đã phê chuẩn điều luật công nhận Jammu và Kashmir là phần lãnh thổ của Cộng hòa Ấn Độ vào năm 1954.

Đến năm 1965, cuôc chiến lần hai giữa Ấn Độ và Pakistan bùng phát sau khi các nhóm vũ trang Pakistan đột nhập vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, dẫn đến việc nước này cũng cho quân chiếm một số điểm trên tuyến ngừng bắn ở phía Pakistan. Sau nhiều ngày tháng giao tranh quyết liệt không phân thắng bại, hai nước đã ngừng bắn theo thỏa thuận của Liên hợp quốc  vào tháng 9/1965, và đến tháng 2/1966 đồng ý khôi phục nguyên trạng biên giới như trước chiến tranh và rút quân.

Lính Ấn Độ và Pakistan thể hiện màn múa ấn tượng tại Lễ hạ cờ ở cửa khẩu biên giới hai nước (Nguồn: Nation)

Năm 1971, Ấn Độ gửi quân đội giúp nhân dân Đông Pakistan giành độc lập từ Tây Pakistan, nước Cộng hòa nhân dân Bangladesh ra đời. Năm 1974, Pakistan công nhận Bangladesh độc lập và ký hiệp ước về đường Kiểm soát Hành chính tại Kashmir với Ấn Độ dài 450 dặm. Tuy nhiên, Pakistan vẫn giữ lập trường không công nhận bang Kashmir thuộc Ấn Độ. Từ đó đến nay, tại khu vực kiểm soát chung đã diễn ra rất nhiều cuộc giao tranh giữa quân đội hai nước.

Tranh chấp tiềm tàng giữa hai nước nhiều lúc lại bùng phát, nguy cơ trỏ thành chiến tranh lớn như vụ tấn công vào nhà Quốc hội Ấn Độ năm 2001 của nhóm du kích hồi giáo Pakistan đã đặt hai nước trong tình trạng căng thẳng mấy tháng trời và ở bên ngưỡng của cuộc chiến tranh hạt nhân. Rồi tiếp nữa là vụ tấn công tự sát nhằm vào Lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi, Pakistan ngày 22/11/2018. Trong khi Pakistan cáo buộc Ấn Độ đứng đằng sau vụ tấn công này nhằm thay đổi các chương trình hợp tác kinh tế Bắc Kinh – Islamabad và ủng hộ quân nổi dậy người thiểu số ở Baluchistan (Pakistan), Ấn Độ lại cáo buộc Pakistan nuôi dưỡng các chiến binh Hồi giáo trong khu vực, đồng thời tiến hành nhiều vụ khủng bố ở Ấn Độ.

“Cả Pakistan và Ấn Độ đang chạy đua vũ trang hạt nhân, có khả năng tập hợp những khi vũ khí hạt nhân với mức hủy diệt lớn như thời Chiến tranh Lạnh”. Chuyên gia quốc phòng Kyle Mizokami

Từ nhiều năm nay, quân đội hai nước thường xuyên xảy ra đấu súng trên đường kiểm soát chung. Hai nước đều đưa ra những số liệu cáo buộc đối phương vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ký kết vào năm 2003, sau cuộc xung đột giành quyền kiểm soát sông băng Siachen.

Phía Ấn Độ cho biết, chỉ riêng năm 2018, quân đội Pakistan đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tới 2.936 lần trên đường kiểm soát chung, khiến cho 61 người thiệt mạng và 250 người bị thương vì các vụ nổ súng của Pakistan. Về phần mình, Pakistan cũng đưa ra số liệu cáo buộc lực lượng quân đội Ấn Độ đã 1.400 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tính đến tháng 8/2018.

