Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. (Nguồn: Bloomberg) |
Lợi ích trong ngắn hạn
Ngày 9/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ cắt giảm RRR 50 điểm cơ bản đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện kể từ ngày 15/7 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
PBoC thông tin, việc cắt giảm RRR sẽ được áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%. Quyết định này có khả năng "giải phóng" 1.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng hơn 154 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn.
Sau khi được điều chỉnh giảm, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc sẽ ở mức 8,9%.
RRR thể hiện số tiền mà các ngân hàng phải giữ trong kho bạc. Việc giảm số tiền bắt buộc đó sẽ làm tăng cung tiền mà các ngân hàng có thể cho các doanh nghiệp và cá nhân vay. Đây là lần cắt giảm đầu tiên của Trung Quốc trong vòng 15 tháng.
Trong ngắn hạn, theo Ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS có trụ sở tại Thụy Sỹ, việc Trung Quốc cắt giảm lượng tiền mà các ngân hàng cần dự trữ có thể thúc đẩy tâm lý thị trường và đó có thể là tin tốt đối với cổ phiếu trong một số lĩnh vực nhất định.
Ngân hàng này nhìn nhận, động thái cắt giảm RRR có thể thúc đẩy các lĩnh vực nhạy cảm với thanh khoản, chẳng hạn như hàng không vũ trụ và quốc phòng, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông.
Hai nhà phân tích Lei Meng và Eric Lin của Ngân hàng UBS nhấn mạnh, việc cắt giảm RRR trên diện rộng này có thể thúc đẩy tâm lý thị trường trong ngắn hạn và cải thiện tính thanh khoản của thị trường chứng khoán.
Các nhà phân tích của Eurasia Group cũng khẳng định: “Quyết định cắt giảm RRR dự kiến sẽ bơm 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào nền kinh tế, là sự thừa nhận về những tác động mạnh mẽ đối với lợi nhuận doanh nghiệp, sự ổn định tài chính".
Trong khi đó, Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Mizuho cho rằng: "Động thái này tập trung vào việc điều chỉnh tín dụng - để hạn chế tín dụng cho các lĩnh vực có giá trị cao hoặc đầu cơ, đồng thời tăng cường tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nền tảng chính sách của Bắc Kinh vẫn là giảm thiểu rủi ro ổn định tài chính tích tụ".
Triển vọng kinh tế bị lung lay
Tuy nhiên, động thái này đã khiến một số nhà kinh tế cảnh giác về triển vọng kinh tế của đất nước.
Các nhà phân tích cho biết, động thái của PBoC báo hiệu rằng, nước này thừa nhận những rủi ro đối với tăng trưởng.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng 5-6% trong nửa cuối năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng trưởng quý I/2021 tăng 18,3%.
“Việc cắt giảm RRR khiến tôi cảm thấy bất an. Các ngân hàng có bị căng thẳng? Nếu trường hợp này xảy ra, điều đó có nghĩa là có thể có nhiều khoản nợ xấu hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể cần một đợt cắt giảm RRR nữa trong quý IV" - Iris Pang, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc của ING tại Hong Kong (Trung Quốc). |
Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng tại Soochow Securities nhấn mạnh: “Cửa sổ của chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc đang mở ra trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế suy yếu”.
Sự suy thoái của Trung Quốc bắt nguồn từ việc chi tiêu của người tiêu dùng yếu và do các doanh nghiệp vừa và nhỏ - khu vực sử dụng lao động lớn nhất của quốc gia này - đang phải vật lộn với chi phí nguyên liệu thô cao và sản lượng giảm.
Giá hàng hóa tăng vọt đã đẩy lạm phát tại nhà máy lên 9% trong tháng 5/2021 - mức cao nhất trong 13 năm. Lạm phát đã giảm nhẹ xuống 8,8% vào tháng 6/2021.
