TRỰC TIẾP bầu cử Mỹ 2024: Ông Donald Trump tạm dẫn trước ở Indiana và Kentucky, bà Kamala Harris chiếm ưu thế ở Wisconsin

Nhóm PV
Kết quả trận tỷ thí cuối cùng giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris sẽ được chính thức công bố lần lượt ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa vào cuối ngày bầu cử 5/11 (giờ Mỹ). Báo Thế giới và Việt Nam liên tục cập nhật diễn biến và kết quả của cuộc đua lịch sử, kịch tính và hấp dẫn bậc nhất thế giới này ở xứ cờ hoa.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
TRỰC TIẾP bầu cử Mỹ 2024: Trận đấu cuối cùng giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris bắt đầu
Cuộc đua chặng cuối cùng giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang diễn ra vô cùng kịch tính. (Nguồn: CNN)
Mục lục
Bà Kamala Harris ‘hiệu triệu’ cử tri Georgia đi bỏ phiếu

“Phó tướng” của ông Trump cùng vợ đi bỏ phiếu, lạc quan trước chiến thắng

Liệu vụ bị kết án 34 tội danh có khiến ông Donald Trump mất phiếu?

Lợi dụng "ảo giác đỏ", ông Donald Trump cáo buộc gian lận phiếu

Tổng thống Joe Biden theo dõi cuộc đua từ Nhà Trắng

Hai ứng cử viên đang ở đâu?

Dòng người xếp hàng dài tại điểm bỏ phiếu ở Bắc Carolina

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu - điều ông Trump lo nhất

Nhộn nhịp sớm bình mình

Khuyến cáo tránh xa thuyết âm mưu

Chỉ ngày 5/11 là chưa đủ

Ông Donald Trump đề nghị không trì hoãn công bố kết quả bầu cử

Người Hindu ở miền Nam Ấn Độ cầu nguyện cho chiến thắng của bà Harris

Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa

Thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới cử tri đi bỏ phiếu.

Căng thẳng cuộc đua giành quyền kiểm soát Hạ viện

Tại sao Pennsylvania và Michigan lại quan trọng trong cuộc bầu cử này?

Mở màn ngày bầu cử, bà Harris và ông Trump "bất phân thắng bại" trong cuộc bỏ phiếu lúc nửa đêm

Phó Tổng thống Harris: "Đây có thể là một trong những cuộc đua sát sao nhất lịch sử"

Phó tướng của bà Harris huy động sức mạnh của cử tri nữ

Cử tri gốc Arab bất ngờ "quay xe" về phe ông Trump

Ông Trump gợi lại nỗi lo gian lận ngay trước giờ G

Nóng bỏng cuộc đua "song mã" ở Pittsburgh

Các phó tướng của hai ứng cử viên xung trận

Tình huống căng thẳng tại văn phòng bầu cử ở Georgia

Bà Harris “đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Ông Elon Musk thắng vụ kiện rút thăm trúng thưởng

Ông Trump vận động ở bang Pennsylvania

Bà Harris vận động ở Pennsylvania

Cảnh giác an ninh cao nhất lịch sử

Khoảng 77 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm

Ông Trump vượt lên ở Indiana và Kentucky, bà Harris thắng ở bang chiến trường Wisconsin

Theo AP, sau khi các phòng phiếu ở Indiana và Kentucky đóng cửa và các phiếu bắt đầu được kiểm (khoảng 6%), cho thấy ông Donald Trump vượt lên dẫn trước với tỷ lệ 58,3% và 69% trong khi bà Harris là 38 và 28%.

Trước đó, theo kết quả sơ bộ từ cuộc thăm dò ý kiến ​​cử tri do Edison Research thực hiện, 44% cử tri ở bang Wisconsin cho biết họ có cái nhìn tích cực về ông Trump (tăng so với mức 43% trong cuộc thăm dò ý kiến ​​cử tri năm 2020 của Edison Research) và 52% có cái nhìn không tích cực về ông (giảm so với mức 55% vào năm 2020).

Trong khi đó, 47% cử tri ở Wisconsin cho biết họ có cái nhìn tích cực về bà Harris (giảm so với mức 52% có quan điểm tương tự về ông Biden trong cuộc thăm dò ý kiến ​​cử tri năm 2020 của Edison Research). Và 52% có cái nhìn không tích cực về bà (tăng so với mức 46% có cái nhìn tương tự về ông Biden vào năm 2020).

Bà Kamala Harris "hiệu triệu" cử tri Georgia đi bỏ phiếu

Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với chương trình The Big Tigger Morning Show ở Atlanta, Phó Tổng thống Kamala Harris nhắc nhở cử tri Georgia đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử, nói với khán giả rằng “chúng ta phải hoàn thành việc này, hôm nay là ngày bầu cử nên mọi người cần ra ngoài và tích cực tham gia”.

Bà khẳng định, bản thân đang rất tập trung vào công việc hiện tại và chỉ suy nghĩ về việc làm sao để đáp ứng nhu cầu của người dân liên quan đến các chính sách. Ứng viên đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng các phòng phiếu ở Georgia sẽ đóng cửa lúc 19h theo giờ miền Đông (7h ngày 6/11 giờ Việt Nam).

Phó Tổng thống Mỹ chia sẻ thêm, mục tiêu của bà là giúp “người dân nhận thức được sức mạnh tiếng nói của họ thông qua lá phiếu”. Trong cuộc phỏng vấn, bà không nhắc đến tên cựu Tổng thống Donald Trump, mà thay vào đó gọi ông là “đối thủ của tôi”.

“Phó tướng” của ông Trump cùng vợ đi bỏ phiếu, lạc quan trước chiến thắng

Ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa JD Vance đã trực tiếp bỏ phiếu sáng 5/11 (giờ địa phương) tại Cincinnati.

Sau khi đến Nhà thờ St. Anthony of Padua để bỏ phiếu cùng vợ và các con, ông Vance khẳng định lạc quan về cuộc bầu cử năm nay, vốn gợi nhắc cảm xúc khi bỏ phiếu cũng tại đây vài năm trước và hy vọng lần này sẽ suôn sẻ cho liên minh Trump-Vance.

Tuy nhiên, ứng viên Phó Tổng thống thừa nhận, trong một cuộc bầu cử chia rẽ như hiện nay, bất kể ai thắng, ít nhất một nửa đất nước sẽ chìm trong cảm giác thất vọng.

Ông Vance hy vọng người dân sẽ bầu cho ông Donald Trump, nhưng nếu họ làm điều ngược lại, thì đó là quyền của họ.


Liệu vụ bị kết án 34 tội danh có khiến ông Donald Trump mất phiếu?

Ông Donald Trump bị toà New York hồi giữa năm nay kết tội làm giả hồ sơ kinh doanh và dùng tiền để buộc nữ diễn viên Stormy Daniels giữ im lặng trước thềm cuộc bầu cử năm 2016. Với cáo buộc này, ông là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án và dự kiến bị tuyên án vào ngày 26/11.

Theo luật Florida, nếu ai bị kết án từ một bang khác, bang Florida sẽ theo luật của bang đó để quyết định họ có quyền bầu cử không. Ở New York, luật cho phép người có tiền án bỏ phiếu nếu họ không ở tù vào thời điểm bầu cử.

