Không rào trước đón sau như EU, Mỹ đã tiến hành trừng phạt một số quan chức của Nga với cáo buộc những người này có liên quan trực tiếp tới chuyện nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc.
Sau tuyên bố không công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, quyết định trừng phạt này là động thái cụ thể thứ hai của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện quan điểm chính sách cứng rắn đối với Nga.
Phía Nga bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ và EU trong chuyện liên quan đến ông Navalny và tuyên bố sẽ trả đũa. Đối với EU, Nga dọa sẽ ngưng trệ quan hệ ngoại giao trong khi đối với Mỹ thì chưa bộc lộ cụ thể chủ ý.
Nga tỏ ra bực bội vậy thôi chứ trong thâm tâm không quan ngại nhiều gì về tác động của những biện pháp chính sách trừng phạt mới này của Mỹ và EU. Nga sẽ trả đũa nhưng chắc chắn không vì chúng mà để đổ vỡ quan hệ với Mỹ và EU.
Những biện pháp chính sách của ông Biden trừng phạt Nga nghe to tát trên danh nghĩa nhưng thực chất lại không nhiều nhặn gì. Chúng tiếp nối cách thức Mỹ trừng phạt Nga lâu nay.
Cũng chính vì thế mà không thể không cảm nhận là ông Biden cần tác động chính trị nhiều hơn là hiệu ứng thực chất của các biện pháp chính sách trừng phạt mới, thậm chí vì muốn có được tác động chính trị này mà trừng phạt Nga cho dù chỉ hữu danh vô thực.
Tác động chính trị hay cái danh ấy hiện lại rất có ý nghĩa đối với ông Biden. Trừng phạt Nga như thế giúp ông Biden khẳng định định hướng chính sách đối với Nga là vừa hợp tác trong những chuyện có thể và cần hợp tác lại vừa kiên quyết không để cho Nga tuỳ ý tự tung tự tác trong những chuyện khác.
Ông Biden thể hiện khác biệt người tiền nhiệm trong chính sách đối với Nga lại đồng thời tranh thủ được các nước thành viên EU và NATO khi chứng tỏ cùng hội cùng thuyền trong chính sách đối với Nga.