Đại sứ Nguyễn Mạnh Dũng trình ủy nhiệm thư của Chủ tịch nước lên nhà Vua Tây Ban Nha năm 2000. |
Trong sự nghiệp ngoại giao dài hơn bốn thập kỷ của mình, Đại sứ Nguyễn Mạnh Dũng đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, từ song phương đến đa phương, trong đó phần lớn thời gian là tại các nước châu Âu. Ba nhiệm kỳ công tác trên cương vị Đại sứ Việt Nam tại các quốc gia châu Âu và các tổ chức quốc tế có trụ sở tại đây đã để lại trong ông nhiều ấn tượng tốt đẹp và hết sức thú vị.
Những khác biệt
Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, ông Nguyễn Mạnh Dũng nhận công tác tại Bộ Ngoại giao và là một trong chín người Việt Nam đầu tiên sang học tại Đại học Sorbonne (Pháp). Đến năm 1989, ông và ông Nguyễn Chiến Thắng (sau này là Đại sứ) tiếp tục được cử đi học tại trường Hành chính Quốc gia Paris (ENA) - nơi đào tạo các quan chức cao cấp của Pháp.
Năm 1993, ông nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Việt Nam tại Italy, kiêm nhiệm các nước như Hy Lạp, Malta, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Chương trình lương thực Liên hợp quốc (WFP)… Ngay trong lần đầu tiên nhận công tác trên cương vị Đại sứ, ông Nguyễn Mạnh Dũng đã trình tới sáu ủy nhiệm thư.
Ông kể: “Việc trình ủy nhiệm thư tại mỗi quốc gia có trình tự cơ bản giống nhau. Nhưng với các nước theo chế độ quân chủ thì nghi lễ trình thư có sự khác biệt về quy mô và mức độ hoành tráng. Ví dụ như khi tôi trình ủy nhiệm thư tại Hy Lạp thì trước khi tiến vào trình thư sẽ có nghi lễ duyệt đội danh dự. Tôi tiến vào, bước lên sảnh lớn và quay mặt lại, hướng về Quốc kỳ của hai nước và Quốc ca Việt Nam sẽ được cử lên. Sau đó, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Hy Lạp sẽ đưa Đại sứ vào trong để trình thư. Ở một số nước, khi trình ủy nhiệm thư không cần phải có phu nhân Đại sứ đi cùng, nhưng ở Hy Lạp thì họ mời cả Phu nhân tới dự nghi lễ này”.
Còn ở Malta thì lại khác. “Sau nghi lễ trình ủy nhiệm thư thì bao giờ Tổng thống cũng mời tân Đại sứ dự cơm trưa tại Phủ Tổng thống. Bữa cơm thân mật truyền thống này có sự tham gia của các Bộ trưởng và lãnh tụ các đảng phái chính ở Malta. Đặc biệt là trong khi chờ đợi khách mời đến đông đủ, Tổng thống sẽ đưa tân Đại sứ đi dạo quanh khu vườn trong Phủ (giống như vườn thượng uyển trong Hoàng cung) và hỏi han về tình hình đất nước và gia đình Đại sứ”, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết.
Ngược lại, việc trình ủy nhiệm thư tại các tổ chức quốc tế lại rất đơn giản. Cả người nhận và người trình thư đều ăn vận lịch sự và ngồi trò chuyện tại bàn nước rồi đưa thư, không cần phải thực hiện bất kỳ nghi lễ nào.
Cơ hội mở rộng mối quan hệ
Năm 2000, Đại sứ Nguyễn Mạnh Dũng lại lên đường nhận nhiệm vụ Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, kiêm nhiệm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ông nhớ lại: “Tây Ban Nha là nước quân chủ nên nghi lễ trình ủy nhiệm thư khá rườm rà. Họ yêu cầu người trình thư phải mặc áo đuôi tôm hoặc quốc phục của nước đó hay ít nhất cũng phải mặc comple sẫm màu. Hồi đó, vì chưa có thông lệ chuẩn bị áo the khăn xếp khi đi nhiệm kỳ nên tôi mặc trang phục áo đuôi tôm truyền thống của họ. Họ cử xe đến tận Sứ quán để đón đoàn trình ủy nhiệm thư. Xe đưa chúng tôi đến Tòa thị chính và từ đây, chúng tôi đi bằng xe ngựa đến Hoàng cung. Họ chuẩn bị hai cỗ xe ngựa: Tôi là Đại sứ nên ngồi trên cỗ xe tứ mã, còn hai cán bộ tùy tùng của tôi thì ngồi xe song mã. Đoàn xe đi dọc các con phố ở Madrid và tiến vào Cung điện Hoàng gia”.
Tại Cung điện, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Tây Ban Nha đón và đưa đoàn vào sảnh đợi. Khi đến lượt thì Đại sứ vào trình thư cho nhà Vua và nói một câu theo mẫu có sẵn: “Thưa nhà Vua, tôi rất hân hạnh được trình quốc thư cử tôi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Ngài”. Sau đó thì trao thư.
Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, nhà Vua sẽ giới thiệu những người cùng tiếp khách với mình. Thông thường Chánh Văn phòng Hoàng cung, Bộ trưởng Ngoại giao sẽ tham dự nghi lễ tiếp đón này. Sau đó, Đại sứ trình ủy nhiệm thư sẽ giới thiệu các thành viên trong đoàn của mình. Nhà vua Bỉ, Tây Ban Nha hay đại công tước Luxembourg đều mặc triều phục khi tiếp các Đại sứ trình ủy nhiệm thư.
Đại sứ Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng: “Văn hóa, phong tục mỗi quốc gia thể hiện rất nhiều qua các nghi lễ trình ủy nhiệm thư mà họ quy định. Đặc biệt, đây cũng là dịp tốt để một tân Đại sứ có dịp gặp gỡ, làm quen và mở rộng các mối quan hệ mới trên cương vị mới của mình”.
Thiên Đức(ghi)