TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng: Chăm sóc người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài | |
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc |
Liệt sỹ Nguyễn Văn Yên (ảnh do tác giả cung cấp) |
Làm sao phải chờ tới gần nửa thế kỷ để “thông tin về liệt sĩ” mới tới được thân nhân gia đình? Một câu chuyện “khó tin” về công việc tìm kiếm và thông báo những thông tin xác thực về liệt sĩ sau khi cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ nhiều thập kỷ trước.
Câu chuyện khó tin
Câu chuyện các thành viên của gia đình tôi đến được tận nơi - mảnh đất em trai tôi hy sinh 50 năm trước - là cả một câu chuyện rất hiếm gặp. Nhưng nó đã xảy ra, có phần ly kỳ và chất đầy cảm xúc, tâm linh. Từ đây cái tên xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương mãi phương Nam xa xôi đã trở nên rất gần gũi thân thiết với gia đình chúng tôi, những người có quê hương tận ngoài miền Bắc.
Vì lẽ đó, dịp lễ 27 tháng 7 năm nay, điều đầu tiên gia đình chúng tôi nghĩ tới đương nhiên là mảnh đất Bình Dương cùng 2 cái tên thân thương, là em trai tôi, liệt sĩ Nguyễn Văn Yên; và người cựu binh tốt bụng và ân tình ấy, anh Bế Văn Hợp. Chính người cựu chiến binh Bế Văn Hợp do một nguyên cớ không ngờ tới, mới biết rõ quê quán của đồng đội Nguyễn Văn Yên. Và Bế Văn Hợp đã tìm về gia đình chúng tôi để vừa báo tin, vừa chỉ rõ nơi em Yên hy sinh vì chính Hợp là người được đơn vị cử đi thu nhặt xác đồng đội.
Sau sự việc ân nghĩa lớn này, mấy anh em trong gia đình tôi đã lên nhà anh Hợp hiện ở Thái Nguyên để cảm ơn và được cựu binh Bế Văn Hợp kể lại nhiều chuyện. Chuyện về cuộc đời anh, chuyện về người đồng đội của anh, liệt sĩ Nguyễn Văn Yên.
Bế Văn Hợp là người dân tộc Tày Cao Bằng. Để được nhập ngũ (tháng 2/1968), anh đã khai tăng tuổi, lúc đầu quân chỉ mới 15 tuổi. Năm sau Bế Văn Hợp hành quân vào Nam và hội quân cùng đơn vị với em tôi, Nguyễn Văn Yên ở Trung đoàn 16, đóng tại tỉnh Bình Dương.
Sơ đồ tìm lại đồng đội do cựu binh Bế Văn Hợp vẽ (ảnh do tác giả cung cấp) |
Những năm sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, vùng đất Bình Dương tiếp giáp tây bắc Sài Gòn là một vùng đất chiến sự ác liệt. Lính Mỹ lúc đó trực tiếp nống ra, thay thế các cánh quân Việt Nam Cộng hòa. Dọc theo các trục đường, Mỹ cho xe ủi phạt sạch quang rừng cao su, tạo các khoảng trống trơn để không cho bộ đội ta bám được dân và ngăn trở các con đường hành quân và tiếp tế của quân ta.
Để tồn tại bám trụ tại đây, Trung đoàn 16 không tránh khỏi những tổn thất sinh mạng. Trong một lần đơn vị cử 3 chiến sĩ đi công tác, trong đó có Nguyễn Văn Yên, đã bị lính Mỹ phục kích bắn chết cả tốp đó. Tối hôm sau Bế Văn Hợp cùng một chiến sĩ khác được cử đi lượm xác đồng đội cũng lại bị phục kích. Tốp của Hợp không trở về nên đơn vị coi như đã hy sinh. Nhưng may mắn Hợp tỉnh lại và được một đơn vị khác cáng thương chuyển anh về tuyến sau chữa trị. Do cuộc chiến lan rộng, Bế Văn Hợp đã mất liên lạc với đơn vị cũ.