Như vậy, dù bị kết tội ở New York, ông Trump vẫn có thể bỏ phiếu ở Florida. Nhưng liệu vụ việc này có khiến cựu Tổng thống bị mất phiếu trong cuộc đua?


Lợi dụng "ảo giác đỏ", ông Donald Trump cáo buộc gian lận phiếu

Hiện tượng "ảo giác đỏ" và "dịch chuyển xanh" chỉ tình trạng khi ứng viên đảng Cộng hòa dẫn trước về tỷ lệ ủng hộ, nhưng kết quả dần bị đảo ngược khi Ủy ban bầu cử tiến hành đếm phiếu gửi qua thư. Điều này thường xảy ra vì quy trình và thời gian kiểm phiếu qua thư khác nhau ở mỗi bang.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã lợi dụng hiện tượng "ảo giác đỏ" để đưa ra những cáo buộc về gian lận bầu cử, mặc dù trên thực tế đây là do sự gia tăng số phiếu bầu qua thư và các quy định về thời điểm kiểm đếm.

Ví dụ, vào năm 2020, hiện tượng này diễn ra rõ ràng ở các khu vực như California, nơi các cử tri bầu chọn qua thư và hầu hết ủng hộ đảng Dân chủ, dẫn đến xu hướng “dịch chuyển xanh” khi tổng số phiếu dần nghiêng về phía Đảng Dân chủ.

Cùng năm đó, ông Joe Biden bị đối thủ Donald Trump vượt mặt ở bang Georgia vào đêm 5/11, chỉ đến khi kết quả kiểm phiếu công bố vào sáng sớm 6/11, thì ứng viên đảng Dân chủ mới lấy lại ưu thế trong cuộc đua.


Tổng thống Joe Biden theo dõi cuộc đua từ Nhà Trắng

Tên của Tổng thống Joe Biden không xuất hiện trên lá phiếu vào ngày 5/11. Ông đang chờ đợi liệu đất nước sẽ lựa chọn người tiền nhiệm hay phó tướng của mình sẽ đến Nhà Trắng vào năm tới.

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Biden giữ một thái độ tương đối khiêm tốn. Ông và Đệ nhất phu nhân Jill Biden sẽ theo dõi kết quả bầu cử từ Nhà Trắng cùng với các cố vấn lâu năm và nhân viên cấp cao. Đương kim Tổng thống cũng sẽ cập nhật thường xuyên thông tin từ các cuộc đua diễn ra trên khắp cả nước.

Đội ngũ của ông Biden cho rằng, việc ông nhanh chóng ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris sau khi rút lui khỏi cuộc đua đã giúp định hình con đường của bà.

Chiến thắng của bà Harris sẽ ngăn chặn cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Nhưng nếu thất bại, một loạt nghi vấn sẽ đặt câu hỏi về việc có phải Tổng thống Biden đã giữ ứng cử của mình quá lâu và làm tổn hại cơ hội của đảng Dân chủ hay không.

Nhà Trắng đang nỗ lực bảo vệ một số thành tựu quan trọng của Tổng thống đương nhiệm trong trường hợp ông Trump giành chiến thắng rồi tìm cách đảo ngược nhiều phần di sản của ông Biden.


Hai ứng cử viên đang ở đâu?

TRỰC TIẾP bầu cử Mỹ 2024: Trận đấu cuối cùng giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris bắt đầu
Ứng cử viên Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng của ông tại Van Andel Arena ở Grand Rapids, Michigan, sáng sớm ngày 5/11. (Nguồn: AFP)

Ứng viên Donald Trump đã dành những giờ đầu tiên của ngày bầu cử tại Michigan, nơi ông vừa kết thúc một cuộc vận động ở Grand Rapids.

Đại diện đảng Cộng hòa dự định sẽ ở lại Florida trong ngày 5/11 và đi bỏ phiếu trực tiếp. Ông Trum cũng đã lên lịch tổ chức một bữa tiệc theo dõi bầu cử ở Palm Beach vào tối cùng ngày.

Về phía ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris dự định tham dự một bữa tiệc đêm bầu cử tại Đại học Howard ở Washington. Đây là nơi bà tốt nghiệp cử nhân với bằng kinh tế và khoa học chính trị vào năm 1986.

Ngoài Howard, bà Harris không có lịch trình công khai nào cho ngày bầu cử.

Trước đó, ngày 3/11, Phó Tổng thống Mỹ cho biết đã hoàn thành lá phiếu gửi qua bưu điện của mình và nó đang “trên đường tới California”.

Dòng người xếp hàng dài tại điểm bỏ phiếu ở Bắc Carolina

TRỰC TIẾP bầu cử Mỹ 2024: Trận đấu cuối cùng giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris bắt đầu
Người dân xếp hàng bỏ phiếu tại Wilmington, Bắc Carolina ngày 5/11. (Nguồn: CNN)

Đông đảo cử tri chờ bên ngoài khu vực bỏ phiếu tại một hội trường mở cửa lúc 6h30 (theo giờ ET) ở Wilmington, Bắc Carolina.

Khi điểm bỏ phiếu mở cửa, có khoảng 30 đến 40 người đã đứng xếp hàng, dòng người cũng dần đông hơn.

Tại một văn phòng đăng ký cử tri và bầu cử của quận Gwinnett ở Lawrenceville, Georgia, vào sáng sớm ngày 5/11, hàng dài người đã chờ đợi để nộp trực tiếp phiếu bầu vắng mặt.

Trong khi đó, Washington DC chuẩn bị cho khả năng bạo lực liên quan đến bầu cử. Vào sáng ngày 5/11, các văn phòng xung quanh Nhà Trắng tiếp tục che chắn cửa sổ và dựng hàng rào tạm thời.

Những biện pháp phòng ngừa được thực hiện vì lo ngại tình trạng bất ổn trong ngày bầu cử và những ngày tiếp theo.

Theo Thị trưởng Muriel Bowser, sở cảnh sát cũng đang tăng cường hiện diện tại các khu thương mại ở tất cả 8 khu vực của thành phố.

Trước đó, ngày 4/11, Cảnh sát trưởng Washington DC Pamela Smith phát biểu trấn an cư dân của thành phố, khẳng định lực lượng chức năng sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra do ngày bầu cử.

“Đội ngũ của chúng tôi luôn luôn cảnh giác, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc suốt ngày đêm để giữ an toàn cho Washington DC và bảo vệ cư dân”, bà Smith tuyên bố.


Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu - điều ông Trump lo nhất

TRỰC TIẾP bầu cử Mỹ 2024: Trận đấu cuối cùng giữa Donald Trump và Kamala Harris bắt đầu
Ứng viên Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng của ông tại Van Andel Arena ở Grand Rapids, Michigan, sáng sớm ngày 5/11. (Nguồn: AFP)

Các cố vấn hàng đầu của ông Donald Trump, những người đang “lạc quan thận trọng” về cách cựu Tổng thống sẽ thể hiện trong ngày bầu cử, tin rằng thành công hay thất bại trong giờ phút cuối cùng này chủ yếu phụ thuộc vào tỷ lệ cử tri tham gia.

Theo một cố vấn cấp cao của ứng viên đảng Cộng hòa, cuộc đua đang rất sít sao và tỷ lệ cử tri là điều mà đội ngũ cộng sự của ông Trump đang quan tâm lúc này.