Hiện Kashmir được chia tách thành 7 khu vực và được quản lý bởi ba quốc gia khác nhau, trong đó Pakistan quản lý vùng Gilgit-Baltistan và Azad Kashmir; Ấn Độ kiểm soát các bang Jammu, Ladakh, Thung lũng Kashmir; và Trung Quốc quản lý vùng Aksai Chin và Tran-Karakoram. Tranh chấp tại Kashmir được nhìn nhận như vấn đề “cốt lõi” trong quan hệ Ấn Độ và Pakistan hàng chục năm qua.

Đối đầu hạt nhân và lối thoát

Những ngày gần đây, căng thẳng biên giới giữa New Delhi và Islamabad lại bùng phát sau khi không quân Ấn Độ ném bom nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Pakistan hôm 26/2 để trả đũa vụ khủng bố khiến 45 binh sĩ thiệt mạng hồi giữa tháng 2. Không quân Pakistan đáp trả, làm bùng nổ cuộc không chiến hôm 27/2 trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir, khiến một tiêm kích MiG-21 Ấn Độ bị bắn rơi, phi công bị bắt làm tù binh.

Kể từ khi cả 2 nước thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân trong giai đoạn cuối thập niên 1990, Ấn Độ và Pakistan chưa từng cho chiến đấu cơ xâm phạm vùng trời của nhau. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng tại Kashmir vừa qua. Lần đầu tiên trong thế kỷ 21, Ấn Độ và Pakistan đã công khai ý định và năng lực dội “mưa tên lửa” vào lãnh thổ của nhau. Các chiến dịch không kích vượt ra khỏi vùng tranh chấp ở Kashmir, tiến sâu vào không phận Pakistan, cho thấy New Delhi sẵn sàng có hành động “phủ đầu”, chấm dứt giai đoạn tự kiềm chế, sẵn sàng đánh bom xa đường biên giới hai nước.

Ấn Độ hiện đang sở hữu 9 loại tên lửa đạn đạo và 130-140 đầu đạn, trong khi Pakistan có 10 loại tên lửa đạn đạo và 140-150 đầu đạn. Hai cường quốc hạt nhân tại Nam Á đang sở hữu số lượng tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân tương đương nhau. Do vậy, cuộc giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan lần này cho thấy xung đột quân sự tiềm tàng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là rất cao, và một khi giao tranh lớn nổ ra, căng thẳng sẽ leo thang rất nhanh.

Chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ) Michael Kugelman cảnh báo: “Khi cuộc khủng hoảng này trôi qua, Ấn Độ và Pakistan có thể gia tăng những cách hành xử làm sâu sắc thêm sự thù hằn của mỗi bên, mở đường cho những căng thẳng mới và có thể là một cuộc khủng hoảng mới”.

Nhận định trên tờ National Interest, chuyên gia về quốc phòng Kyle Mizokami cho rằng, hoàn toàn có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai bên. “ Cả Pakistan và Ấn Độ đang chạy đua vũ trang hạt nhân, có khả năng tập hợp những khi vũ khí hạt nhân với mức hủy diệt lớn như thời Chiến tranh Lạnh”. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng hy vọng, như những lần trước, hai nước sẽ biết tự kiềm chế, tháo ngòi nổ cho  các xung đột, tìm ra cách thức để hóa giải, không để căng thẳng leo thang bởi chiến tranh hạt nhân sẽ là hủy diệt đối với cả hai.

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan đã kéo dài hơn bảy thập kỷ và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vì vậy, giới quan sát nhận định, việc giải quyết những mâu thuẫn vốn tích tụ lâu nay không thể thực hiện trong “ngày một ngày hai” và chỉ kết thúc khi các vấn đề mấu chốt trong quan hệ hai bên được giải quyết triệt để. Trong bối cảnh đó, vì lợi ích của hòa bình và phát triển tại khu vực và trên toàn thế giới, hai nước trong cuộc cần kiềm chế, đáp lại lời kêu goi của cộng đồng quốc tế, giữ mâu thuẫn trong một khuôn khổ an toàn và tìm cách đối thoại với nhau.