Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ gặp khó sẽ tác động trực tiếp đến ngoại thương của Iran. (Nguồn: Orfonline) |
Đòn giáng mạnh vào Iran
Ngày 2/5, Mỹ đã không gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt cho các nhà nhập khẩu dầu mỏ của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Việc phong tỏa toàn diện lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran là điều chưa có tiền lệ trong quá khứ. Trong lịch sử, Mỹ chưa có tiền lệ phong tỏa toàn diện việc xuất khẩu dầu mỏ của một quốc gia trong tình huống không xảy ra chiến tranh.
Trước tháng 5 vừa qua, Mỹ chưa từng khiến Iran không thể xuất khẩu dầu mỏ. Một năm sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã tiếp tục áp dụng biện pháp thực dụng vừa trừng phạt vừa miễn trừ nhằm đảm bảo thị trường dầu mỏ quốc tế ổn định. Lần này, họ đã phá vỡ giới hạn đỏ, vi phạm quy tắc thông thường, đưa ra lệnh cấm khắc nghiệt toàn diện đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, điều có những tác động rất lớn đến nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này.
Ở thời điểm trước tháng 5/2019, lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran giảm xuống còn 1 triệu thùng/ngày, tương lai có thể giảm xuống vài trăm nghìn thùng. Đây sẽ là mức thấp kỷ lục kể từ khi Iran thành lập nước đến nay. Ngay cả thời kỳ chiến tranh Iran - Iraq, lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran cũng duy trì ở mức khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm trên 40% tổng nguồn thu ngân sách và hơn 80% nguồn thu ngoại tệ của Iran. Việc xuất khẩu dầu mỏ bị cắt đứt có thể đe dọa nghiêm trọng đến năng lực tài chính và ổn định dự trữ ngoại tệ của nước này.
Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ gặp khó sẽ tác động trực tiếp đến ngoại thương của Iran. Các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ đối với Iran dựa trên cơ sở quyền bá chủ tài chính của Mỹ. Mỹ yêu cầu các nước không những phải cắt giảm lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, mà còn không được chi trả Iran khoản tiền đã mua trước đó. Khoản tiền này được giữ lại trong tài khoản của nước nhập khẩu, không thể chuyển đến tài khoản của Iran để biến thành tiền thu nhập xuất khẩu của Tehran, chỉ có thể cung cấp cho Iran vật tư từ nước nhập khẩu.
Do đó, trong thời gian Mỹ vẫn trao quyền miễn trừ khi Iran xuất khẩu dầu mỏ, quan hệ thương mại giữa Iran với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã trở thành quan hệ buôn bán hàng đổi hàng trong thanh toán quốc tế từ khoản dầu mỏ bị đóng băng.
Dự trữ ngoại tệ của Iran hiện vẫn chỉ ở mức hơn 100 tỷ USD, cộng thêm quỹ phát triển quốc gia tích lũy từ thu nhập dầu mỏ trước kia khoảng 90 tỷ USD. Đây là toàn bộ tài sản của Iran. Chính quyền Obama đã bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Iran vào năm 2012, nhưng lệnh trừng phạt lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với hồi năm 2012. Có thể thấy đối với Iran, sự phá hoại của biện pháp trừng phạt dầu mỏ thậm chí còn tồi tệ hơn cả một cuộc chiến tranh thực sự.
Vũ khí trừng phạt lợi hại
Trong khoảng 30 năm từ năm 1979 đến 2000, các lệnh trừng phạt của Mỹ thực sự đã làm Iran suy yếu, nhưng chưa thể làm thay đổi chính sách của Iran thù địch với Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ nhận ra rằng việc nắm các công cụ tài chính và đồng USD có thể gia tăng đáng kể mức độ thiệt hại của lệnh trừng phạt, nói một cách giản đơn là tạo sự kìm kẹp bằng việc cấm các công ty nước ngoài sử dụng hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ nắm vai trò chủ đạo, ép buộc nước thứ ba giảm mua bán dầu mỏ và quan hệ thương mại trong các lĩnh vực thương mại quan trọng khác.
Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, khi Mỹ ngày càng độc lập hơn về năng lượng, mối lo ngại về việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran suy giảm dẫn đến cung không đủ cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới cũng tiêu tan. Mỹ đã dám hoàn toàn phong tỏa xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Và hiệu quả của việc “nâng cấp đổi hệ” vũ khí trừng phạt đã phát huy tác dụng. Một năm sau khi trừng phạt dầu mỏ của Mỹ được thúc đẩy từ năm 2012, Iran quyết định đàm phán và thay đổi chính sách nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân. Lệnh trừng phạt dầu mỏ mới kể năm 2018 đến nay thậm chí còn có khả năng đe dọa sự tồn vong của chính quyền Iran.
Tổng thống Trump cho rằng “sức ép tối đa” có thể ép buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán. Những người cứng rắn hơn như ông John Bolton kỳ vọng trừng phạt mạnh mẽ sẽ lật đổ được Chính phủ Iran. Đối với Iran, những biện pháp trừng phạt trước đây có thể chỉ khiến nước này yếu đi nhưng trừng phạt mới nhất có thể ép Tehran phải “chết”.
Trừng phạt dầu mỏ mới là mục tiêu của Tổng thống Trump. (Nguồn: GV Wire) |
Iran là nền kinh tế hạng trung, dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, đời sống người dân cũng phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, điều này khiến Iran dễ gặp khó khăn khi bị Mỹ trừng phạt năng lượng và tài chính.
Có thể nói, Chính quyền Trump đang coi Iran là hình mẫu đầu tiên, thử nghiệm toàn diện sức mạnh tối đa vũ khí năng lượng và tài chính của Mỹ. Washington cũng chĩa “khẩu súng trừng phạt” nhằm vào các nước như Nga, Triều Tiên, Venezuela...
Trừng phạt tài chính vẫn là lý do quan trọng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga từ năm 2014 đến nay luôn ở mức thấp. Triều Tiên không xuất khẩu dầu mỏ, nhưng Chính quyền Trump dường như đã nhân bản toàn bộ cách trừng phạt tài chính, năng lượng đối với Iran để áp đặt lên Triều Tiên, như phong tỏa xuất khẩu than của Triều Tiên. Kinh tế Triều Tiên lún sâu vào khó khăn, đây là bối cảnh quan trọng khiến Triều Tiên và Mỹ tìm cách làm dịu căng thẳng.
Từ khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela leo thang vào đầu năm 2019 đến nay, Mỹ liên tục đưa ra biện pháp trừng phạt, biện pháp cứng rắn nhất trong đó là trừng phạt Công ty dầu mỏ quốc gia Venezuela, đặc biệt là cấm chi nhánh của công ty này tại Mỹ đưa ngoại tệ về nước. Biện pháp này giống với biện pháp cắt đứt nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran, chỉ có điều quy mô và mức độ không lớn như với Iran.
Giới quan sát cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ dường như không có giới hạn và bất khả chiến bại, việc Iran có thể chống lại được tác động trừng phạt của Mỹ hay không, phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khả năng của châu Âu, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ ngăn chặn Mỹ trong vấn đề trừng phạt Iran.