Đất nước hòa bình thống nhất, Bế Văn Hợp trở về đất Bắc, rời ngũ, học tiếp và đi làm, nhưng trong lòng anh khôn nguôi thương nhớ đồng đội. Ngặt nỗi các thông tin về những chiến sĩ hy sinh chỉ vỏn vẹn cái tên, lứa tuổi và quê ở một tỉnh nào đó. Trong trí nhớ của nhiều cựu binh như Bế Văn Hợp thì quê quán của đồng đội thường chỉ là tên tỉnh, như quê tỉnh Hà Bắc, Nghệ An chứ không lưu nhớ được tên xã, tên huyện. Nên bất lực dù rất muốn tìm tới quê hương các đồng đội đã khuất của mình.
Thời gian càng lùi xa cùng với cuộc sống mưu sinh vất vả đã khiến đôi khi Bế Văn Hợp buồn chán, thất vọng với chính mình. Nhiều lúc Hợp cảm thấy như “nợ” đồng đôi một cái gì vô hình chưa trả được.
Gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Yên đến thăm cựu binh Bế Văn Hợp (thứ hai từ phải) |
Điều kỳ diệu đã đến
Trong một chuyến “về nguồn”, Bế Văn Hợp đã có mặt tại Đền thờ Liệt sĩ xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương - nơi anh cùng các đồng đội bám trụ, chiến đấu năm xưa. Khi dò tìm trên tấm bia ghi danh các liệt sĩ ngã xuống hồi cuối năm 1969. Bế Văn Hợp lại thấy tên tuổi mình. Dù biết con số hy sinh là nhiều nhưng số thứ tự của anh tới “2415” (trong số hơn 6.000 liệt sĩ của một xã) thì vẫn làm anh nao nao xúc động. Hy sinh lớn quá, anh như muốn thốt lên. Lần ngược lên một ngày trước, anh như vỡ òa cảm xúc khi nhìn thấy tên liệt sĩ Nguyễn Văn Yên. Số thứ tự 2411 cùng đầy đủ tên xã, tên huyện của người đồng đội. Rồi mấy người đồng đội trong tốp của Yên và của Hợp đã hy sinh cũng được anh ghi vào cuốn sổ. Anh tâm nguyện sẽ cố lần tìm để báo những thông tin kia cho gia đình các đồng đội.
Với gia đình tôi, được biết đận tìm đường về quê tôi báo tin của Hợp cũng khó khăn vất vả. Ở tuổi 70, tự Hợp đi xe máy, hỏi han đường sá suốt từ chặng Thái Nguyên về Bắc Ninh. Hợp cũng chưa có dịp nào đi qua vùng đất Từ Sơn quê tôi nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Khi hỏi thăm tên làng xã cũ là gặp rắc rối. Với tờ giấy mang theo, quê quán liệt sĩ Nguyễn Văn Yên ghi tên địa phương cũ, là (xã) Đồng Quang, (huyện) Tiên Sơn, (tỉnh) Hà Bắc, trong khi quê tôi đã đổi thành khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (Bắc Ninh chứ không phải Hà Bắc). Cựu chiến binh Bế Văn Hợp tạt qua Nghĩa trang Liệt sĩ xã hỏi thăm, rồi anh tìm đường tới Ủy ban Nhân dân phường. Rất may mắn, anh gặp được người con rể của chú tôi, người em đó quá biết chuyện nên đã dẫn ngay người cựu chiến binh về nhà em gái tôi.
Cả gia đình tôi luôn nghĩ người cựu binh già này làm công việc báo tin trên như một nghĩa cử với người đồng đội đã khuất. Ông (từ đây đến cuối bài xin được xưng hô như vậy vì Bế Văn Hợp đã suýt soát 70 tuổi) làm việc nghĩa mà không ai thúc giục, không một động cơ hơn thiệt gì, bởi sự việc đã trôi qua gần 50 năm rồi còn gì, ông không làm cũng không ai biết mà trách móc ông, trừ chính trong tâm can ông hối tiếc!? Ông thật là con người đáng kính trọng. Gia đình chúng tôi mãi mãi coi ông là vị ân nhân của gia đình mình.