Các cố vấn của ông tin tưởng, đây là lần bầu cử mà cựu Tổng thống thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên, khi xem xét dữ liệu trong cuộc bầu cử lần này, đội ngũ cố vấn và những người thân cận với ông Trump lo ngại về khả năng tham gia bỏ phiếu của cử tri ủng hộ.

Theo một nguồn tin gần gũi với ứng viên đảng Cộng hòa, trong cuộc bầu cử trước, nhiều người đã giữ im lặng về sự ủng hộ với ông và điều này không hiện rõ trong các dữ liệu thăm dò.

Giờ đây, đội ngũ của ông Trump không chắc liệu tình trạng "im lặng" này có xảy ra lần nữa trong cuộc bầu cử hiện tại hay không.


Nhộn nhịp sớm bình minh

Hiện tại (19h giờ Hà Nội) là khoảng 7h theo giờ miền Đông (ET) và các điểm bỏ phiếu đã mở cửa tại hơn 25 tiểu bang. Sau đây là các tiểu bang vừa mở cửa:

Alabama, Delaware, Washington, DC, Florida, Georgia, Illinois, Kansas, Maryland, Massachusetts, Michigan, Missouri, Pennsylvania, Rhode Island, South Carolina, Tennessee


Khuyến cáo tránh xa thuyết âm mưu

Cử tri Mỹ ngày 5/11 đến các điểm bỏ phiếu để chọn ra gương mặt lãnh đạo tiếp theo của đất nước.

Tuy nhiên, những tuyên bố về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 và các cáo buộc lặp đi lặp lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến mọi quy trình bầu cử đều sẽ bị giám sát chặt chẽ, đặc biệt là ở các bang chiến trường quan trọng.

Giới chức bầu cử trên toàn nước Mỹ, đặc biệt là ở các bang chiến trường, cam kết giữ vững tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và khuyến cáo cử tri không bị đánh lừa bởi các thuyết âm mưu.

“Tại Georgia, bỏ phiếu thì dễ nhưng gian lận thì khó. Hệ thống của chúng tôi vô cùng an toàn”, Tổng thư ký bang này Brad Raffensperger ngày 4/11 cho biết.

Năm nay, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump cùng một số đồng minh cáo buộc cuộc bầu cử đang “gian lận”.

Ông Trump cũng nhiều lần tuyên bố đảng Dân chủ đang gian lận, đồng thời hy vọng những người ủng hộ mình chuẩn bị tinh thần nếu ông thua.


Chỉ ngày 5/11 là chưa đủ

TRỰC TIẾP bầu cử Mỹ 2024: Trận đấu cuối cùng giữa ứng viên Trump - Harris bắt đầu
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ở Manhattan, TP. New York sáng sớm ngày 5/11. (Nguồn: Reuters)

Với một cuộc đua sít sao giữa ông Trump và bà Harris, việc xác định người chiến thắng vào cuối ngày bỏ phiếu 5/11 khó xảy ra.

Hơn nữa, 4 bang chiến trường gồm Arizona, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin cho phép cơ chế bỏ phiếu vắng mặt, nên có thể cần nhiều ngày để kết thúc quá trình bỏ phiếu.

Trong kỳ bầu cử năm 2020, ông Joe Biden được tuyên bố chiến thắng vào ngày 7/11, nghĩa là 4 ngày sau bầu cử. Khi đó, ứng viên đảng Dân chủ đã vượt qua ngưỡng tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để đắc cử sau khi các phương tiện truyền thông gọi điện đến Pennsylvania và Nevada để cập nhật dữ liệu.

Khi cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Trump và bà Harris tiếp tục sát sao, một số người lo ngại kịch bản bất phân thắng bại và Tòa án Tối cao Mỹ có thể sẽ quyết định kết quả.

Một số tranh cãi liên quan đến bầu cử đã được đưa lên Tòa án Tối cao nước này.

Tuần trước, Tòa án đã ban hành các quyết định cho phép Virginia loại 1.600 người khỏi danh sách cử tri, từ chối loại ứng viên độc lập Robert F. Kennedy Jr. khỏi lá phiếu ở 2 bang chiến trường và cho phép những cử tri ở Pennsylvania có lá phiếu gửi qua thư bị coi là không hợp lệ có quyền bỏ phiếu trực tiếp.


Ông Donald Trump đề nghị không trì hoãn công bố kết quả bầu cử

Theo SCMP, ông Trump đã kêu gọi công bố người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngay đêm bầu cử, thay vì chờ đợi kiểm phiếu qua thư và các quy trình khác.

Phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tại Pennsylvania ngày 3/11, ông Trump khẳng định việc công bố kết quả ngay trong đêm sẽ giúp tránh được các cáo buộc gian lận hoặc bất đồng về kết quả.

Cựu Tổng thống Mỹ cho rằng, việc kéo dài thời gian kiểm phiếu dấy lên nghi ngờ về tính minh bạch của cuộc bầu cử.

Trong các cuộc bầu cử trước đây, đặc biệt là năm 2020, nhiều phiếu bầu qua thư và bỏ phiếu sớm không được kiểm ngay lập tức. Điều này khiến kết quả cuối cùng bị trì hoãn ở một số bang chiến trường và gây ra nhiều tranh cãi. Ông Trump cũng đã từng cáo buộc gian lận bầu cử, song không đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào.

Ý tưởng công bố kết quả ngay trong đêm bầu cử đang gặp phải nhiều phản ứng trái chiều, vì có thể bỏ qua những phiếu chưa được kiểm kịp thời, đặc biệt là phiếu bầu qua thư.

Các chuyên gia cho rằng, quy trình hiện tại giúp đảm bảo độ chính xác và công bằng trong bầu cử, dù tốn thêm thời gian.


Người Hindu ở miền Nam Ấn Độ cầu nguyện cho chiến thắng của bà Harris

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Người dân tụ tập cầu nguyện cho chiến thắng của bà Kamala Harris trong đền Sri Dharmasastha, tọa lạc ở ngôi làng tổ tiên của bà Harris tại Tamil Nadu, Ấn Độ, ngày 5/11. (Nguồn: CNN)

Khắp thế giới đều đang hướng sự quan tâm về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, trong đó có những người theo đạo Hindu ở miền Nam Ấn Độ. Họ đã và đang cầu nguyện cho chiến thắng của bà Kamala Harris.

Bà Harris có bố và mẹ là người nhập cư từ Ấn Độ và Jamaica. Mẹ bà sinh ra ở tiểu bang Tamil Nadu (Ấn Độ) trước khi chuyển đến Mỹ để theo học chương trình tiến sĩ. Bà Harris đã từng chia sẻ những kỷ niệm thời thơ ấu khi đến thăm ông của mình ở Chennai, chia sẻ về những di sản của Ấn Độ đã ảnh hưởng tới cuộc sống và sự nghiệp của bà như thế nào.

Ballu, người sáng lập Tổ chức Anukragni của nhóm Hindu Anushanath, tại thành phố Madurai ở Tamil Nadu, nói trong các video được thực hiện bởi ReutersANI News: “Kamala Harris, sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chắc chắn, bà ấy sẽ thắng cử".

Trong các video, biểu ngữ có hình ảnh bà Harris được trưng bày bên cạnh các tượng thần Hindu, với các linh mục đang cầu nguyện và dâng cánh hoa cho các tượng thần.

Nhiều người Mỹ gốc Ấn đã trở nên phấn chấn hơn sau khi bà Harris trở thành ứng cử viên mới của đảng Dân chủ. Cộng đồng này đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho chiến dịch của bà trong những tuần sau khi Phó Tổng thống tuyên bố ứng cử.


Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Những người ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump chờ dưới mưa để tham dự cuộc vận động tranh cử cuối cùng của ông Trump tại Grand Rapids, Michigan, ngày 4/11. (Nguồn: CNN)

Sáng ngày thứ Ba, 5/11 (giờ Mỹ), các điểm bỏ phiếu đã bắt đầu mở cửa trên khắp cả nước.

Hàng triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, nhưng với những cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp, điều quan trọng là phải biết thời gian mở cửa của các điểm bỏ phiếu khác nhau tùy theo địa điểm, đôi khi trong một quận hoặc thành phố ở một tiểu bang.

Sau đây là một số giờ mở cửa bỏ phiếu sớm nhất (tất cả đều theo giờ ET - giờ miền Đông):

6h: Connecticut, Indiana, Kentucky, Maine, New Hampshire, New Jersey, New York và Virginia.

6h30: Ohio, North Carolina, West Virginia và Vermont.

7h30: Alabama, Delaware, Washington DC., Florida, Georgia, Illinois, Kansas, Maryland, Massachusetts, Michigan, Missouri, Pennsylvania, Rhode Island, South Carolina và Tennessee.

8h: Arizona, Iowa, Louisiana, Minnesota, South Dakota, North Dakota Oklahoma, Texas và Wisconsin


Thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới cử tri đi bỏ phiếu.

Thời tiết khắc nghiệt đang ảnh hưởng đến việc cử tri đi bỏ phiếu tại các bang chiến địa trong ngày bầu cử. Nhiều bang đang phải hứng chịu một đợt không khí lạnh kèm theo mưa bão trong ngày bầu cử.

Mưa lớn đang diễn ra từ phía Đông Texas đến biên giới Missouri-Illinois, bao gồm cả St. Louis. Những khu vực này cũng ghi nhận các cơn bão, đe dọa lũ quét và lũ lụt. Ngay trong đêm, lượng mưa đã đạt mốc 3-8 inch (76-203mm).

Mặc dù mưa sẽ tiếp tục di chuyển về phía Đông, nhưng tình trạng thời tiết này có thể ảnh hưởng đến cử tri đi bỏ phiếu sớm vào buổi sáng.

Không khí lạnh di chuyển về phía Đông, mang theo mưa đến Minnesota cùng các bang chiến địa như Wisconsin và Michigan, kéo dài xuống phía Nam đến Louisiana. Trong các cuộc bầu cử trước đây, tình trạng mưa lớn cũng đã làm giảm số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu.

Wisconsin dự kiến có thời tiết xấu nhất trong số 7 bang chiến địa. Trung tâm dự báo bão Mỹ cũng cảnh báo bão giật cấp 1 đến 5 ở bang này. Ngoài ra, có thể có mưa rào trên diện rộng, thậm chí xảy ra giông bão với sức gió hơn 60 mph ( 97km/h) kèm theo lốc xoáy.

Lượng mưa lớn nhất đi cùng đợt không khí lạnh ngày 5/11 sẽ diễn ra từ phía Đông Texas đến Nam Indiana.


Căng thẳng cuộc đua giành quyền kiểm soát Hạ viện

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Cuộc đua giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ năm nay được đánh giá là một trong những 'trận chiến' quyết liệt nhất lịch sử. (Nguồn: News Nation Now)

Ngày 5/11, ngoài bỏ phiếu bầu tổng thống, cử tri Mỹ cũng bỏ phiếu bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ đại diện cho 435 khu vực bầu cử ở 50 bang của nước này.

Trong Hạ viện khóa 118 hiện nay, đảng Cộng hòa đang nắm đa số mong manh với 220 ghế, đảng Dân chủ giữ 212 ghế và có 3 ghế trống.

Với việc Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries được bầu làm thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện, đây sẽ là cuộc bầu cử Hạ viện đầu tiên kể từ năm 2002 đảng Dân chủ không do chính khách lão luyện Nancy Pelosi lãnh đạo.

Phân tích từ các chuyên trang và tổ chức theo dõi tình hình chính trị cho thấy, cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát Hạ viện năm nay sẽ tập trung chủ yếu ở các tiểu bang Maine, Washington, Alaska, Pennsylvania, Nebraska, Iowa cùng Wisconsin và là một trong những cuộc chạy đua vào Hạ viện quyết liệt nhất trong lịch sử.

Tổng biên tập của Sabato’s Crystal Ball, ông Larry Sabato, cho rằng, đảng Dân chủ có thể giành lại quyền kiểm soát Hạ viện với một đa số tối thiểu 218 ghế trong khi đảng Cộng hòa sẽ có 217 ghế.

Trong khi đó, dự báo chung của The Hill/Decision Desk HQ lại cho thấy, đảng Cộng hòa có 52% cơ hội tiếp tục giữ đa số tại cơ quan lập pháp này thêm một khóa nữa.

Cũng theo kết quả thăm dò của Decision Desk HQ (DDHQ), đảng Cộng hòa có 70% cơ hội giành lại quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ khóa 119 từ tháng 1/2025 với 52 ghế so với 48 ghế bên phía đảng Dân chủ.


Tại sao Pennsylvania và Michigan lại quan trọng trong cuộc bầu cử này?

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Dân làng địa phương và khách du lịch được ban phước lành từ một linh mục sau khi tham gia buổi cầu nguyện đặc biệt cho chiến thắng của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, tại đền thờ Hindu Sri Dharmasastha ở Thulasendrapuram, Ấn Độ. The Guardian cho biết, đây là ngôi làng của tổ tiên bà Harris. (Nguồn: AP)

Pennsylvania và Michigan là hai bang chiến trường quan trọng, dự kiến sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc bầu cử năm nay. Bang chiến trường (swing state), bang chiến địa hoặc bang dao động là cách gọi nhóm các bang có kết quả bầu cử rất sát sao và có thể thay đổi giữa các cuộc bầu cử tổng thống.

Mỗi bang của Mỹ có một số phiếu đại cử tri nhất định, tương ứng với quy mô dân số của bang đó. Để chiến thắng trong cuộc bầu cử, một ứng viên tổng thống phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri.

Năm nay, các bang được theo dõi chặt chẽ bao gồm Michigan, Pennsylvania, Arizona, Georgia, Wisconsin, Nevada và Bắc Carolina.

Pennsylvania có 19 phiếu đại cử tri. Chiến thắng của ông Donald Trump trước bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016 là lần đầu tiên một ứng viên đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Pennsylvania kể từ năm 1988.

Michigan có 15 phiếu đại cử tri. Ông Trump cũng chiến thắng bà Clinton tại bang này vào năm 2016, đánh dấu lần đầu tiên một ứng viên đảng Cộng hòa thắng tại đây kể từ năm 1992.


Mở màn ngày bầu cử, bà Harris và ông Trump "bất phân thắng bại" trong cuộc bỏ phiếu lúc nửa đêm

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Cử tri Dixville Notch, bang New Hampshire đi bỏ phiếu. (Nguồn: CNN)

Đúng 0h ngày 5/11 (giờ địa phương), thị trấn Dixville Notch, bang New Hampshire đã mở cửa điểm bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đầy kịch tính.

