Ông là Hoàng Anh Tuấn, tân Phó Tổng Thư ký ASEAN. Trước khi chính thức đảm nhiệm cương vị mới, ông đã có dịp trò chuyện với TG&VN.
Là một nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế kỳ cựu, ông cảm nhận như thế nào về cương vị mới của mình?
Cương vị sắp tới tôi sẽ đảm nhận tại Ban Thư ký ASEAN là Phó Tổng Thư ký phụ trách Cộng đồng chính trị - an ninh, một trụ cột được xem là quan trọng nhất trong ba trụ cột là an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội của Cộng đồng ASEAN.
Về mặt kiến thức, tôi là người được đào tạo tương đối bài bản, hoàn thành chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ tại một trong những trường hàng đầu trên thế giới về luật và ngoại giao, đó là trường Fletcher School of Law and Diplomacy (Boston, Mỹ). Sau đó, trong một số công việc về ngoại giao, nghiên cứu và quản lý nghiên cứu mà mình đã từng đảm nhiệm, trong đó có vị trí là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, thì phần lớn thời gian là dành cho việc xử lý các vấn đề liên quan đến ASEAN, quan hệ của Việt Nam với các nước ASEAN. Do đó, có thể nói tôi là người hết sức gắn bó với ASEAN.
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn (người đeo hoa, ngoài cùng bên trái) sẽ đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2018-2021. |
Tuy nhiên, ở cương vị mới sắp tới, tôi nhận thức được rằng đây là công việc không hề đơn giản, chịu sức ép từ nhiều phía. Trước hết, gánh nặng công việc sẽ rất lớn vì công việc tôi phụ trách sẽ bao gồm toàn bộ mảng đối ngoại của ASEAN; hợp tác an ninh, chính trị, quốc phòng trong ASEAN; quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài…
Hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN trong những năm qua đã có bước tiến dài, và ở cương vị mới tôi sẽ phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để hiểu và xử lý công việc được tốt hơn. Ngoài ra, tôi cũng nhận thức được rằng chính trị - an ninh là mảng then chốt, động chạm đến nhiều vấn đề cốt lõi, nhiều nội dung nhạy cảm liên quan đến hợp tác giữa các nước ASEAN với nhau và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Do đó, điều này không chỉ đòi hỏi sự nhạy bén, tinh tế mà còn đòi hỏi những kỹ năng đàm phán để tìm ra điểm đồng giữa các đối tác có những lợi ích, mối quan tâm đôi khi rất khác nhau.
Cương vị mới có gì khác biệt so với những công việc cũ ông đã từng đảm nhiệm và ông có thể chia sẻ về “hành trang” ông mang theo cho những năm tháng hoạt động đa phương phía trước?
Trong ngành Ngoại giao tôi đã trải qua nhiều công việc, vị trí và địa bàn khác nhau, từ nghiên cứu, quản lý công tác nghiên cứu chiến lược, từ xử lý một vài mảng công việc tại một sứ quán đến quản lý một cơ quan đại diện ngoại giao tại Indonesia – quốc gia có số dân đông thứ tư thế giới và là nước lớn nhất trong ASEAN. Tuy nhiên, cũng cần nhấn thêm trong ngoại giao hiện đại khái niệm đa phương và song phương cũng chỉ mang tính chất tương đối. Trong ngoại giao song phương có bao hàm một số nội dung đa phương, và ngược lại trong ngoại giao đa phương có nhiều nội dung hợp tác song phương với các đối tác khác nhau. Sự khác biệt chỉ là tính chất và mức độ mà thôi.
Với vai trò là Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, ông Hoàng Anh Tuấn hoạt động tích cực ở mọi lĩnh vực, đặc biệt nổi bật trong công tác bảo hộ công dân. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia) |
Trong các công việc mà mình đã trải qua, tôi thấy những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian trước đó giúp ích khá nhiều cho các công việc mình đảm nhiệm tiếp sau. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng, trong ngoại giao không bài học nào giống bài học nào và kinh nghiệm dù có quý báu đến đâu cũng chỉ giúp tham khảo chứ không phải là kim chỉ nam cho công việc sắp tới.
Đề làm tốt, tôi thấy cần phải nằm lòng các nguyên tắc lớn sau:
Một là, cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng công việc sắp tới của mình, môi trường làm việc, những mục tiêu lớn cần phải hoàn tất, năng lực làm việc của từng cá nhân và của cả tập thể… để từ đó đề ra kế hoạch xử lý công việc, nhưng phải có tính kết nối với nhau cho từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Hai là, luôn có cách tiếp cận cân bằng để xử lý công việc một cách hợp lý, tối ưu nhất giữa hai yếu tố là mục tiêu mình muốn đạt được thường có xu hướng vượt xa nguồn lực vốn có hạn mà mình có trong tay. Do đó, cần phải chọn một hoặc vài điểm quan trọng nhất, có tác động lan tỏa lớn nhất.