Cảm tạ tổ tiên trời phật đã phù hộ để người chiến binh năm xưa của em tôi đã tìm đến gia đình tôi với những thông tin vô giá. Đó là biết được sự hy sinh của Nguyễn Văn Yên khi đi làm nhiệm vụ của người lính; biết được mảnh đất nơi Nguyễn Văn Yên hy sinh; biết được ngôi đền ở Thanh An có tên Liệt sĩ Nguyễn Văn Yên cùng nhiều đồng đội của em được Nhân dân và Tổ quốc ghi nhớ… Với gia đình tôi đó là một kết thúc có hậu. Nó làm vợi bớt nỗi đau mất mát của gia đình tôi suốt mấy chục năm qua phải chịu đựng, nhất là với cha mẹ tôi lúc hai Người còn sống thường gạt lệ nhắc nhở anh em tôi phải rất lưu tâm chuyện này.
Đền thờ liệt sĩ xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. |
Sự gắn kết linh thiêng
Nhưng vẫn có thể kết thúc câu chuyện theo một hướng khác, thì sao nhỉ?
Giả sử, người lính già Bế Văn Hợp gần 70 tuổi kia sau những năm vất vả Nam Bắc chinh chiến mất đi sức khỏe, trí nhớ? Giả sử cuộc sống riêng của ông Hợp không sớm có ngày tháng an nhàn, không có chuyến “về lại chiến trường xưa” thì lấy đâu ra thông tin quê quán Nguyễn Văn Yên? Mà giả sử nữa, nếu ông Hợp về nguồn trước năm 2016 thì sẽ không thể có tấm bia ghi tên em tôi với quê quán chi tiết, bởi xã Thanh An xây xong Đền thờ năm 2016 thì mới cho dựng những tấm bia đá này.
Rồi giả sử nữa, khi ông Hợp đi thăm chiến trường xưa trở về Bắc lại ốm đau bệnh tật, ngại đường xa cách trở mà không thể tìm về tận quê tôi thì sao? Lại giả sử như hôm về quê tôi, đến Ủy ban mà người tiếp chuyện không phải là con rể ông chú tôi, có khi sự việc đã khác (vì lứa tuổi em Yên tôi hy sinh đã qua đi nửa thế kỷ rồi, anh chị em lứa dưới làm việc ở Ủy ban có thể khó biết tới)...
Gia đình tôi đã may mắn, rất may mắn. Và như người ta nói, gia đình tôi có “hồng phúc trùng lai” thì những “giả sử” kia mới không vuột khỏi đi. Và tôi thầm nghĩ, tin rằng, những người lính năm xưa, những người trai chết trẻ cho Tổ quốc, từng vào sinh ra tử có nhau vẫn luôn gắn kết bằng một sợi dây tâm linh huyền bí. Họ luôn dõi theo nhau, báo tin cho nhau và chỉ khi họ đau đáu về nhau dù cuộc sống biết bao bộn bề gian khó, thì điều kỳ diệu, dù muộn màng nhưng sẽ đến…
Còn tôi, chỉ muốn thốt lên, xin được tri ân người cựu binh-liệt sĩ, tri ân những chàng trai trẻ đã ngã xuống cho quê hương trường tồn hôm nay, trong đó có em tôi.
| "Những trái tim đồng cảm" tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ Tối 27/8, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) sẽ diễn ra Chương trình Nghệ thuật đặc biệt “Những trái tim đồng cảm” ... |
| Nhiều địa phương cùng tri ân các anh hùng, liệt sỹ Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018), nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các ... |
| Hãy để nỗi đau ở lại phía sau... Thầy giáo Chu Quang Đức – Đại sứ của Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2018 chỉ có một ước ... |