Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao giải thưởng cho các nhà báo. (Ảnh:VGP/Mai Chi) |
Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội; Ðinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng các nhà báo lão thành; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, Hội Nhà báo trong cả nước và các cá nhân đoạt giải.
Giải Báo chí Quốc gia năm 2011 có 1.268 tác phẩm của các nhà báo từ 55/63 tỉnh thành phố trong cả nước gửi bài tham dự 8 loại giải. Trong số 153 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn được 95 tác phẩm xuất sắc thuộc 8 thể loại để trao giải, bao gồm: 2 giải A, 23 giải B, 39 giải C và 31 giải Khuyến khích.
Các tác phẩm dự giải đã cho thấy tâm huyết với nghề của người làm báo chuyên và không chuyên. Họ đã thể hiện niềm đam mê nghề nghiệp, từ đó, không quản khó khăn, gian khổ để đi và viết, nhằm phản ánh cuộc sống sôi động trên mọi miền đất nước.
Ban Tổ chức đã trao 2 giải A cho thể loại báo hình.
Bộ phim tài liệu “Tượng đài Bác Hồ giữa thủ đô nước Nga” của nhóm tác giả Trần Cẩm, Duy Nghĩa, Lê Thắng, Việt Anh thuộc Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam) được trao giải A. Thông qua tập phim, lần đầu tiên người xem biết được về hoàn cảnh ra đời, tác giả và những việc làm tình nghĩa của nhân dân Nga trong quá trình xây dựng và gìn giữ tượng đài Bác Hồ tại thành phố Moscow, thủ đô nước Nga.
Một giải A nữa thuộc về thể loại báo nói với tác phẩm “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế” của nhóm tác giả Thùy Vân, Thu Lan, Lê Phúc, Lê Bình, Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam thuộc loại giải Phát thanh dành cho tin, bài phản ánh, phỏng vấn, tọa đàm, bình luận, chuyên luận.
Tác phẩm đã cung cấp cho công chúng trong và ngoài nước những thông tin cơ bản về nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được áp dụng trong luật pháp và thực tiễn quốc tế; quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, loạt bài báo đã phân tích một cách khách quan lập luận của các bên liên quan đến cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đưa ra những kết luận vững chắc, minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này, góp phần phản bác những luận điểm biện minh cho sự xâm phạm của nước ngoài đối với chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Đánh giá về các tác phẩm dự giải, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Thuận Hữu cho biết, các tác phẩm đã đáp ứng được những tiêu chí xét chọn như: bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Nhiều tác phẩm dự giải có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội và được thể hiện chuyên nghiệp, hấp dẫn. Đồng thời, nhiều tác phẩm phản ánh, điều tra sâu các vụ việc tiêu cực, thể hiện thái độ chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng mạnh mẽ. Các nhà báo đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại của các thế lực phản động trong và ngoài nước; đấu tranh bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đội ngũ những người làm báo phải tiếp tục phản ánh được cái tốt, cái đẹp, đẩy lùi được những cái xấu, cái ác còn tồn tại trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các phóng viên, nhà báo phải rèn luyện trí tuệ, bản lĩnh, tấm lòng Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới hội nhập và thực tế cuộc sống sôi động cũng như sự phát triển tiến bộ của đất nước dân tộc Việt Nam hiện nay, báo chí phải trở thành một lực lượng báo chí chuyên nghiệp và hiện đại.
Theo VGPNews