Trọng tâm trong công tác của Trung tâm là hướng dẫn cho phóng viên nước ngoài hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam. |
Sau năm 1975, đất nước tuy đã thống nhất nhưng còn phải đương đầu với biết bao thử thách. Việt Nam tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận báo chí quốc tế.
Trước tình hình trên, tham khảo kinh nghiệm của một số nước, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Trung tâm báo chí nước ngoài (TT) trên cơ sở một số nhiệm vụ của Tổ phóng viên - Vụ Thông tin Báo chí nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, đồng thời hợp lý hóa việc quản lý các phóng viên nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Vạn sự khởi đầu nan...
Trong ký ức những thành viên tại TT từ những ngày đầu thành lập, đó là một giai đoạn rất khó khăn. Kinh phí hoạt động của cán bộ phiên dịch, hướng dẫn cho phóng viên nước ngoài vẫn do ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ. Việc chậm đổi mới hệ thống quản lý và sự bất cập của các quy định về hoạt động của phóng viên nước ngoài tại Việt Nam đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Tâm lý dè dặt trong tiếp xúc với phóng viên phương Tây và sự phối hợp, tạo điều kiện hoạt động của các địa phương còn hạn chế. Ngoài ra còn là sự hiểm nguy đến tính mạng của các cán bộ TT khi đi tác nghiệp cùng với phóng viên nước ngoài tại các địa bàn có nhiều bom, mìn và chất độc hóa học chưa được xử lý sau chiến tranh…
Sang đến thập kỷ đầu tiên của thời kỳ Đổi mới (giai đoạn 1991-2001), việc ta cho phép hơn 40 cơ quan báo chí nước ngoài được mở Văn phòng thường trú tại Việt Nam làm cho khối lượng công việc của TT thêm nặng nề bên cạnh việc trợ giúp trung bình gần 1.000 phóng viên vào công tác ngắn hạn hoặc tháp tùng các đoàn lãnh đạo cấp cao.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những khó khăn trong hàng chục năm ấy của TT đã trở thành môi trường rèn luyện cho nhiều cán bộ có năng lực của Bộ Ngoại giao sau này.
Theo ông Lương Thanh Nghị (hiện là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao) từng có 20 năm gắn bó với TT, “Việc tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam đã rèn luyện tư duy, tác phong nhạy bén của người làm công tác báo chí đối ngoại. Bên cạnh đó, những chuyến đi cùng phóng viên nước ngoài là cơ hội tuyệt vời để các cán bộ ngoại giao trẻ tích lũy những kiến thức sâu rộng về chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước mình. Mặt khác, quá trình này cũng giúp các cán bộ của TT hiểu rõ những vấn đề mà báo chí nước ngoài quan tâm đối với Việt Nam và đây là kinh nghiệm vô cùng quý đối với không chỉ những người làm công tác quản lý báo chí đối ngoại mà còn với các cán bộ ngoại giao nói chung”.
Ông Trần Huy Công, trợ lý chuyên trách - đại diện cho Hãng tin truyền hình Nhật Bản NDN tại TT chia sẻ: “Các phóng viên nước ngoài không thể hoạt động hiệu quả tại Việt Nam nếu không có trợ lý người bản địa. Ngược lại, để phát huy vai trò này, các trợ lý chuyên trách cho báo chí nước ngoài phải luôn nỗ lực vì hiệu quả chung của đối tác để vun đắp sự tin cậy cũng như hài lòng của báo chí nước ngoài khi tác nghiệp tại Việt Nam, nhằm hướng tới hiệu quả chung của công tác truyền thông đối ngoại của đất nước”.
Cầu nối hữu hiệu
Trải qua nhiều lần điều chỉnh mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức, TT đã không ngừng phát triển, đóng góp tích cực cho công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao nói riêng và của đất nước nói chung, trở thành cầu nối hữu hiệu giữa phóng viên nước ngoài với các cơ quan, ban ngành, địa phương ở Việt Nam.
