Gần 70% trong chuỗi cung ứng toàn cầu các nguyên tố đất hiếm trên toàn thế giới được kiểm soát bởi Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. (Nguồn: Bloomberg) |
Ngày 11/6, Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, nước này sẽ hợp tác với Canada và Australia để giúp các nước trên thế giới phát triển trữ lượng khoáng sản như lithium, đồng và coban. Đây là một phần trong chiến lược đa dạng nhằm giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu khoáng sản quan trọng.
Gần đây, Washington ngày càng lo ngại về sự phụ thuộc vào nhập khẩu khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản đất hiếm của Bắc Kinh. Sự lo ngại này xuất hiện sau khi Trung Quốc nêu ẩn ý sẽ sử dụng đất hiếm làm “đòn bẩy” trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này sẽ làm gián đoạn việc sản xuất một loạt các mặt hàng tiêu dùng, công nghiệp và quân sự bao gồm điện thoại di động, xe điện, pin và máy bay chiến đấu.
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, gần 70% trong chuỗi cung ứng toàn cầu các nguyên tố đất hiếm trên toàn thế giới được kiểm soát bởi Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào bất kỳ một nguồn nào sẽ làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung của toàn cầu.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chia sẻ chuyên môn khai thác với các quốc gia khác để giúp họ khám phá và phát triển nguồn lực khoáng sản quan trọng. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tư vấn về khung quản lý, quản trị để giúp các quốc gia đó đảm bảo ngành công nghiệp của họ thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Bộ ngoại giao Mỹ cho rằng, việc làm trên sẽ đảm bảo nguồn cung khoáng sản toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thế giới. Bên cạnh đó, sản lượng khoáng sản cũng sẽ tăng mạnh cùng với sự gia tăng của hàng hóa công nghệ cao.
Theo thông tin phác thảo của sáng kiến có tên gọi “Quản trị Tài nguyên Năng lượng” của Mỹ, nhu cầu về khoáng sản năng lượng quan trọng có thể tăng gần 1.000% vào năm 2050.
Frank Fannon, trợ lý Bộ trưởng Tài nguyên năng lượng Mỹ cho biết, những căng thẳng với Trung Quốc cho thấy Mỹ nên sản xuất nhiều khoáng chất đất hiếm hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng nên giúp những quốc gia khác đảm bảo nguồn cung an toàn. “Chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa và chúng tôi không đơn độc trong việc này”, ông Frank Fannon khẳng định.
Một quan chức Mỹ cho rằng, Canada và Australia là hai quốc gia khai thác khoáng sản lớn. Hai quốc gia này sẽ góp phần quan trọng giúp Mỹ thực hiện sáng kiến của mình.
Tài nguyên thiên nhiên giàu có của Australia nằm ở các mỏ than, đồng, rừng gỗ và quặng sắt. Quốc gia này hiện có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới, chiếm 14,3% toàn cầu. Ngoài ra, năm 2018, Australia cũng sở hữu 46% trữ lượng uranium của thế giới.
Còn Canada, trong 2 năm 2009 - 2010, nước này phát hiện được các mỏ dầu cát với trữ lượng lên tới 150 tỷ thùng. Hiện tại, trữ lượng dầu lửa của Canada là 178,1 tỷ thùng (chiếm 17,8% toàn cầu), xếp thứ hai của thế giới sau Saudi Arabia. Ngoài ra, Canada còn có trữ lượng uranium lớn thứ hai thế giới.
Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton nói rằng, Chính quyền Canada đã nhiều lần gặp các quan chức Bộ ngoại giao Mỹ để thảo luận các vấn đề quan trọng về khoáng sản và môi trường liên quan đến khai thác toàn cầu. Đại sứ Canada tại Mỹ cũng mong muốn Mỹ thúc đẩy sáng kiến này.