Nhỏ Bình thường Lớn

Pháo thủ xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập

Bài viết đăng trên báo Le Monde (Pháp)
phao thu xe tang huc do cong dinh doc lap
Bức ảnh lịch sử do phóng viên chiến trường người Pháp Françoise Demulder chụp khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Ngày 30/4/1975, vài giờ trước sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, Ngô Sỹ Nguyên cắn chặt hàm răng phía sau khẩu pháo trên chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390 tiến vào trong các khu phố hoang tàn của thành phố.

Từ khi gia nhập hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam 5 năm trước đó, ông đã trải qua cuộc sống gian khổ của anh bộ đội Bắc Việt. Ông không biết và ngạc nhiên khi thấy Sài Gòn thật hiện đại theo cảm nhận của mình. Ông kể lại 40 năm sau lúc đang nhấm nháp cốc bia Sài Gòn trong một quán cafe cách Dinh Độc lập vài chục mét, trung tâm quyền lực của miền Nam Việt Nam, nơi mà cách đây 40 năm, câu chuyện không cần dùng đến bạo lực cũng đã khiến ông trở thành một anh hùng.

Ngày hôm đó, trên chiếc xe tăng có 4 người: Ngô Sỹ Nguyên-pháo thủ, trợ lý pháo thủ, lái xe và trưởng xe. Họ không biết rõ mình sẽ đi đâu. Họ đánh chiếm Sài Gòn theo mệnh lệnh của Bùi Văn Tùng – chính trị viên của trung đoàn tăng-thiết giáp. “Anh ấy nói với chúng tôi rằng: Hãy theo bản đồ xe bus này, chạy qua 7 ngã tư, tiếp theo rẽ trái, các đồng chí sẽ tới trước cửa Dinh Độc lập”.

Đoàn tăng chạy qua các khu phố tan hoang. "Chúng tôi đến gần cây cầu ở lối vào thành phố, pháo đài cuối cùng của những người lính Sài Gòn", người lính tăng già nhớ lại.

Vào lúc 11h45, xe tăng T59 gặp một xe tăng khác cùng đơn vị T55 mang số hiệu 843. Đến trước những cánh cổng Dinh Độc lập, những biểu tượng cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn đang sụp đổ, trong khi xe tăng số hiệu 843 còn bị kẹt ở cổng phụ thì chiến sỹ lái tăng 390 của Ngô Sỹ Nguyên đã không lưỡng lự chút nào. “Chúng tôi đã lao hết tốc lực, húc tung hai cánh cổng chính. Đó là chiếc xe tăng đầu tiên vào được trong sân Dinh Độc lập”. Cựu pháo thủ xe tăng cho tôi xem tấm ảnh đen trắng  chụp ông ngồi trên xe, đầu đội mũ lính tăng. Không biết hôm đó ông có nghĩ rằng mình đã đóng góp vào dấu chấm hết của hai cuộc chiến tranh Đông Dương kéo dài 3 thập kỷ.

Ông thổ lộ với niềm kiêu hãnh: “Tinh thần cách mạng đã đưa chúng tôi vào các trận đánh mà không hề sợ hy sinh. Khi chúng tôi đâm sập cánh cổng Dinh Độc lập là lúc chúng tôi đã đến được đầu não quyền lực của kẻ thù”...

Chỉ huy nhảy ra khỏi xe tăng, tay cầm lá cờ nửa xanh, nửa đỏ có hình ngôi sao vàng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chính phủ hoạt động bí mật ở Miền Nam. Nhưng đây là những chiếc xe tăng của miền Bắc, những chiến xa của Hà Nội đã húc đổ cổng và là những chiến xa đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập.

Đến lượt mình, Ngô Sỹ Nguyên cũng nhảy ra khỏi xe, bước nhanh trên các bậc thềm của Dinh Độc lập, ngón tay đặt trên cò súng của khẩu AK. "Tôi nhìn thấy một người phụ nữ tóc nâu. Khi tôi hỏi, bà cho biết bà là người Pháp và hỏi tôi liệu bà có thể chụp ảnh được không? Tôi trả lời rằng các nhà báo đều có thể chụp các bức ảnh họ muốn”, ông kể lại. Đó là nhiếp ảnh gia Françoise Demulder và tấm hình mà Ngô Sỹ Nguyên cho chúng tôi xem, chính là ảnh do bà chụp. Bức ảnh đã đưa bà trở thành một phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng. Bà đã qua đời vào năm 2008 ở tuổi 61.

Ngô Sỹ Nguyên sau này vinh hạnh được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. “Sau khi giải phóng Sài Gòn, tôi được chuyển đến vùng biên giới với Trung Quốc năm 1979. Không lâu sau, tôi xuất ngũ với quân hàm thiếu úy”, ông kể lại.