📞

Triều Tiên lên tiếng 'phũ phàng' với Hàn Quốc và Mỹ, chuyên gia cảnh báo về những bước ngoặt nguy hiểm

Phương Hà 13:41 | 10/10/2022
Triều Tiên khẳng định rằng dù Mỹ và Hàn Quốc có cố gắng nói về đàm phán hay đối thoại, Bình Nhưỡng cảm thấy điều đó là không cần thiết và 'không quan tâm'.
Hình ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi các vụ phóng tên lửa được KCNA công bố, ngày 10/10. (Nguồn: Reuters)

Bình Nhưỡng lý giải về “hành động cương quyết”

Ngày 10/10, hãng Thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) tuyên bố liên tiếp các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây của nước này được thiết kế để mô phỏng việc dội các đòn tấn công nhằm vào Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật để cảnh cáo sau các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn mà lực lượng Hàn Quốc và Mỹ tiến hành.

Giới chức Seoul và Tokyo cho biết, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa vào sáng 9/10, vụ phóng thứ 7 kể từ ngày 25/9.

Theo KCNA, đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng đã chỉ đạo các cuộc diễn tập có triển khai đơn vị tác chiến chiến thuật suốt hai tuần qua, các hoạt động có liên quan đến tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân mô phỏng.

Mục đích của các hoạt động này là nhằm đưa ra một thông điệp răn đe chiến tranh mạnh mẽ. KCNA cũng cho biết các thử nghiệm khác nhau được mô phỏng nhắm mục tiêu là các hạ tầng chỉ huy quân sự, các cảng chính và vô hiệu hóa các sân bay ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên.

Tờ Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cũng đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp chỉ đạo các vụ thử tên lửa - bao gồm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) “mới” - như một lời cảnh báo và phản ứng trước các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Rodong Sinmun dẫn lời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh rằng việc Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục cố tình khi làm gia tăng căng thẳng chắc chắn sẽ dẫn đến một phản ứng nghiêm trọng hơn… Triều Tiên phải gửi những tín hiệu rõ ràng hơn với ý chí và hành động kiên quyết, mạnh mẽ hơn tới các bên đang làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.

Chủ tịch Triều Tiên cũng thẳng thừng tuyên bố, ông không quan tâm đến việc đối thoại với Washington hay Seoul.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được truyền thông nhà nước dẫn lời nhấn mạnh: “Tính hiệu quả và khả năng chiến đấu thực tế của lực lượng chiến đấu hạt nhân đã được thể hiện đầy đủ rằng họ đã hoàn toàn sẵn sàng để tấn công và tiêu diệt mục tiêu bất cứ lúc nào và từ bất kỳ đâu… Dù đối phương vẫn tiếp tục nói về đối thoại và đàm phán, chúng tôi không có bất cứ điều gì để nói và cũng không cảm thấy cần thiết với việc này”.

Đảng Lao động Triều Tiên quyết định tiến hành các cuộc tập trận như một phản ứng tất yếu trước các cuộc huy động lực lượng quy mô của hải quân Mỹ và Hàn Quốc, với sự hiện diện của tàu sân bay và một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỹ và Hàn Quốc mô tả các cuộc tập trận quân sự chung trong năm nay là hoạt động thường lệ, mang tính chất “phòng thủ” và là phản ứng đối với những “hành động khiêu khích” trước đó của Triều Tiên.

Những bước tiến bất ngờ

Nhà nghiên cứu Ankit Panda, làm việc cho Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, bình luận: “Tuyên bố mà Triều Tiên đưa ra nêu rõ rằng, loạt thử nghiệm gần đây là cách họ báo hiệu hướng phản hồi Mỹ và Hàn Quốc khi hai nước này tiến hành các hoạt động quân sự của riêng họ”.

Cũng theo ông Panda, trước đây Triều Tiên chỉ nhắc đến một tên lửa được trang bị hạt nhân chiến thuật, song tuyên bố mới chỉ ra rằng nhiều hệ thống, cả mới và cũ, cũng sẽ được triển khai năng lực này.

Nếu Triều Tiên khôi phục các vụ thử hạt nhân, họ có thể sẽ trở lại cả chương trình phát triển các đầu đạn “chiến thuật” cỡ nhỏ thuận tiện triển khai trên chiến trường và dễ tích hợp với các tên lửa tầm ngắn như những mẫu được phóng gần đây.

Giới phân tích cho rằng, việc gắn đầu đạn cỡ nhỏ vào tên lửa tầm ngắn có thể đánh dấu bước ngoặt nguy hiểm trong cách Triều Tiên triển khai và lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích khẳng định, những bức ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên tung ra sau các vụ phóng cho thấy hình ảnh một IRBM chưa từng được công bố. Chuyên gia Panda bình luận: “Các vụ phóng của Triều Tiên cực kỳ bất thường dù xét ở góc độ phóng một tên lửa chưa từng thử nghiệm bay qua lãnh thổ Nhật Bản, điều này cho thấy mức độ tin cậy đáng kể của Bình Nhưỡng vào động cơ của tên lửa này”.

Trong số các tên lửa khác mà giới phân tích xác định được trong các bức ảnh được thu thập là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mẫu KN-25 và KN-23, cũng như mẫu tên lửa có thể mang đầu đạn nặng 2,5 tấn, cùng hệ thống phóng loạt KN-09 300mm (MLRS).

Đáng chú ý, trong số các bức ảnh có phiên bản “hải quân hóa” của KN-23 được thiết kế để phóng từ tàu ngầm. Tên lửa này được giới thiệu trong một cuộc thử nghiệm trên biển hồi năm ngoái, song vừa qua đã được thử nghiệm trong hoạt động mô phỏng mà các phương tiện truyền thông Triều Tiên gọi là phóng tên lửa từ “một silo ngầm dưới hồ chứa”.

Từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa từ các vị trí và bệ phóng khác nhau, bao gồm cả xe lửa, trong nỗ lực mà giới phân tích cho là nhằm mô phỏng một cuộc xung đột và gây nhiễu khiến đối phương khó phát hiện để phá hủy các tên lửa.

Các bản tin công bố ngày 10/10 đánh dấu lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên công bố chi tiết và hình ảnh về các vụ thử tên lửa kể từ tháng 4 vừa qua. Ngày 10/10 cũng đánh dấu lễ kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Lao động cầm quyền và giới quan sát dự đoán nhiều tin tức khác về các sự kiện đặc biệt mà Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tham dự sẽ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước trong ngày tiếp theo.

Rodong Sinmun đã đăng bài xã luận về sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un trên trang nhất để kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động và 7 trang tiếp theo dành riêng để nói về các vụ thử tên lửa và hoạt động quân sự.

(theo Reuters)