Tượng đất nung được khai quật tại lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Trung Quốc. (Nguồn: China Daily) |
Các tượng binh sĩ vẫn còn ở trạng thái tương đối tốt và đã được chuyển đến phòng phục dựng để phục vụ nghiên cứu khảo cổ.
Phát hiện mới này được cho là có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu về đội quân đất nung ở quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Tần Thủy Hoàng là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi thu phục 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc.
Cách đây hơn 2.000 năm, để chuẩn bị trước cho cuộc sống ở thế giới bên kia, vị hoàng đế này đã cho xây dựng lăng mộ hoành tráng của mình trong vòng 38 năm với sự tham gia của 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề.
Lăng mộ được ví như cung điện dưới lòng đất ở phía Bắc núi Ly Sơn thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Lăng mộ được phát hiện lần đầu vào năm 1974 khi người nông dân địa phương đào mương thoát nước ở bức tường phía Đông lăng mộ, họ đã tìm thấy tượng binh mã bằng đất nung.
Kể từ đó đến nay, giới khảo cổ đã phát hiện khoảng 2.000 tượng binh sĩ đất nung gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Họ tin rằng, đây là một phần trong đội quân đất nung gồm 8.000 tượng binh sĩ cùng với ngựa chiến, vũ khí để bảo vệ cho cuộc sống của Tần đế ở bên kia thế giới.
Đội quân đất nung được đặt ở 3 hố khác nhau cách lăng mộ khoảng 1,6 km. Đội quân này được cho là lấy nguyên mẫu từ binh sĩ thật của nhà Tần, do vậy mỗi tượng có một dáng vẻ khác nhau.