Với việc điểm bỏ phiếu vào lúc nửa đêm, cử tri ở thị trấn Dixville Notch đã trở thành những người đầu tiên bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Năm nay, Dixville Notch chỉ có 6 cử tri đăng ký đi bỏ phiếu, vì vậy quá trình này chỉ mất chưa đầy 1 phút.

Kết quả là, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã hòa nhau với mỗi người 3 phiếu bầu tại thị trấn Dixville Notch của bang New Hampshire.

Truyền thống bỏ phiếu nửa đêm bắt đầu ở Dixville Notch vào năm 1960 sau khi giới chức thị trấn vận động cho cơ quan lập pháp New Hampshire công nhận thị trấn này là một khu vực bỏ phiếu độc lập.


Phó Tổng thống Harris: "Đây có thể là một trong những cuộc đua sát sao nhất lịch sử"

Trong buổi vận động tranh cử cuối cùng ngày 4/11 tại Philadelphia trước ngày bầu cử, ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris cho biết đội ngũ của bà đang "lạc quan và phấn khởi", cho rằng Pennsylvania có thể "quyết định kết quả" của cuộc bầu cử.

"Cuộc đua vẫn chưa kết thúc và chúng ta phải kết thúc nó thật oanh liệt. Đây có thể là một trong những cuộc đua sát sao nhất lịch sử. Mỗi lá phiếu đều quan trọng", bà Harris tuyên bố.

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Philadelphia, Pennsylvania ngày 4/11. (Nguồn: Getty)

Trong suốt buổi vận động, đám đông vỡ òa trong tiếng hô “Chúng ta sẽ thắng” và “Chúng ta sẽ không bị bỏ lại”.

Bên cạnh đó, trong chiến dịch của mình, bà Harris đã nhấn mạnh cam kết giảm chi phí sinh hoạt, nhà ở, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người cao tuổi và thuế cho công nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ.

Phó Tổng thống cũng hứa sẽ thông qua một dự luật nhằm khôi phục quyền tự quyết về sinh sản cho phụ nữ.

Bà Harris đã cố gắng tạo sự tương phản với ông Donald Trump bằng cách hứa hẹn sẽ cho những người bất đồng quan điểm một vị trí trong chính phủ, trong khi cựu Tổng thống thường xuyên phát ngôn gay gắt với các đối thủ chính trị của mình.

“Chúng ta đã bắt đầu chiến dịch này cách đây 107 ngày. Ngay từ đầu, chiến dịch của chúng ta là cuộc chiến vì tương lai với tự do, cơ hội và nhân phẩm cho tất cả người dân Mỹ”, bà Harris khẳng định.


Phó tướng của bà Harris huy động sức mạnh của cử tri nữ

Phát biểu tại cuộc mít-tinh ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan tối 4/11, người đồng hành tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Tim Walz kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri nữ ở tiểu bang Michigan. Đây cũng là điểm yếu của đối thủ Donald Trump, người đang phải đối mặt với khoảng cách giới tính ngày càng lớn trong sự ủng hộ của mình.

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Ông Tim Walz, phó tướng của bà Harris vận động ở thành phố Detroit, bang Michigan. (Nguồn: AP)

"Ngày mai, phụ nữ trên khắp nước Mỹ, ở mọi lứa tuổi, cả hai đảng, sẽ gửi một thông điệp lớn đến ông Donald Trump, dù ông ấy có thích hay không", ông Walz nói nhắc lại lời ông Trump tại một cuộc vận động gần đây rằng ông muốn bảo vệ phụ nữ "dù phụ nữ có thích hay không".

Phó tướng của đảng Dân chủ tiếp lời: "Đây là thời khắc của chúng ta, cuộc bầu cử đã bắt đầu. Động lực đang ở bên chúng ta. Với một hoặc hai phiếu bầu cho mỗi khu vực bỏ phiếu tại tiểu bang Michigan, chúng ta có thể giành chiến thắng hoàn toàn".

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Màu sắc chính sách đối ngoại của ông Trump và bà Harris nếu đắc cử Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Màu sắc chính sách đối ngoại của ông Trump và bà Harris nếu đắc cử
Tin liên quan

Đây là điểm dừng chân ở bang chiến trường mới nhất của Thống đốc Minnesota, người đã đi khắp đất nước để quảng bá tầm nhìn của bà Harris cho nước Mỹ.

Michigan là một trong những tiểu bang "bức tường xanh" quan trọng mà đảng Dân chủ hy vọng chiếm được để giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống.

Gần 3,2 triệu người đã bỏ phiếu tại tiểu bang này, chiếm khoảng 44% số cử tri đã đăng ký.


Cử tri gốc Arab bất ngờ "quay xe" về phe ông Trump

Buổi vận động tranh cử cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump ở bang Michigan có sự góp mặt của 2 Thị trưởng đến từ các thành phố thuộc vùng ngoại ô Detroit – khu vực có cộng đồng người Mỹ gốc Arab đông đảo.

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Thị trưởng Hamtramck Amer Ghalib phát biểu tại cuộc vận động tranh cử cựu Tổng thống Donald Trump tại bang Michigan ngày 4/11. (Nguồn: AP)

Ông Amer Ghalib, Thị trưởng Hamtramck và ông Bill Bazzi, Thị trưởng Dearborn Heights, đều là thành viên đảng Dân chủ nhưng đã “quay xe” ủng hộ cựu Tổng thống Trump, cũng như kêu gọi người Mỹ gốc Arab ủng hộ ông.

“Tôi xin gửi thông điệp tới những người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo, phiếu bầu của các bạn ở bang chiến trường này sẽ thay đổi bộ mặt nước Mỹ, cũng như quyết định tương lai đất nước”, Thị trưởng Ghalib tuyên bố.

Ông Donald Trump đang tận dụng sự bất ổn ở vùng ngoại ô Detroit, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Arab lớn nhất cả nước, vốn là những người không hài lòng với cách xử lý của chính quyền Biden-Harris liên quan cuộc xung đột ở Gaza.

Ngoài ra, Thị trưởng Bazzi, người đã vấp phải sự phản đối từ một số người trong cộng đồng của mình, khẳng định thà “mất chức hơn là để một nhóm người hiếu chiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử”.


Ông Trump gợi lại nỗi lo gian lận ngay trước giờ G

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục tố cáo về gian lận vào đêm trước cuộc bầu cử, gọi đảng Dân chủ là “cỗ máy tàn bạo”, đồng thời cho rằng các bang là “cánh tay nối dài của chính phủ liên bang”.

Tại buổi vận động ở Pittsburgh, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, đảng Dân chủ có thể sử dụng những ý tưởng tồi tệ để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.

“Chúng ta phải chiến thắng theo cách truyền thống và sửa chữa lại hệ thống”, ông Trump nhấn mạnh.

TRỰC TIẾP Bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania ngày 4/11. (Nguồn: Getty)

Theo ông Trump, các bang là “cánh tay nối dài của chính phủ liên bang” nhằm thu thập thông tin và nhận lệnh từ chính phủ.

Ông Trump cũng cho biết kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 là “điều tồi tệ nhất từng xảy ra với đất nước”, đồng thời tuyên bố cuộc đua với Phó Tổng thống Kamala Harris “không thật sự sít sao” dù các cuộc thăm dò cho thấy hai ứng viên đang bám đuổi sát nút trên toàn quốc.

