Cuộc va chạm giữa tàu của Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông ngày 17/6. (Nguồn: AP) |
Kiềm chế tối đa hay vạch lằn ranh đỏ
Tờ The Straits Times ngày 10/7 đăng bài viết của hai nhà báo chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Biển Đông Yew Lun Tian và Mara Cepeda phân tích về những hệ quả sau vụ đụng độ giữa hải cảnh Trung Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trên Biển Đông. TG&VN lược dịch lại bài phân tích.
Khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc đụng độ với binh sĩ Philippines ở Biển Đông vào ngày 17/6, căng thẳng giữa hai bên đã leo thang đỉnh điểm. Tuy nhiên, tình hình dịu xuống kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ra lệnh cho quân đội "kiềm chế tối đa" ở Biển Đông.
Tin liên quan |
Philippines trình văn bản liên quan Biển Đông 'nghiền ngẫm' trong 15 năm lên Liên hợp quốc |
Theo giới phân tích địa chính trị và ngoại giao, Mỹ có thể đã “khuyên" Philippines giảm căng thẳng. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên nhận định rằng Mỹ đã theo dõi chặt chẽ sự cố hôm 17/6 và "khuyên" Philippines nên hạ nhiệt.
Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines ngày 17/6 đã đẩy căng thẳng hai bên trên Biển Đông gần hơn với kịch bản “lằn ranh đỏ” mà ông Marcos Jr. đã nêu ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 31/5, theo đó “nếu một người Philippines bị thiệt mạng do phía Trung Quốc gây ra, Philippines sẽ coi đó là một hành động gây chiến”.
Sau đó, ông Marcos Jr. nói thêm rằng Mỹ - đồng minh hiệp ước của Philippines - sẽ cân nhắc việc kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) năm 1951 nếu tàu thuyền của nước này bị tấn công vũ trang trên Biển Đông.
Giải thích lý do tại sao Tổng thống Philippines có thể đưa ra tuyên bố như vậy, Tiến sĩ Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho biết: "So với những người tiền nhiệm, ông Marcos Jr. thực sự đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi cho lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc ở Biển Đông từ công chúng, quốc hội, quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển. Đây là điều chưa từng có".
Tiến sĩ Aries Arugay, nghiên cứu viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) bình luận thêm rằng việc Mỹ tuyên bố công khai ủng hộ Manila cũng là nhằm gửi tín hiệu trấn an đến tất cả các đồng minh quốc phòng của mình, bao gồm cả Nhật Bản và Australia.
Mặc dù Washington đã tái khẳng định mạnh mẽ cam kết hỗ trợ Manila khi cần thiết, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tàu chiến Mỹ xuất hiện khi Trung Quốc và Philippines đụng độ trên biển.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên nhận định Philippines đã quá liều lĩnh khi đặt niềm tin vào MDT. Thực tế, Washington đang bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng khác ở Ukraine và Gaza.
Ông Jonathan Malaya, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines vừa qua có nhận định: "Mỹ đang tham gia toàn diện vào 2 cuộc xung đột trên nên không có lợi cho họ khi có cuộc xung đột thứ 3 ở Biển Đông trong bối cảnh bầu cử Mỹ đang đến rất gần".
Thực địa và bàn đàm phán
Philippines và Trung Quốc đã nhất trí hạ nhiệt căng thẳng tại vòng họp thứ 9 của “Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông” ngày 2/7 vừa qua.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, Tướng Romeo Brawner Jr., Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines vẫn giữ giọng điệu cứng rắn khi khẳng định với các phóng viên rằng ông ủng hộ phát biểu về “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Marcos Jr. tại Đối thoại Shangri-La.
Ông Brawner Jr. nhấn mạnh: "Nếu ai đó tấn công, chúng tôi sẽ sử dụng lực lượng tương ứng để tự vệ".
Trung Quốc cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ dừng lại. Manila đưa tin, một tàu hải cảnh Trung Quốc dài 165m, được mệnh danh là "quái vật", đã xâm nhập EEZ của Philippines ở Biển Đông ngày 2/7.
Thiếu tướng Jay Tarriela, người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho rằng tàu này có mặt để "đe dọa" Philippines.
Kể từ cuộc họp đầu tiên vào năm 2017, Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông đã trở thành kênh thường xuyên để hai bên giải quyết các tranh chấp trên biển.
Các cuộc gặp diễn ra thông suốt cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát, và kể từ chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào tháng 1/2023, hai bên chưa nối lại các chuyến thăm viếng song phương cấp cao.
Năm ngoái, hai nước đã tổ chức một cuộc họp về cơ chế tham vấn chỉ 1 tháng sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cáo buộc tuần duyên Trung Quốc đã chiếu tia laser cấp quân sự khiến một số thành viên thủy thủ đoàn của lực lượng này bị mù tạm thời. Trong những tháng tiếp theo, xung đột và va chạm thường xuyên diễn ra giữa hai nước tại Biển Đông.
| Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 11-15/6, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí ... |
| Philippines trình văn bản liên quan Biển Đông 'nghiền ngẫm' trong 15 năm lên Liên hợp quốc Theo Manila, bản đăng ký mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông lập luận quyền theo UNCLOS 1982. |
| Vùng 5 Hải quân: Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 10 năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã điều động 9. 282 lượt cán bộ, chiến sĩ, 145 lượt phương tiện tham ... |
| Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết PCA 2016, UNCLOS 1982, ngừng hành vi nguy hiểm tại Biển Đông Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 quyết định rằng theo UNCLOS, các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển ... |
| Đại sứ Pháp tại Philippines: Phán quyết PCA 2016 về Biển Đông là tiền lệ quan trọng cho sự ổn định trong khu vực Ngày 12/7, Đại sứ Pháp tại Philippines Marie Fontanel đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ... |