📞

Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ: Đòn hiểm bất đắc dĩ

Dịch Dung 11:50 | 07/08/2019
TGVN. Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) là cú đòn hiểm nhằm đối phó xung khắc thương mại với Mỹ. Tuy lúc này là công hiệu, nhưng có nhiều hạn chế, gây hệ lụy khiến nước khác bị vạ lây. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Trung Quốc đã chần chừ khá lâu và phải “tung chưởng” này ra khi sự lựa chọn đối sách không còn được phong phú như trước nữa. Biếm họa của Korea Times (Hàn Quốc)

Quyết liệt chưa từng thấy

Vụ việc đáng chú ý ở phương diện so sánh. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, từ trước khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công ở nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc không can thiệp để giữ giá đồng NDT mà để cho đồng bản tệ xuống giá. Lần đầu tiên từ năm 1994, tức là sau một phần tư thế kỷ, mới có tổng thống Mỹ coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc như thế nhưng mãi đến vừa rồi mới chính thức hoá sự cáo buộc này thành quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ.

Vụ việc đáng chú ý ở thời điểm. Trong suốt 11 năm qua, Trung Quốc luôn chủ động can thiệp để đồng NDT không mất giá, thậm chí còn phải dùng cả biện pháp bán bớt dự trữ ngoại hối để duy trì tỷ giá hối đoái ổn định cho đồng bản tệ. Trung Quốc buông bỏ chính sách này vào thời điểm mối bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang mức độ quyết liệt chưa từng thấy.

Ông Trump tỏ ra quyết tâm gia tăng áp lực đối với Trung Quốc để dồn ép Trung Quốc đến chỗ buộc phải đáp ứng những yêu cầu của Mỹ. Vòng đàm phán thứ 12 vừa qua giữa hai bên kết thúc mà không đưa lại thoả thuận nào nhưng hai bên đã thoả thuận tiếp tục đàm phán thương mại trong tháng 9 tới. Vậy mà ông Trump vẫn quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại 10% đối với thêm 300 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 1/9 này. Trung Quốc buộc phải có biện pháp chính sách đáp trả Mỹ bởi chỉ như thế mới giữ được thể diện và không để phía Mỹ tiến tục lấn tới, tiếp tục gò ép Trung Quốc.

Con dao hai lưỡi

Phá giá đồng bản tệ luôn được coi là biện pháp chính sách đặc biệt trong kinh tế đối ngoại. Nó như con dao hai lưỡi vì sẽ rất đắc dụng nếu được sử dụng đúng lúc và đúng mức, nhưng nếu quá mức về thời gian và mức độ thì lại phản tác dụng hay lợi bất cập hại vì giúp giải quyết được vấn đề này sẽ gây ra vấn đề tai hại khác.

Đồng tiền yếu giúp thúc đẩy xuất khẩu thông qua tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng hoá. Nó phục vụ đắc lực cho mô hình cơ cấu kinh tế cũng như tăng trưởng kinh tế định hướng vào xuất khẩu. Nhưng đồng tiền yếu tiềm ẩn nguy cơ dòng vốn đầu tư "chạy trốn" ra nước ngoài và nguy cơ lạm phát. Bởi thế, phá giá đồng bản tệ không thể là biện pháp chính sách công hiệu lâu dài và biện pháp chính sách này chỉ có thể đắc dụng khi được áp dụng vào đúng thời điểm, với đúng mức độ và trong khoảng thời gian thích hợp nhất định.

Từ đó có thể thấy, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT tuy là cú đòn hiểm trong gói những biện pháp chính sách của Trung Quốc đáp trả Mỹ ở lần xung khắc thương mại này nhưng cũng lại rất bất đắc dĩ đối với Trung Quốc. Trung Quốc không thể cứ tiếp tục phá giá đồng tiền mãi được và duy trì đồng tiền yếu trong thời gian dài.

Nhưng hiện tại thì đòn này lại cần thiết và công hiệu đối với Trung Quốc. Vì những lý do sau đây.

“Lấy cương chế cương”

Thứ nhất, Trung Quốc dư thừa rất lớn, tức xuất siêu rất lớn, trong trao đổi thương mại với Mỹ, nên không thể ngang bằng được với Mỹ trong việc sử dụng thuế quan bảo hộ mậu dịch để chơi nhau. Ông Trump nhằm vào lượng thì Trung Quốc phải đáp trả bằng chất và tổng gộp nhiều biện pháp đối phó khác nhau để tạo nên hiệu ứng cộng hưởng. Phá giá đồng bản tệ là vì thế. Ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ cũng vì thế. Trung Quốc đã chần chừ khá lâu và phải “tung chưởng” này ra khi sự lựa chọn đối sách không còn được phong phú như trước nữa.

Thứ hai, vì ông Trump cứ lấn tới như thế và chắc chắn sẽ còn tiếp tục như thế nên phía Trung Quốc giờ hẳn phải quyết liệt hơn với chủ trương "lấy cương chế cương" và cho rằng, chỉ khi nào làm cho cá nhân ông Trump thấm đòn thì người này mới ngừng lại.

Thứ ba, chuyện Trung Quốc phá giá đồng NDT nhạy cảm hơn hết đối với ông Trump và Trung Quốc chơi cú đòn này làm cho ông Trump đau và hận hơn cả. Người này suốt thời gian qua mạnh lời cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Trung Quốc biết vậy mà vẫn phá giá đồng bản tệ. Như thế đâu có khác gì “vuốt mặt không nể mũi” đối với ông Trump, nhằm thẳng vào thể diện và uy danh của ông Trump, biến xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc thành cả xung khắc trực tiếp giữa Trung Quốc và cá nhân ông Trump.

Nguy cơ bị vạ lây

Trong những ngày tới, xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn gia tăng mức độ quyết liệt. Nhưng một khi Trung Quốc đã dùng đến độc chiêu không liên quan trực tiếp gì đến thương mại thì cũng là lúc bắt đầu thời kỳ hai bên đi vào giảm căng thẳng và đối đầu. Cả hai đều chờ dịp hoặc cớ thích hợp để cùng cài số lùi mà vừa giữ được thể diện vừa không bị coi là thất thế hay yếu thế so với nhau. Mọi giải pháp bất đắc dĩ đều không thể lâu bền.

Trung Quốc phá giá đồng NDT đương nhiên còn ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực nhiều hơn là tích cực tới tất cả các nền kinh tế có quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư với Trung Quốc, đặt các nền kinh tế này trước biến động và triển vọng khác của quan hệ hợp tác của họ với Trung Quốc. Họ buộc phải có điều chỉnh chính sách để ứng phó. Từ nay, họ còn phải phòng ngừa chu toàn hơn cho nguy cơ bị vạ lây bởi bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dịch Dung