TIN LIÊN QUAN | |
Đàm phán biên giới Ấn – Trung: Nơi ấy bắt đầu | |
Căng thẳng Trung - Ấn và hệ lụy tới hợp tác kinh tế |
Bức màn bao phủ mối quan hệ kinh tế Ấn Độ - Trung Quốc lâu nay vẫn chưa hé lộ. Tuy nhiên, một trang mới trong hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh Trung - Ấn có thể đã được bắt đầu, sau cuộc gặp hiếm hoi giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu châu Á. Dù là cuộc gặp không chính thức, nhưng nhiều bất ngờ được dự đoán sẽ dần được hé mở, cái “bắt tay” giữa một “rồng” và một “hổ” rất có thể sớm trở thành động lực chính của nhu cầu và sản lượng toàn cầu, tạo ra những tác động to lớn đối với các mối quan hệ trong khu vực và thế giới.
“Bước đi làm tan băng”
Sự kiện Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dành 24 giờ để thăm thành phố Vũ Hán, miền Trung của Trung Quốc và tham dự các cuộc gặp không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được đánh giá là một “bước đi làm tan băng”. Bởi trước đó, căng thẳng vẫn còn leo thang trên dải đất biên giới ở khu vực cao nguyên Himalaya giữa hai nước, thậm chí, có những thời điểm còn đặt hai bên trước tình trạng đối đầu trực diện như từng xảy ra hồi mùa hè năm 2017, quanh khu vực cao nguyên Doklam.
Bối cảnh cuộc gặp cũng được cho là không hề dễ dàng, khi tại cuộc họp của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) vừa diễn ra trước đó, Ấn Độ là nước duy nhất không thể hiện sự ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành nhiều tâm huyết. Sự từ chối này cũng đồng nghĩa với việc “con đường” của Trung Quốc sẽ trở nên gập gềnh hơn. Bởi Hành lang kinh tế giữa Trung Quốc - Pakistan mà Trung Quốc muốn mở được phải đi qua khu vực Kashmir mà Ấn Độ và Pakistan đang tranh chấp.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Ấn - Trung là tín hiệu tích cực để hóa giải những vướng mắc, trước những diễn biến khó lường của tình hình quốc tế. (Nguồn: Scmp) |
Trung Quốc nhiều lần cố gắng thu hút Ấn Độ tham gia vào dự án này, nhưng trước tham vọng mà Trung Quốc đặt vào “Vành đai và Con đường”, Ấn Độ lại đang cùng với Nhật Bản khởi xướng một “con đường tơ lụa của riêng mình”, đó là Hành lang tăng trưởng châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh vào sự phát triển bền vững, hơn là chỉ tập trung vào thương mại. Trong khi đó, hồi năm 2016, khi Ấn Độ theo đuổi tư cách thành viên tại Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), cũng đã bị Trung Quốc từ chối ủng hộ.
Tuy nhiên, tại cuộc gặp lần này, cả hai nhà lãnh đạo đều tránh đề cập tới vấn đề lãnh thổ và nhất trí nên nhìn vào mối quan hệ song phương từ góc độ chiến lược và tích cực. Trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối phó với những căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ, thì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cần một đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, trước cuộc bầu cử vào năm tới. Đó là một trong những lý do mà Bắc Kinh và New Delhi chia sẻ nhiều điểm tương đồng hơn trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là về quản trị toàn cầu.
Chia sẻ về những căng thẳng thương mại thời gian qua, nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức đều cần bị loại bỏ và ủng hộ một nền kinh tế toàn cầu hóa, cởi mở, hội nhập và công bằng. Thủ tướng Ấn Độ cũng đề nghị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tiếp theo với Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2019 tại Ấn Độ.
Niềm tin mong manh
Chiếm 35% dân số toàn cầu và hơn 1/4 nền kinh tế thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ là hai trụ cột quan trọng cho tăng trưởng của nhân loại. Mối quan hệ song phương giữa hai người hàng xóm châu Á cũng được đánh giá sẽ có tác động không nhỏ tới bức tranh chung toàn cầu, khi ảnh hưởng của cả hai quốc gia này tại khu vực và trên thế giới đang ngày càng gia tăng.
Chưa biết một chương mới trong nền kinh tế thế giới có được Trung - Ấn viết lên trong giai đoạn này hay không, nhưng có vẻ, Bắc Kinh và Delhi đã quyết định thử điều đó, sau khi họ đã khám phá khá nhiều lựa chọn khác. Và nếu điều đó thành hiện thực, mối quan hệ này được cho là có thể hỗ trợ cho một trật tự thế giới mới, dựa trên toàn cầu hóa, đa phương hóa và hòa bình.
Tuy nhiên, niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia là những khái niệm rất mong manh và nhạy cảm. Trong giới nghiên cứu, không ít chuyên gia đã tỏ rõ sự băn khoăn về việc, hai người hàng xóm khổng lồ này sẽ hóa giải các vấn đề song phương vốn phức tạp và tồn tại quá dai dẳng như thế nào.
Hơn 50 năm trôi qua, kể từ chiến tranh biên giới Ấn - Trung và mặc dù, quan hệ kinh tế vẫn đang ngày càng phát triển, thì tranh chấp về đường biên giới trải dài hơn 2.000 dặm vẫn chưa bao giờ “bớt nóng”. Ngoài vấn đề biên giới, trên “Vành đai và Con đường”, nếu Ấn Độ được coi là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc, thì ở chiều ngược lại, Ấn Độ nghĩ khác. Nếu đồng ý tham gia vào dự án, cũng có nghĩa là Ấn Độ gián tiếp thừa nhận sự kiểm soát của Pakistan và cũng là từ bỏ chủ quyền đối với khu vực tranh chấp Kashmir. Đó là vấn đề không thể xảy ra.
Thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng lớn dần trong những năm gần đây, ở mức hơn 51 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2017. Trung Quốc đã cam kết giải quyết vấn đề này, đồng thời hướng tới một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Tuy nhiên, dù cho xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc năm ngoái đã tăng 39,1% lên 16,3 tỷ USD, thì vẫn còn một chặng đường rất dài, bởi Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4% xuất khẩu của Ấn Độ.
Đã có nhiều khởi đầu “không suôn sẻ” để thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ và tự tin hơn giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, hai nước không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi tình bạn vĩnh cửu và hợp tác cùng có lợi vì sự phát triển chung. Bởi vậy, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Ấn - Trung đặt trong các nỗ lực tăng cường đối thoại, là tín hiệu tích cực để hóa giải những vướng mắc, trước những diễn biến khó lường của tình hình quốc tế.
Trung - Ấn đạt nhận thức chung về hòa bình biên giới Thời báo Hoàn cầu ngày 21/10 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết , từ ngày 16-17/10, ... |
Quan hệ Trung - Ấn: An ninh bất đồng, kinh tế phát triển Ngày 17/9 vừa qua, Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 64 của mình với Chủ tịch Trung ... |
Quan hệ Trung - Ấn: Mâu thuẫn cũ, đồng thuận mới “Chuyến thăm Ấn Độ của tôi là để nói với thế giới rằng sự tin cậy chính trị Trung - Ấn đang tăng lên, hợp ... |