TIN LIÊN QUAN | |
Vũ đoàn Israel mang thông điệp hòa bình tới Việt Nam | |
"Hãy lên tiếng" để đẩy lùi cơn ác mộng bạo lực |
Dường như, hình ảnh đôi bàn tay người nghệ sỹ lần về tuổi thơ, cuộc sống gia đình.. được chiếu bằng hội họa video đã tạo nên một tác phẩm không chỉ là sự hồi sinh mà còn là sự hữu hình hóa những ký ức.
Đó là cảm nhận về một trong 9 tác phẩm tại Triển lãm hội họa đa phương tiện mới mẻ “Ký ức thầm thì” của nghệ sỹ Belle Shafir. Triển lãm do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức tại Nhà Sàn Collective Hà Nội tối qua 15/5.
Toàn cảnh buổi Triển lãm. (M.H) |
Các nghệ sĩ đã thông qua các video hoạt họa, tranh vẽ được lấy cảm hứng từ những tấm ảnh của gia đình và tác phẩm sắp đặt đan từ lông ngựa để tập trung khám phá những ký ức được in dấu qua lịch sử và các nền văn hoá đan xen.
Phát biểu tại cuộc triển lãm, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ: “Triển lãm này không chỉ độc đáo ở Việt Nam, mà mới mẻ ngay cả ở Israel. Belle Shafir là một nghệ sĩ đa phương tiện. Nói đến ký ức có vẻ xa xôi, nhưng ai cũng có ký ức. Belle Shafir đã truyền tải những thông điệp khác nhau thông qua các hình ảnh, nghệ thuật sắp đặt, để có thể tái hiện được ký ức của mình. Đặc biệt bà là người đã trải qua thời kỳ Holocaust - nạn diệt chủng người Do Thái, nên có nét đặc trưng của người Do Thái. Và, tôi rất vui đem đến Nhà Sàn Collective (Hà Nội) nhiều bạn trẻ, để họ có thể xem và biết thêm về lịch sử và văn hóa Israel”.
Đại sứ Meirav Eilon Shahar (trái) và nghệ sỹ Belle Shafir đang chuyện trò bên một tác phẩm tại Triển lãm. (M.H) |
Ông Nguyễn Duy Thái, đang theo học thạc sỹ trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương bày tỏ: “Triển lãm thật đặc biệt. Tác giả đã sử dụng nhiều chất liệu, trong đó có yếu tố hội họa và nghệ thuật sắp đặt. Cái khác nữa, đó là triển lãm còn có cả trình diễn hình ảnh chuyển động, âm thanh. Đặc biệt, chất liệu cũng không cầu kỳ - có những tác phẩm chỉ vẽ trên giấy can, bên cạnh những chất liệu đặc biệt như lông đuôi ngựa..., nhằm giúp truyền tải được nội dung ký ức của tác giả vào tác phẩm”.
Đúng như chuyên gia nghệ thuật Ruthi Chinsky Amicha nhận xét: “Quá trình làm việc mang tính phản tư không ngừng nghỉ của Shafir đã đưa bà trở lại thời thơ ấu và những năm tháng tuổi trẻ, những câu chuyện của các thế hệ trước trong gia đình khi định cư ở các nước khác. Thông qua ký ức của mình, bà nghiên cứu cơ chế của bộ nhớ, và cách thức ký ức định hình căn tính mỗi người. Động lực cho quá trình này không phải sự hoài nhớ, cũng không phải khao khát tư liệu quá khứ. Nó đúng hơn là nhận thức về khoảng cách giữa bản thân ký ức và sự hồi tưởng vốn diễn ra rất nhiều năm sau khi những sự kiện đã xảy ra (hoặc không). Hay cũng chính là sự hoài công của nỗ lực lưu giữ ký ức và việc nhìn nhận nó như một thực thể tuyệt đối. Quyết định khám phá những vấn đề này cùng tương quan của chúng đối với căn tính cá nhân bị giằng xé, những mâu thuẫn chồng chất đã tước đi điểm tựa của nghệ sỹ. Nó gần giống với trải nghiệm của một người đi lang thang giữa các nền văn hóa, lạc lối giữa những bụi cây lịch sử, giữa phương Đông và phương Tây, giữa căn tính Đức và Israel. Trong khi đó, một sự thật trùm phủ lên tất cả như một đám mây đen: bà là con gái của một người Ba Lan sống sót trong nạn diệt chủng người Do Thái Holocaust, người đã di cư sang Đức vào cuối Thế chiến thứ hai.”
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 29/5.
Nghệ sĩ Belle Shafir Belle Shafir là một nghệ sĩ đa phương tiện. Sinh ra vào năm 1953 tại Đức, Shafir hiện đang sống và làm việc tại Tel Aviv. Bà hoạt động nghệ thuật tích cực tại cả Israel và nước ngoài trong hơn ba thập kỉ. Các tác phẩm của Belle Shafir đã được giới thiệu trong các triển lãm đơn và nhóm tại những phòng trưng bày và bảo tàng quốc tế như Bảo tàng Tel Aviv, Bảo tàng Petach Tikva, Bảo tàng Herzliya (Israel), Bảo tàng Housatonic, Bridgeport, Connecticut, A.I.R Gallery, Brooklyn (Mĩ), Bảo tàng Văn hóa Do Thái, Veitshoechheim (Đức). Trong nhiều năm, Shafir tham gia vào các chương trình lưu trú có uy tín như Cité Internationale des Arts tại Paris. Các tác phẩm của bà được đưa vào các bộ sưu tập thuộc Bảo tàng nghệ thuật đương đại của Portofino, Italy; Bảo tàng Davis tại Barcelona (Tây Ban Nha) và bộ sưu tập cá nhân trên khắp thế giới. |
Triển lãm hội hoạ về Việt Nam tại Na Uy Ngày 11/4, Triển lãm hội họa về Việt Nam đã được khai mạc tại thành phố Baerum (Na Uy), với sự có mặt của đông ... |
Lạc vào thế giới “nhập nhằng” của Phạm Tuấn Tú Tối 18/10, triển lãm hội họa cá nhân của họa sĩ Phạm Tuấn Tú với tên gọi “Nhập nhằng – Affitta” đã được khai mạc ... |
Triển lãm hội họa giá vẽ và nghệ thuật sắp đặt “Giới hạn” Triển lãm của Họa sỹ Doãn Hoàng Kiên do Quỹ Trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch – Việt Nam tài trợ, gồm ... |