Trước đó, tại cuộc vận động ở bang Pennsylvania ngày 3/11, cựu Tổng thống Mỹ khẳng định có "rất nhiều người gian dối đang cố gắng đánh cắp kết quả bầu cử" và ám chỉ phe Dân chủ.

Ông Trump cũng đặt nghi vấn về độ tin cậy của các máy bỏ phiếu, viện dẫn thông tin từ tỷ phú Elon Musk, người ủng hộ cựu Tổng thống và là chủ sở hữu mạng xã hội X, song không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.


Nóng bỏng cuộc đua "song mã" ở Pittsburgh

Trước những người ủng hộ tại Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, ông Donald Trump hứa hẹn việc sửa đổi các chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden tại biên giới phía Nam và kiểm soát dòng người nhập cư ở các cửa khẩu.

Ông đồng thời khẳng định sẽ chấm dứt lạm phát kinh tế và đầu tư “mạnh tay” cho quốc phòng cũng như quân đội.

Dự đoán kết quả Bầu cử Mỹ: Nếu bà Harris đánh bại ông Trump, đây sẽ là lời giải đáp Dự đoán kết quả Bầu cử Mỹ: Nếu bà Harris đánh bại ông Trump, đây sẽ là lời giải đáp
Tin liên quan

Khẳng định “có thể giải quyết mọi vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt và đưa nước Mỹ cùng toàn thế giới lên những tầm cao mới của vinh quang”, ông dõng dạc tuyên bố trước cử tri: “Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ đang tới”.

Mặc dù không phải là cuộc vận động cuối cùng của ông vào tối trước ngày bầu cử, song các phụ tá của cựu Tổng thống Donald Trump mô tả bài phát biểu của ông tại Pittsburgh là "thông điệp kết thúc" gửi tới người dân Mỹ.

Sau Pennsylvania, ông Trump sẽ kết thúc chiến dịch của mình tại Grand Rapids, Michigan.

Trong sự kiện áp chót trước giờ “G”, bà Harris đã thể hiện sự tự tin khi phát biểu trước người ủng hộ tại Pittsburgh rằng: “Chúng ta phải kết thúc thật mạnh mẽ… Chúng ta sẽ chiến thắng”.

Kêu gọi những người ủng hộ tích cực đi bỏ phiếu, bà nhấn mạnh: “Tôi đang xin phiếu bầu của các bạn. Đó là tiếng nói của các bạn và tiếng nói của các bạn là sức mạnh của các bạn”.

Bà Harris hiện đang tới Philadelphia để tham gia cuộc vận động cuối cùng trong chiến dịch tranh cử của mình.

TRỰC TIẾP bầu cử Mỹ 2024: Căng thẳng an ninh lịch sử, ông Trump ra tuyên bố nóng bất ngờ, bà Harris nói 'hãy tận hưởng'
Bản đồ bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 cập nhật mới nhất. Màu xám là các bang dao động, màu xanh và hồng tương ứng với màu của các đảng Dân chủ và Cộng hòa. Độ đậm nhạt của màu sắc thể hiện mức độ nghiêng về phía đảng của cử tri. (Nguồn: 270toWin)

Các phó tướng của hai ứng cử viên xung trận

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa J.D. Vance, liên danh tranh cử của ông Donald Trump đã đến vận động bầu cử tại ba địa điểm ở bang Georgia, trong đó có điểm dừng chân ở thành phố Altanta.

Tại đây, ông kêu gọi cử tri đưa bạn bè và gia đình đi bỏ phiếu, đồng thời có bài phát biểu sâu sắc về khối “đại đoàn kết” của đảng Cộng hòa tại thành phố này.

Trong khi đó, ông Tim Walz, ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, có bài phát biểu trước cử tri Wisconsin, kêu gọi người dân nước này “hãy để bà Harris dẫn dắt” nhấn mạnh rằng, cử tri Mỹ nắm trong tay cơ hội “định hình tương lai cho các thế hệ tiếp nối”.

Ông Walz ca ngợi chiến dịch tranh cử kéo dài 107 ngày của bà Harris là “một hành trình đáng kinh ngạc” và ghi nhận bà đã mang “niềm vui trở lại cho chính trị”.


Tình huống căng thẳng tại văn phòng bầu cử ở Georgia

CNN dẫn lời một quan sát viên phi đảng phái cho biết, các quan sát viên của đảng Cộng hòa đã có thái độ “đối đầu” với nhân viên tại cử tại văn phòng bầu cử ở Hạt Cobb, bang Georgia.

Theo Giám đốc Truyền thông hạt này Ross Cavitt, các quan sát viên bầu cử từ chối rời khỏi các ghế dành riêng cho cử tri, buộc các quan chức bầu cử phải nhờ đến sự hỗ trợ của cảnh sát. Tuy nhiên, khi các nhân viên cảnh sát đến nơi, tình hình đã được giải quyết ổn thỏa.

Bà Salleigh Grubbs, Chủ tịch đảng Cộng hòa Hạt Cobb đổ lỗi cho các quan chức địa phương, cho rằng tình hình căng thẳng là do “xuất phát từ một số cá nhân trong ban bầu cử ngăn chặn việc các quan sát viên giám sát theo quy định”.

Bà cũng nói rằng, sự việc xảy ra khi một quan sát viên đang cố chụp ảnh một lá phiếu mà họ cho là “bất thường”.


Bà Harris “đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Theo CNN, tối ngày 4/11 (giờ địa phương) Phó Tổng thống Kamala Harris đã trực tiếp gõ cửa nhà dân tại thành phố Reading, Pennsylvania, để kêu gọi ủng hộ. Ban vận động chiến dịch của bà đã chủ trương điều hướng các nhân viên tập trung vào việc vận động cử tri bầu cử. Theo nhận định của giới chuyên môn, cuộc đua tại Pennsylvania có thể kéo dài với kết quả sát nút trước thềm thứ Sáu.

Pennsylvania là tiểu bang chiến trường quan trọng nhất của cuộc bầu cử năm 2024. Cả bà Harris và ông Trump đều “đặt cược” vào 20 phiếu đại cử tri của tiểu bang này. Theo thống kê từ công ty AdImpact, các chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên đã đổ vào chương trình quảng cáo ở riêng Pennsylvania gần 300 triệu USD - nhiều nhất trong số các tiểu bang trên toàn quốc.

Ông Elon Musk thắng vụ kiện rút thăm trúng thưởng

CNN đưa tin, Thẩm phán Tòa án Philadelphia Angelo Foglietta đã ra phán quyết rằng, cuộc rút thăm trúng thưởng trị giá 1 triệu USD một ngày do ủy ban hành động chính trị của tỷ phú Elon Musk, người ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, tổ chức tại các tiểu bang dao động có thể tiếp tục diễn ra cho đến hết cuộc bầu cử tổng thống.

Chương trình trao giải của ông Musk bị một đảng viên Dân chủ kiện vì người này cho rằng, việc tặng thưởng này vi phạm luật bầu cử của tiểu bang.


Ông Trump vận động ở bang Pennsylvania

AP cho biết, tại thành phố Reading của bang Pennsylvania, ông Trump ng nói với những người ủng hộ rằng ông đã chờ đợi cuộc bầu cử suốt 4 năm và gọi đây là "sự kiện chính trị quan trọng nhất trong lịch sử đất nước".

Kêu gọi những người ủng hộ đi bỏ phiếu, ông Trump khẳng định rằng, nếu ông thắng ở Pennsylvania, “chúng ta sẽ thắng toàn bộ”.

