Chăm sóc cho trẻ béo phì mắc Covid-19. (Nguồn: Vietnamnet) |
Tại sao ưu tiên trẻ bệnh nền và béo phì?
Nghe tin TP. Hồ Chí Minh (HCM) sẽ tiêm vaccine cho trẻ từ 22/10, chị Trần Thị Tý (TP. Thủ Đức) vội vàng gọi điện thoại về quê để đưa con lên TP.
“Hai đứa về bà nội ở Đồng Nai tránh dịch lâu rồi. Bây giờ có vaccine mình cần tranh thủ, nếu không thiệt thòi cho con”, chị Tý lo lắng.
Hàng nghìn phụ huynh tại TP cũng đang chung tâm trạng ấy sau 4 tháng chứng kiến hơn 15.000 ca tử vong vì Covid-19. Trên thực tế, bệnh không đe dọa trẻ nhỏ như lo ngại của cha mẹ, nếu trẻ không có yếu tố nguy cơ.
Trong thời gian tư vấn F0 tại nhà, bác sĩ Vũ Minh Phúc (nguyên trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết, có khá nhiều trẻ mắc Covid-19.
Điểm chung là trẻ chỉ sốt 1-2 ngày và khỏi bệnh. “Không có 1 trường hợp nào tôi theo dõi có diễn tiến nặng hay tử vong”, BS Phúc cho biết.
Khoảng 10% trẻ mắc Covid-19 tại TP.HCM phải thở oxy và nhập khoa hồi sức. Tỷ lệ nguy kịch và tử vong xuất hiện ở những trẻ có bệnh nền như suy thận, hen suyễn, béo phì…
Tháng 9/2021, báo cáo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ béo phì của trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%. Tại Hà Nội, con số tương ứng là 41%.
Do dó, trong bối cảnh vaccine Covid-19 khan hiếm hiện nay, trẻ em béo phì, suy thận, suy gan, mắc bệnh ung thư, hen suyễn… là nhóm cần chủng ngừa để tránh tử vong.
BS. Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ cho rằng, nếu đã tiêm đủ vaccine Covid-19 cho người lớn, đặc biệt là đối tượng nguy cơ trong gia đình, thì tiêm cho trẻ em là cần thiết.
Trước đó, TP.HCM đã lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, dự kiến từ ngày 22/10. Mũi 1 sẽ được thực hiện trong 5 ngày, mũi 2 tiêm trong 15 ngày sau khi đủ thời gian tiêm mũi 1 theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lưu ý gì khi tiêm vaccine cho trẻ em mắc bệnh nền
Do trẻ em tại TP.HCM vẫn chưa đi học, các quận huyện và TP Thủ Đức sẽ lấy trường học làm điểm tiêm ngừa. Ngoài ra, còn có các điểm tiêm tại bệnh viện, các điểm lưu động.
Trước khi tiêm, người giám hộ, cha hoặc mẹ sẽ ký vào giấy đồng ý tiêm chủng vaccine Covid-19.
Trẻ được sàng lọc theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế để kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc trì hoãn tiêm chủng.
Sau đó, nhân viên y tế thông báo cụ thể về hiệu quả, liều lượng, đường dùng của vaccine Covid-19 dùng cho trẻ.
Sau khi tiêm, trẻ được theo dõi tại chỗ 30 phút và tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày. Các điểm tiêm đều có đội cấp cứu xử trí tai biến sau tiêm ứng phó với các sự cố.
“Chúng tôi hết sức cẩn trọng khi tổ chức tiêm vaccine Covid-19 lần này vì đối tượng là trẻ em”, PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, phụ huynh phải nắm vững tiền sử tiêm chủng, dị ứng của trẻ và cung cấp chính xác cho bác sĩ khám sàng lọc.
“Tình trạng bệnh lý hay thuốc điều trị nào trẻ đang sử dụng cũng rất quan trọng”, bác sĩ Quy tư vấn.
Nếu quá lo lắng việc trẻ có thể gặp biến chứng, hoặc trẻ có tiền sử bệnh, phụ huynh có thể đưa trẻ đến các bệnh viện có tổ chức tiêm ngừa. “Cha mẹ phải nghĩ rằng đây là cơ hội, nhất là với trẻ béo phì và bệnh nền”, bác sĩ Quy cho biết.
Sau tiêm, trẻ có thể gặp một số phản ứng ở vị trí tiêm, như sưng nóng, đỏ, đau tại chỗ. Người nhà có thể cho uống thuốc giảm đau, sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Các phản ứng sau tiêm xảy ra tương tự như các vắc xin mà trẻ được chủng ngừa trước đây.
Hiện chưa biết chính xác vaccine nào sẽ được Bộ Y tế sử dụng cho trẻ nhỏ. Các chuyên gia y tế độc lập cho rằng, nên lựa chọn vắc xin có công nghệ lâu đời, quen thuộc để đảm bảo tính an toàn cho trẻ.
“Các vaccine Covid-19 theo công nghệ mRNA có hiệu quả phòng ngừa cao nhưng quá mới. Chúng ta cần cân nhắc và thật sự cẩn trọng khi lựa chọn vaccine Covid-19 cho trẻ em”, BS. Trương Hữu Khanh và PGS. Vũ Minh Phúc khẳng định quan điểm.