📞
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc:

Trung Quốc và những năm tháng ngoại giao trong tôi

Phương Hà 14:00 | 29/10/2022
Với ông Bùi Trọng Vân đất nước Trung Hoa là nơi ông có vô vàn kỷ niệm khó quên.
Ông Bùi Trọng Vân đón đoàn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Quảng Châu nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc, tháng 8/2006. (Ảnh: NVCC)

Được biết, tuổi thanh xuân và cái duyên với nghề ngoại giao của ông gắn liền với Trung Quốc?

Đầu năm 1974, tôi và ba người khác được Bộ Ngoại giao cử đi học tại Bắc Kinh cùng đoàn của Bộ Ngoại thương theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ. Cũng vì cái duyên ấy mà cuộc đời ngoại giao của tôi sau này có nhiều kỷ niệm với đất nước này.

Thời gian đó, đất nước ta còn trong chiến tranh, được ra nước ngoài học tập là một may mắn lớn, không chỉ được học mà còn có cơ hội tiếp cận với thế giới, khám phá đất nước Trung Quốc - nước láng giềng lớn nhất của Việt Nam, có nền văn hoá và văn minh lâu đời, với những phát minh khoa học quan trọng đóng góp lớn cho nhân loại.

Trong bốn năm học tại Đại học Bắc Kinh, chúng tôi được học tiếng Trung Quốc, nghiệp vụ ngoại thương và tiếp xúc, giao lưu với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân, nông dân và người dân Trung Quốc ở một số vùng miền thông qua các chương trình dã ngoại, tham quan, đặc biệt là chương trình lao động thực tế “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động) với công nhân và nông dân.

Nhớ lại, vào một dịp nghỉ Đông, Trường tổ chức cho chúng tôi xuống vùng ShaShiYu, nổi tiếng là vùng nghèo của tỉnh Hà Bắc, ăn ở trong nhà dân, cùng họ hằng ngày gánh đất từ dưới chân đồi lên lưng chừng núi để tạo ruộng trồng tiểu mạch. Trời rét, phải mặc quần áo bông rất dày giống như quần áo của nhà du hành vũ trụ. Bánh bao với cà là thầu và canh trứng là bữa cơm thường lệ, đêm đêm ngủ trên tấm phản mà dưới đó đã được chủ nhà đốt củi làm nóng từ chiều. Thật giản dị nhưng ấm tình người khiến chúng tôi rất xúc động.

Tôi cũng khó có thể quên một dịp nghỉ hè xuống nhà máy và “ba cùng” với công nhân Trung Quốc, giúp chúng tôi hiểu về công việc vất vả, cuộc sống khó khăn của họ, từ đó toát lên tinh thần lao động cần cù, chịu khó - đức tính tương đồng với người dân Việt Nam. Tất cả trải nghiệm đó đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm và tình cảm tốt đẹp chẳng thể phai mờ!

Những câu chuyện khó quên trong công tác ngoại giao tại Trung Quốc thì sao, thưa ông?

Với tôi, gần 40 năm trong nghề ngoại giao, cứ mỗi một thập kỷ (1970, 1980,1990 và 2000) tôi có gần bốn năm sinh sống và làm việc trên đất Trung Quốc, được tận mắt chứng kiến những sự kiện trọng đại diễn ra ở Trung Quốc cũng như trực tiếp cảm nhận những sự thay đổi lớn lao, sự phát triển, tiến bộ diễn ra không ngừng trên đất nước 1,4 tỷ dân này.

Đặc biệt, đối với một người làm nghề ngoại giao, tôi được chứng kiến, trải nghiệm về quá trình phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong mấy chục năm qua. Dù quan hệ có thời kỳ căng thẳng khó khăn hay đi vào giai đoạn thuận lợi, hữu nghị, nhiệm vụ và công việc của nhà ngoại giao đều rất vất vả, phức tạp và nhiều thách thức. Đối với tôi, được trực tiếp tham gia vào quá trình đó là niềm vinh dự, ít nhiều cũng có chút đóng góp và cảm thấy vui khi thấy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đến nay vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Điều gây ấn tượng sâu sắc và xúc động khó quên đối với tôi là những câu chuyện về tình cảm của nhiều người dân Trung Quốc đối với Bác Hồ. Khi làm Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu cuối những năm 1990, tôi được gặp một người ở Quảng Châu, tên là Thiều Vinh Lễ, ông là đầu bếp nổi tiếng, được chọn đến nấu cơm cho Bác Hồ mỗi khi Người sang thăm và nghỉ ở Quảng Châu (thậm chí cả ở Bắc Kinh).

Khi tôi gặp ông, chia sẻ lại những câu chuyện về Bác Hồ, ông ấy đã khóc và bày tỏ tình cảm yêu quý và kính trọng Bác, khiến tôi rất bất ngờ. Theo nguyện vọng của ông, tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Tình, là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh lúc đó, thu xếp mời ông và con gái sang thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Bác.

Đặc biệt, ông ấy còn tự mua một số nguyên liệu quý từ Trung Quốc mang theo để tổ chức lớp dạy nấu các món ăn ngon của Trung Quốc cho một số đầu bếp ở Hà Nội.

Trong thời gian công tác, tôi cũng thu xếp cho đoàn của Đài Truyền hình Việt Nam sang làm phim tìm lại “dấu chân Bác ở Quảng Châu và Liễu Châu, Quảng Tây”, gặp gỡ rất nhiều người từng có tiếp xúc, phục vụ Bác hoặc từng sang giúp Việt Nam trong chiến tranh. Họ đều bày tỏ tình cảm sâu đậm và rất kính trọng Bác. Người là Lãnh tụ của nhân dân Việt Nam nhưng cũng rất gần gũi với người dân Trung Quốc. Từ đó có thể thấy Bác Hồ của chúng ta có vai trò vô cùng quan trọng đối với mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Hai nước có nhiều tương đồng văn hóa. Điều đó có ý nghĩa thế nào?

Văn hóa trong ngoại giao có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong quan hệ quốc tế, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau là nền tảng để thiết lập và duy trì quan hệ, thúc đẩy giao lưu hợp tác.

Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử giao lưu hợp tác hữu nghị lâu đời. Hai nước tương đồng về văn hoá phương Đông, văn hoá lúa nước, nhiều phong tục tập quán hình thành trong lịch sử rất giống nhau. Chính điều này đã giúp nhân dân hai nước hiểu nhau hơn.

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay đã và đang tạo ra nhiều thay đổi cũng như thách thức mới trong cuộc sống. Song tôi tin rằng, việc tăng cường các hoạt động giao lưu văn hoá, cả truyền thống và hiện đại sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau.

Khi công tác ở Trung Quốc, tôi cũng như các đồng nghiệp đã luôn coi trọng công tác quảng bá về du lịch, triển lãm giới thiệu thành tựu phát triển của Việt Nam, về đất nước, con người cũng như về văn hoá, ẩm thực và tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đặc biệt là về Bác Hồ để nhân dân Trung Quốc hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Ông kỳ vọng như thế nào về chuyến thăm này?

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy phía Việt Nam luôn rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Hy vọng chuyến thăm cấp cao rất quan trọng này sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước trong những năm tới đây tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả thiết thực, đóng góp vào duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển của khu vực và thế giới.

(thực hiện)