Ba là, bắt đầu một công việc mới như một người học việc cần mẫn, luôn đặt ra thật nhiều câu hỏi hóc búa cho chính mình và các đồng nghiệp xung quanh. Còn khi xử lý công việc thì phải kết hợp tính cách của cả người thợ thủ công lẫn anh thợ cả: chi tiết, tỉ mỉ, nhưng không vì tập trung vào chi tiết mà không chú ý đến tổng thể và ngược lại không chỉ vì tập trung vào những thứ lớn lao, vĩ mô mỹ miều mà đánh mất các chi tiết.
Là Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Chính trị - an ninh, một trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN, ông có những kế hoạch như thế nào nhằm xây dựng và phát triển trụ cột này hơn nữa trong tương lai?
Khi nói về Tổng Thư ký ASEAN (ASEAN Secretary-General), thường có câu nói đùa khi so sánh vai trò và vị trí của Tổng Thư ký ASEAN với Tổng Thư ký Liên hợp quốc: Nếu như ở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký có vai trò như một Tướng (General), thì trái lại trong ASEAN, Tổng Thư ký có chức năng như một Thư ký (Secretary) hơn là một ông tướng.
Tuy chỉ là câu nói vui, nhưng điều này cũng phần nào phản ánh thực tế công việc của Ban Thư ký ASEAN. Với Tổng Thư ký mà vai trò được xem như vậy, thì vai trò của Phó Tổng Thư ký chắc chắn sẽ khiêm tốn hơn. Thực vậy, theo Hiến chương ASEAN năm 2008, Ban thư ký ASEAN được thiết kế như một bộ máy giúp việc, với quyền hành còn nhiều hạn chế do các nước thành viên ASEAN chưa sẵn sàng trao cho ASEAN quyền lực lớn hơn.
Tuy nhiên, ngay cả trong không gian mà nhiều người nghĩ chật hẹp, qua tìm hiểu cá nhân, tôi thấy vẫn còn nhiều không gian hoạt động mà mình có thể phát huy, tập trung vào các điểm lớn sau: Trước tiên, hỗ trợ đắc lực cho công việc của Tổng Thư ký mới người Brunei (nhiệm kỳ 2018-2023), cùng các lãnh đạo khác của Ban Thư ký, và toàn thể Ban Thư ký thực hiện thành công “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”, đặc biệt là “Kế hoạch tổng thể Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN 2025”.
Tiếp đó, ngoài nhiệm vụ phục vụ theo quy định, chức năng và quyền hạn của Tổng vụ chính trị, an ninh, tôi sẽ cố gắng thúc đẩy và thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp tăng cường quan hệ đối ngoại, thúc đẩy hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng thực chất hơn giữa các nước ASEAN với nhau, và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.
Ngoài ra, để làm tốt chức năng tham mưu thì cần chú trọng các việc sau: Nâng cao năng lực nghiên cứu, tăng hàm lượng và chất lượng các báo cáo nghiên cứu, khuyến nghị chính sách; Nâng cao hiệu quả điều phối, xử lý công việc giữa các đơn vị trong Tổng Vụ. Cuối cùng, tìm cách mở rộng song song với việc làm sâu, nâng cao chất lượng các hoạt động đối ngoại; góp phần củng cố sự đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN; nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của ASEAN ở khu vực và trên thế giới trong các vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Ban Thư ký ASEAN là một “ngôi nhà ASEAN” thu nhỏ với những con người đến từ các quốc gia ASEAN với văn hóa và tôn giáo đa dạng, ông sẽ tạo dấu ấn Việt Nam như thế nào trong ngôi nhà chung ấy? Ông kỳ vọng ra sao về hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN trong tương lai?
Trước hết, cần thấy rằng ASEAN là tổ chức chung của các nước trong khu vực và tôn chỉ mục đích của Hiệp hội cũng như của Ban Thư ký là phục vụ cho lợi ích của cả Hiệp hội, của tất cả các quốc gia thành viên. Nguyên tắc này là sợi chỉ xuyên suốt trong các hoạt động, là chất keo kết dính cũng như là quy tắc ứng xử của tất cả các nhân viên Ban Thư ký, từ người cao nhất là Tổng Thư ký đến nhân viên thấp nhất và không có ngoại lệ. Nguyên tắc này giúp đảm bảo sự hoạt động ổn định của tổ chức, tránh có những thiên vị hay thay đổi về chính sách khi có thay đổi về nhân sự cấp cao của tổ chức.
Tân Phó Tổng Thư ký ASEAN, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia) |
Là công dân đến từ Việt Nam và với cương vị là Phó Tổng Thư ký ASEAN, tôi nghĩ trách nhiệm lớn và cao cả nhất của mình là hoàn thành tốt vai trò và chức trách của mình ở vị trí mới. Đó là cách quảng bá tốt nhất cho chất lượng cán bộ đối ngoại của Việt Nam, làm tăng uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong tổ chức.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thực thi chính sách đối ngoại tích cực chủ động, và vai trò của Việt Nam được nhiều nước ASEAN ghi nhận. Tôi tin rằng với đường lối đối ngoại mới được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực hơn vào tiến trình Xây dựng Cộng đồng ASEAN.