Tại sự kiện, ứng cử viên đnảg Cộng hòa đã đưa một số người con của mình lên sân khấu và nói rằng: "Đây là lần cuối cùng của chúng ta, mãi mãi".


Bà Harris vận động ở Pennsylvania

Phát biểu tại thành phố Allentown, nơi có nhiều người Puerto Rico sinh sống, thuộc bang Pennsylvania, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố: “Tôi đứng đây tự hào về cam kết lâu dài của mình đối với Puerto Rico và người dân nơi đây rằng tôi sẽ trở thành tổng thống của tất cả người Mỹ".

Nhấn mạnh đất nước và người dân Mỹ đang đứng trước cơ hội "để lật sang trang mới cho một thập kỷ chính trị bị nỗi sợ hãi và chia rẽ thúc đẩy", ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ khẳng định: “Nước Mỹ đã sẵn sàng cho một khởi đầu mới".


Cảnh giác an ninh cao nhất lịch sử

Trước thềm cuộc bầu cử, các bang trên toàn quốc đã triển khai các biện pháp an ninh chưa từng có tiền lệ nhằm đối phó với nguy cơ bất ổn dân sự, can thiệp bầu cử và bạo lực nhằm vào nhân viên bầu cử.

Các bang Oregon, Washington và Nevada đã huy động Vệ binh Quốc gia, Cục điều tra liên bang (FBI) thiết lập trung tâm chỉ huy giám sát đe dọa và an ninh được tăng cường tại gần 100.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.

Công ty Runbeck Election Services, chuyên cung cấp công nghệ an ninh bầu cử, xác nhận đã đặt hàng khoảng 1.000 nút báo động khẩn cấp cho nhân viên và cơ sở bầu cử. Thiết bị này là dây đeo cổ hoặc bỏ túi, kết nối với điện thoại di động để liên lạc với cơ quan thực thi pháp luật trong trường hợp khẩn cấp.

Tại Arizona, nơi từng xảy ra bất ổn và các thuyết âm mưu về bầu cử năm 2020, cơ sở kiểm phiếu chính ở Quận Maricopa trở thành pháo đài với hàng rào sắt, dây thép gai, vệ sĩ vũ trang và đội đặc nhiệm SWAT trên mái nhà.

Giới chức Mỹ cũng cảnh báo về các mối đe dọa từ không gian mạng và tin tặc, đặc biệt là từ nước ngoài.

Tại thủ đô Washington, giới chức đã cảnh báo về "môi trường an ninh bất ổn, khó lường" trong những ngày và có thể là những tuần sau khi đóng cửa các điểm bỏ phiếu. Nhiều cửa hàng đã bắt đầu gia cố mặt tiền để phòng ngừa bất ổn có thể xảy ra.


Khoảng 77 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm

Thống kê cho thấy, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, khoảng 77 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm ở hầu hết các bang kể từ cuối tháng 9. Trong đó, bang Bắc Carolina có hơn 4,2 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, đánh dấu kỷ lục mới và vượt qua con số ghi nhận năm 2020.

Tỷ lệ cử tri đi bầu sớm cao trong năm nay cũng phản ánh nỗ lực của đảng Cộng hòa ở bang này nói riêng và trên toàn quốc nói chung trong việc khuyến khích người dân đi bỏ phiếu sớm. Điều này tạo ra sự tương phản rõ rệt với cuộc bầu cử năm 2020, khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng việc bỏ phiếu qua bưu điện tiềm ẩn nhiều gian lận, mà không có bằng chứng cụ thể.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất của New York Times/Siena tập trung vào 7 bang quan trọng, được mệnh danh là “các bang chiến địa”, cho thấy ứng viên Kamala Harris dẫn trước ở 3 bang, gồm Nevada, Bắc Carolina, Georgia, Wisconsin, hòa với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump ở hai bang Pennsylvania và Michigan nhưng ông Trump lại dẫn trước bà Harris ở bang Arizona.

Cuộc thăm dò này cũng cho thấy, bà Harris đã mất chỗ đứng ở bang có tính chất quyết định tới kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm nay: Pennsylvania, vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông bắc nước Mỹ, nơi có 19 đại cử tri trong tổng số tối thiểu 270 đại cử tri mà một trong hai ứng cử viên phải đạt được để trở thành người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Kết quả thăm dò bầu cử ở bang Pennsylvania trong ngày 4/11 cho thấy, ông Trump tạm vượt lên dẫn trước với khoảng cách mong manh 48,3% so với 48% dành cho bà Harris.

TRỰC TIẾP bầu cử Mỹ 2024: Ông Donald Trump tạm dẫn trước ở Indiana và Kentucky, bà Kamala Harris chiếm ưu thế ở Wisconsin
Tỷ lệ ủng hộ ứng viên Donald Trump và Kamala Harris trong ngày 4/11 cho thấy khoảng cách rất mong manh. (Nguồn: 270towin)

Bầu cử Mỹ 2024: Quyền lực và giới hạn của Tổng thống Mỹ

Bầu cử Mỹ 2024: Quyền lực và giới hạn của Tổng thống Mỹ

Theo Hiến pháp Mỹ, nhiệm kỳ tổng thống có thời hạn 4 năm. Ứng cử viên Tổng thống phải thoả mãn những tiêu chuẩn bắt ...

Bầu cử Mỹ 2024: Ai sẽ là Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ?

Bầu cử Mỹ 2024: Ai sẽ là Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ?

Chỉ còn 3 ngày nữa là cuộc bầu cử gay cấn bậc nhất thế giới sẽ diễn ra và có kết quả chung cuộc. Hãy ...

Đại sứ Phạm Quang Vinh: 'Độc lạ', gay cấn bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 và câu chuyện với Việt Nam

Đại sứ Phạm Quang Vinh: 'Độc lạ', gay cấn bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 và câu chuyện với Việt Nam

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có nhiều điểm đặc biệt và dù hai ứng cử viên ...

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Cuộc bám đuổi nghẹt thở đến 'giờ G', ứng cử viên Kamala Harris đã bỏ phiếu?

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Cuộc bám đuổi nghẹt thở đến 'giờ G', ứng cử viên Kamala Harris đã bỏ phiếu?

Chưa đầy 48 giờ nữa, toàn thế giới sẽ biết ai trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Tuy nhiên, cho đến giờ ...

Không khí ‘nóng hừng hực’ trong tuần cuối của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Không khí ‘nóng hừng hực’ trong tuần cuối của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Nước Mỹ đang "sục sôi" với cuộc đua nước rút trong tuần cuối chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ giữa hai ứng viên Kamala ...