Nhà kinh tế Ren dự đoán: “Nền kinh tế Trung Quốc đang ở giai đoạn cuối lạm phát đình trệ và trong giai đoạn suy thoái sớm của chu kỳ kinh tế. Nửa cuối năm nay và nửa đầu năm sau sẽ là thời điểm chuyển đổi và nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại theo từng quý. Bất động sản và xuất khẩu sẽ gây ra lực cản lớn nhất cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Ông Ren cho hay, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm trong 2 tháng liên tiếp (tháng 5, 6/2021). Trong nửa cuối năm, khi nhu cầu chuyển dần từ hàng hóa lâu bền sang dịch vụ và khi năng lực sản xuất ở các quốc gia khác dần phục hồi, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tăng trưởng xuất khẩu không bền vững.
Iris Pang, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc của ING tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng nhận thấy: “Việc cắt giảm RRR khiến tôi cảm thấy bất an. Các ngân hàng có bị căng thẳng? Nếu trường hợp này xảy ra, điều đó có nghĩa là có thể có nhiều khoản nợ xấu hơn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể cần một đợt cắt giảm RRR nữa trong quý IV. Các khoản nợ xấu có thể xuất phát từ cải cách xóa nợ gần đây, nơi các ngân hàng không thể cho các nhà phát triển bất động sản vay dễ dàng như trước”.
Rủi ro trong “cuộc chơi” tiền tệ
Theo nhà phân tích Dai Zhifeng của Zhongtai Securities, việc cắt giảm RRR cho thấy, tư duy của các cơ quan quản lý tiền tệ của Trung Quốc đã thay đổi. Quốc gia này sẽ chủ động nắm lấy “cuộc chơi” giữa các cường quốc, thay vì theo bước chân của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chính sách tiền tệ của hai nền kinh tế phản ánh các ưu tiên khác nhau. Cheng Shi, nhà kinh tế trưởng của ICBC International, chi nhánh đầu tư của ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc cho rằng, áp lực ngắn hạn của Trung Quốc nằm ở việc duy trì tăng trưởng, nhưng Mỹ đang tập trung vào việc kiềm chế lạm phát.
Các chính sách khác nhau giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến lãi suất và tỷ giá hối đoái khác nhau, ví dụ, sẽ gây ra các dòng vốn nóng ngoài ý muốn.
Khi lãi suất ở Trung Quốc giảm, dòng vốn có thể chảy ra vào Mỹ hoặc các quốc gia khác, nơi các nhà đầu tư có thể tìm thấy lợi nhuận tương đối cao hơn.
Sheng Songcheng, cựu trưởng phòng thống kê của PBoC cũng chia sẻ: “Trung Quốc phải cảnh giác với tác động lan tỏa của việc thay đổi chính sách tiền tệ của Fed.
Việc Mỹ cắt giảm lãi suất sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất với Trung Quốc và đảo ngược dòng vốn. Khi dòng tiền nóng chảy ra khỏi Trung Quốc, tỷ giá đồng Nhân dân tệ sẽ phải đối mặt với áp lực mất giá”.
Ông Sheng cho biết, nửa cuối năm nay sẽ là giai đoạn quan trọng để Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ - không chỉ để giảm RRR hơn nữa, mà còn cắt giảm lãi suất.
Hiện chênh lệch lãi suất song phương vẫn còn tương đối lớn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức cao nhất vào cuối tháng 3 là 1,74% xuống 1,37%, so với 3% của trái phiếu chính phủ Trung Quốc.
Cựu trưởng phòng thống kê của PBoC nói thêm, Trung Quốc phải tiếp tục nỗ lực để duy trì tăng trưởng kinh tế, khi đã qua giai đoạn phục hồi.
Ông Sheng nói: “Các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong nước đang gặp khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào quá cao. Do sự đồng nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sự cạnh tranh gay gắt, giá cả không thể được truyền cho người tiêu dùng… triển vọng tiêu dùng trong nửa cuối năm vẫn còn bi quan”.