Cá heo lưng gù Ấn Độ - Thái Bình Dương, còn gọi là cá heo trắng, cá heo hồng, đang quay trở lại vùng biển của Hong Kong (Trung Quốc). Sự “hồi sinh” của chúng được cho là nhờ đại dịch Covid-19.
Một con cá heo nhảy lên khỏi mặt nước gần đảo Lantau, Hong Kong (Trung Quốc). (Nguồn: Reuters) |
Lindsay Porter, nhà hải dương học làm việc tại Đại học St. Andrews, Scotland, cho biết số lượng cá heo lưng gù Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tăng 30% kể từ tháng 3 năm nay do các phương tiện giao thông đường thuỷ phải tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh.
Trước đây, chúng từng rời khỏi khu vực này để tránh các chuyến tàu chở khách giữa Hong Kong và Macau (Trung Quốc).
“Vùng biển này từng là một trong những con đường nhộn nhịp nhất tại Hong Kong (Trung Quốc) nhưng giờ lại trở nên rất yên tĩnh”, bà Porter nói.
Khi giao thông đường thuỷ phải tạm dừng vào tháng 3, các nhà khoa học có cơ hội nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của tiếng ồn dưới nước với hành vi của loài cá quý hiếm này.
Porter và các cộng sự thả micro xuống biển, sử dụng máy bay không người lái để theo dõi cá heo. Kết quả nghiên cứu cho thấy chúng thích nghi nhanh chóng với môi trường yên tĩnh và quần thể cá heo có thể sớm quay lại vùng biển của Hong Kong (Trung Quốc).
Loài cá heo lưng gù Ấn Độ - Thái Bình Dương được tìm thấy ở vùng biển Hong Kong (Trung Quốc) vào đầu những năm 1600 với số lượng ước tính khoảng 2.500 cá thể. Tuy nhiên, theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên thiên Hong Kong (WWF Hong Kong), số lượng loài này đã giảm đáng kể trong những năm trở lại đây.
Sự sụt giảm này có liên quan đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, giao thông đường thủy và sự phát triển ven biển.
Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) có kế hoạch xây dựng công viên đại dương, khu vực hạn chế tàu thuyền để tạo không gian sống cho cá heo. Tuy nhiên, WWF Hong Kong phản đối. Họ cho rằng biện pháp này không phù hợp vì cá heo có thể bị tàu thuyền đâm phải khi di chuyển giữa các khu bảo tồn.