Bài viết cùng chủ đề

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

Xem nhiều

Đọc thêm

Trung Quốc phát hiện một mỏ vàng siêu lớn

Trung Quốc phát hiện một mỏ vàng siêu lớn

Ngày 23/11, Sở Địa chất tỉnh Hồ Nam (miền Trung Trung Quốc) thông báo đã phát hiện một mỏ vàng siêu lớn với trữ lượng ước tính hơn 1.000 tấn, ...
Ukraine bị đánh bật khỏi 40% lãnh thổ tỉnh Kursk của Nga, Kiev ấp ủ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo

Ukraine bị đánh bật khỏi 40% lãnh thổ tỉnh Kursk của Nga, Kiev ấp ủ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo

Ukraine đã bị đánh bật khỏi khoảng 40% diện tích lãnh thổ chiếm được tại tỉnh Kursk (Nga). Kiev đang nghiên cứu phát triển nhiều tên lửa đạn đạo.
Giá vàng hôm nay 24/11/2024: Giá vàng tăng ngoạn mục, ‘cân’ mọi phiên giao dịch, sắp tới mốc cao lịch sử, giá vàng nhẫn dựng đứng

Giá vàng hôm nay 24/11/2024: Giá vàng tăng ngoạn mục, ‘cân’ mọi phiên giao dịch, sắp tới mốc cao lịch sử, giá vàng nhẫn dựng đứng

Giá vàng hôm nay 24/11/2024, giá vàng tăng mạnh, 'hiệu ứng Trump kết thúc'. Giá vàng trong nước thuận đà tăng vù vù.
Giá tiêu hôm nay 24/11/2024: Mất mốc quan trọng, thị trường biến động, giá hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu cao nhất từ 2017

Giá tiêu hôm nay 24/11/2024: Mất mốc quan trọng, thị trường biến động, giá hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu cao nhất từ 2017

Giá tiêu hôm nay 24/11/2024 tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 138.000 – 139.000 đồng/kg.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng người Việt tại Campuchia luôn phát huy tinh thần đoàn kết

Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng người Việt tại Campuchia luôn phát huy tinh thần đoàn kết

Chiều 23/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, ...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Ngày 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga: ‘Đèn xanh’ nháy chậm?

Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga: ‘Đèn xanh’ nháy chậm?

Việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ tấn công quân sự trên đất Nga có thể chuyển xung đột sang giai đoạn quyết liệt hơn.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Cam kết, xu thế và động lực

Hội nghị thượng đỉnh G20: Cam kết, xu thế và động lực

Trong bối cảnh địa chính trị phân hóa sâu sắc, xung đột leo thang và biến đổi khí hậu, Thượng đỉnh G20 rất được trông đợi.
Chuyến thăm đa mục đích của Tổng thống Indonesia

Chuyến thăm đa mục đích của Tổng thống Indonesia

Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài nhiều ngày với quy mô lớn.
Hội nghị thượng đỉnh bất thường các nước Arab và Hồi giáo: Nỗ lực ngăn xung đột lan rộng

Hội nghị thượng đỉnh bất thường các nước Arab và Hồi giáo: Nỗ lực ngăn xung đột lan rộng

Hội nghị đã thể hiện rõ ý chí và cam kết của nhiều quốc gia trong việc ủng hộ người Palestine và tìm kiếm các giải pháp lâu dài.
Thế giới sẽ phải thích ứng với một nước Mỹ rất khác

Thế giới sẽ phải thích ứng với một nước Mỹ rất khác

Những thay đổi dưới thời Trump 2.0 sẽ tác động nhiều mặt tới nước Mỹ và thế giới.
Malaysia-Trung Quốc: Thắt chặt tình thân

Malaysia-Trung Quốc: Thắt chặt tình thân

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia phản ánh mong muốn tăng cường quan hệ song phương toàn diện, đặc biệt là kinh tế và thương mại.
Hợp tác Mekong - Mỹ sẽ ra sao khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Hợp tác Mekong - Mỹ sẽ ra sao khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump mang nhiều hàm ý cho nước Mỹ và thế giới. Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có tiểu vùng Mekong cũng không nằm ...
‘Cú nổ’ chấn động lịch sử, từ bạn hóa thù giữa Mỹ và Iran

‘Cú nổ’ chấn động lịch sử, từ bạn hóa thù giữa Mỹ và Iran

Quan hệ giữa Mỹ và Iran, từng là đồng minh thân cận thời đầu Chiến tranh Lạnh, đã biến thành đối đầu kéo dài hàng thập kỷ.
Ông Donald Trump: Hành trình ‘vượt ngàn chông gai’, đeo đuổi khát vọng trở lại Nhà Trắng

Ông Donald Trump: Hành trình ‘vượt ngàn chông gai’, đeo đuổi khát vọng trở lại Nhà Trắng

Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa sẽ 'ngã ngũ' trong ngày 5/11 (giờ Mỹ).
Nhà Trắng và những điều đặc biệt về các Tổng thống Mỹ

Nhà Trắng và những điều đặc biệt về các Tổng thống Mỹ

Còn 2 ngày nữa Nhà Trắng sẽ xác định được chủ nhân mới thay thế đương kim Tổng thống Joe Biden. Đó sẽ là ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hoặc chủ cũ, ông ...
Điều đặc biệt của bầu cử Mỹ

Điều đặc biệt của bầu cử Mỹ

Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn mang nhiều yếu tố bất ngờ, kịch tính, thậm chí có khả năng thay đổi cục diện vào phút chót.
Bầu cử Mỹ 2024: Quyền lực và giới hạn của Tổng thống Mỹ

Bầu cử Mỹ 2024: Quyền lực và giới hạn của Tổng thống Mỹ

Theo Hiến pháp Mỹ, ứng cử viên Tổng thống phải nhiều hơn 35 tuổi, đã sinh sống tại Mỹ liên tục trên 14 năm, được sinh ra tại Mỹ và là công dân Mỹ.
Chuyên gia Thái Lan: Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện cách tiếp cận lấy ASEAN làm trung tâm

Chuyên gia Thái Lan: Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện cách tiếp cận lấy ASEAN làm trung tâm

Theo chuyên gia Thái Lan, chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm diễn ra khi 2 quốc gia ASEAN đang điều hướng thay đổi địa chính trị nhanh chóng.
Một Iran 'rất khác' sẽ khiến ông Trump phải đau đầu!

Một Iran 'rất khác' sẽ khiến ông Trump phải đau đầu!

Rất có thể chính sách 'gây áp lực tối đa' của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không còn tác dụng với Iran khi ở thời điểm hiện nay.
Ông Donald Trump 'tái xuất': Cục diện Nam bán cầu có đảo chiều?

Ông Donald Trump 'tái xuất': Cục diện Nam bán cầu có đảo chiều?

Sự trở lại của ông Donald Trump không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong chính trị Mỹ mà còn hứa hẹn ảnh hưởng sâu rộng đến khu vực Nam bán cầu.
'Hạt hòa bình' gieo mầm ngoại giao nông sản Mỹ-Trung

'Hạt hòa bình' gieo mầm ngoại giao nông sản Mỹ-Trung

Nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành dự án 'hạt hòa bình' nhằm thúc đẩy cân bằng thương mại nông nghiệp giữa hai nước.
Xung đột Nga-Ukraine: Đoán ý đồ người kế nhiệm, Tổng thống Biden đi thêm nước cờ 'một mũi tên trúng hai đích'

Xung đột Nga-Ukraine: Đoán ý đồ người kế nhiệm, Tổng thống Biden đi thêm nước cờ 'một mũi tên trúng hai đích'

Mặc dù sắp mãn nhiệm nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một quyết định quan trọng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
Cái 'gật đầu muộn mằn' của Tổng thống Biden với Ukraine: Thay đổi cục diện hay thêm dầu vào lửa?

Cái 'gật đầu muộn mằn' của Tổng thống Biden với Ukraine: Thay đổi cục diện hay thêm dầu vào lửa?

Tổng thống Joe Biden đã quyết định 'xé rào' vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, những 'đòn giáng' không thể tạo ra bằng lời nói.
Phiên bản di động