Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị gặp Tổng thống Nga Putin nhân chuyến thăm Moscow ngày 22/2. (Nguồn: DW) |
Phục hồi quan hệ với EU nhưng lại tạo "bài toán khó" với Nga
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã một năm, ngoài việc tích cực tương tác với các nước châu Âu, Trung Quốc tăng cường quan hệ với Nga. Theo phân tích của các chuyên gia, xung đột Nga-Ukraine giúp Mỹ và châu Âu đoàn kết hơn, đồng thời cũng làm cho các nước Liên minh châu Âu (EU) đề cao cảnh giác với Trung Quốc. Trong thời gian tới, nếu EU cho rằng Trung Quốc thực sự viện trợ quân sự cho Nga, thì khối này sẽ chính thức coi Trung Quốc là một mối đe dọa về an ninh.
Xung đột Nga-Ukraine khiến Mỹ và các nước đồng minh châu Âu nhanh chóng xích lại gần nhau. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn từng bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích do vai trò mờ nhạt cũng trở nên tích cực trong một năm qua, đồng thời phát huy vai trò quan trọng trong việc viện trợ cho Ukraine.
Sau khi kết thúc Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bắc Kinh cho thấy tích cực hơn trong việc phục hồi quan hệ với các nước EU.
Với chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được mời đến thăm Bắc Kinh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trước mốc thời gian tròn một năm diễn ra xung đột Nga-Ukraine, từ giữa tháng 2, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại trung ương ĐCSTQ Vương Nghị đã lần lượt thăm Pháp, Italy, Hungary và tham dự Hôi nghị An ninh Munich (tại Đức) để nói rõ lập trường của Trung Quốc về cuộc xung đột Nga-Ukraine với các nước châu Âu.
Mặt khác, sau khi kết thúc chuyến thăm châu Âu, ông Vương Nghị đã ngay lập tức đến Moscow, nhấn mạnh với Tổng thống Nga Putin rằng quan hệ Trung-Nga “vững như bàn thạch” và không chịu ảnh hưởng từ sức ép của bên thứ ba.
Đối với vấn đề này, tờ The New York Times có bài phân tích nhận định rằng Trung Quốc tìm cách phục hồi quan hệ với các nước châu Âu, nhưng lại đối diện với “bài toán khó là Nga”.
Trong thời gian này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đều lên tiếng cảnh báo có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cung cấp viện trợ quân sự cho Nga. Điều này đã thu hút sự quan tâm của Pháp và Đức.
Từ lợi ích riêng đến lợi ích chung
Đúng ngày đánh dấu mốc xung đột Nga-Ukraine tròn 1 năm - ngày 24/2, Bắc Kinh đưa ra lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine và đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình đối với cuộc xung đột này tại Hội nghị An ninh Munich.
Trong một bài bình luận vừa qua, tờ DW của Đức bình luận rằng Bắc Kinh nhận thức rõ hiện trạng của cuộc xung đột ở Ukraine. Hiện tại, Ukraine và Nga đều cho rằng tình hình hiện nay cách quá xa mục tiêu chính trị của mình và không có bất cứ cơ sở nào để tin tưởng lẫn nhau. Sau một năm xung đột, hai bên phải trả một cái giá rất đắt và mỗi bên vẫn cho rằng mình có thể đánh bại bên kia và đạt được mục đích.
Nga đang chuẩn bị cho cuộc tấn công quy mô lớn và Ukraine thì chuẩn bị cho cuộc phản công quy mô lớn. Nói cách khác, giờ chưa phải là thời điểm cho các cuộc đàm phán hòa bình. Vậy tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn muốn đưa ra đề xuất trung gian đàm phán hòa bình?
Rất có thể Bắc Kinh đang cố gắng tìm một vùng đệm ở châu Âu, tìm kiếm sự ủng hộ từ châu Âu trong bối cảnh Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại đây. Bên cạnh đó, xét về khía cạnh kinh tế, Bắc Kinh thực sự không muốn cuộc xung đột này tiếp diễn, bởi nó không tốt cho nền kinh tế Trung Quốc về lâu dài.
Trong chuyến thăm châu Âu, ông Vương Nghị nhiều lần bày tỏ Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng hợp tác và nhấn mạnh rằng Trung Quốc cùng châu Âu là đối tác, không phải đối thủ và có nhiều cơ hội.
Giáo sư Chen Xulong tại Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh quốc tế ở Bắc Kinh nhận định Trung Quốc có thể không nhất trí hoàn toàn với một số quan điểm của EU về vấn đề Ukraine nhưng cũng không muốn xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-EU.
Giải pháp chính trị 12 điểm Trung Quốc nêu rõ các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế đã được công nhận; kêu gọi các bên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và cùng có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững hướng tới một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, cũng như hòa bình và ổn định trên lục địa Á-Âu.
Bắc Kinh hối thúc các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình, cũng như kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng, ngăn chặn cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, Trung Quốc đề xuất tất cả các bên liên quan nên ủng hộ Nga và Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.