📞

Trung Quốc dồn dập tập trận ở Biển Đông: Chủ đích và thông điệp đáng quan ngại

Vy Anh 20:43 | 24/05/2022
Trung Quốc tổ chức tập trận ở Biển Đông trùng với thời điểm chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. (Nguồn: CHINAMIL)

Tờ SCMP dẫn thông báo từ cơ quan quản lý an toàn hàng hải tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho hay, quân đội nước này đang tập trận ở Biển Đông từ ngày 19-23/5. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc nhiều lần công bố các cuộc tập trận tại khu vực này.

Động thái của Bắc Kinh được cho là nhằm gửi nhiều thông điệp đồng thời gây căng thẳng khi Biển Đông được dự báo là một phần trong chương trình nghị sự của ông Biden trong chuyến công du.

Cơ quan Hải sự Hải Nam đã thông báo cấm máy bay và tàu thuyền đi vào khu vực tập trận tại Biển Đông, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Theo hãng tin AP, Trung Quốc cũng liên tục tổ chức nhiều hoạt động quân sự trong khu vực trước thềm chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Mỹ.

Truyền thông Trung Quốc hôm 18/5 đưa tin 2 máy bay ném bom H-6 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân tầm xa đã bay qua khu vực tập trận.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đầu tháng 5, tàu sân bay Liêu Ninh cũng tiến hành ”một đợt tập huấn thông thường” để cải thiện năng lực.

Về phía Mỹ, cùng lúc với chuyến công du của Tổng thống Biden, tàu sân bay USS Ronald Reagan và đội tàu tấn công đã rời cảng Yokosuka (Nhật Bản) ngày 20/5 để tiến hành ”một đợt tuần tra thường kỳ”.

Hải quân Mỹ cho biết, các chiến hạm và đội chiến đấu cơ của tàu sân bay "sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác, cổ vũ cho việc tôn trọng trật tự thế giới dựa trên luật pháp, cũng như duy trì sự hiện diện và khả năng phản ứng linh hoạt”.

Hãng tin AFP ngày 21/5 cho biết Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc sau khi phát hiện những gì mà Tokyo cho rằng Bắc Kinh đang phát triển các mỏ khí đốt trong những vùng biển có tranh chấp với Nhật ở Biển Hoa Đông.

"Thật đáng tiếc khi phía Trung Quốc đang đơn phương tiến hành các hoạt động phát triển trong các vùng biển này. Ranh giới giữa các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vẫn chưa được xác định tại Biển Hoa Đông", Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói thêm.

Theo trang mạng express.co.uk, Bắc Kinh đã làm dấy lên quan ngại từ giới phân tích khi tìm mọi cách để tự vệ trước những đòn trừng phạt tiềm tàng của phương Tây.