Ông Phạm Mạnh Hải, Giám đốc TT cho biết: “Trong 30 năm qua, TT đã chủ động xây dựng mạng lưới quan hệ, cộng tác với hàng trăm hãng thông tấn báo chí, truyền hình trên thế giới. Hàng chục nghìn bài viết, phóng sự phát thanh, truyền hình về các đề tài phản ánh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, các thành tựu mọi mặt của đời sống xã hội, phát triển kinh tế và những nét đặc sắc của Việt Nam, đã được thực hiện. Với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, có trình độ cả về chuyên môn và ngoại ngữ, TT đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho phóng viên nước ngoài với khoảng 1.000 lượt phóng viên vào tác nghiệp mỗi năm (gấp 10 lần so với năm 1995)”.
Với nhiệm vụ và quyền hạn ngày càng được mở rộng so với trước đây, TT đã tích cực triển khai nhiệm vụ chính trị, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông nước ngoài và một số doanh nghiệp trong nước thực hiện các chuyên san giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh và các chương trình quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam tại một số địa bàn trọng điểm. Năm 2009, Trung tâm đã xây dựng trang web www.presscenter.org.vn với nhiều chuyên mục và nội dung hữu ích cho báo chí nước ngoài. Trong thời gian tới, TT sẽ trở thành địa chỉ tập hợp các tác phẩm báo chí mà phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam nhằm tạo nên một bức tranh toàn cảnh về Việt Nam phát triển qua lăng kính báo chí quốc tế.
Nhờ những thành tích đóng góp vào công tác tuyên truyền đối ngoại, tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm vinh dự được Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao.
Ngoài nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức và hướng dẫn hoạt động cho phóng viên nước ngoài hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam, TT còn được giao thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ khác như: - Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí truyền thông trong nước và nước ngoài thực hiện các chương trình, hoạt động thông tin đối ngoại, giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. - Phối hợp cung cấp thông tin chính thức, có định hướng về tình hình mọi mặt của Việt Nam cho các cơ quan, tổ chức và phòng viên nước ngoài và các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài. - Tham gia xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án tuyên truyền đối ngoại nhân các sự kiện và hoạt động lớn. Đề xuất các chủ trương, kiến nghị liên quan tới hoạt động của phóng viên nước ngoài tại Việt Nam và các chính sách, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại; - Phối hợp tổng hợp, đánh giá dư luận báo chí nước ngoài về Việt Nam.
Trước khi chuyển về địa điểm hiện nay, trụ sở Trung tâm Báo chí từng ở số 10 Phố Lê Phụng Hiểu (nhà riêng Đại sứ Hoa Kỳ hiện nay) và số 8 Khúc Hạo. Trung Tâm là gia đình thứ hai của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao. Trong gia đình lớn đó có lớp người đã khuất như chú Nguyễn Quý Quý, giỏi tiếng Nhật và mẫu mực trong công việc, chú Nguyễn Văn Lượng, thường được lớp trẻ gọi là "Bố Lượng" một cách trìu mến, chú Bình chăm chỉ và nho nhã, anh Nguyễn Hải Sơn, mạnh mẽ và hòa đồng... Có những anh chị đã về hưu hoặc đã chuyển sang công tác khác như anh Nguyễn Công Quang, người giám đốc "đậm chất Nam Bộ", đi đầu trong cách quản lý mới và các anh nguyên giám đốc Nguyễn Văn Hoa, Đỗ Công Minh cùng các cán bộ tận tụy như anh Thuần, anh Xuân Y, anh Quang Dy và các chị Hoài Bích, chị Loan, bạn Mai Thu Hà, Đinh Hoa... Những lớp người nối tiếp nhau góp phần tạo nên uy tín của Trung tâm trong con mắt những nhà báo nước ngoài khó tính. Nhiều người trưởng thành từ "vườn ươm Trung tâm" và được bổ nhiệm giữ những cương vị quan trọng ở trong và ngoài Bộ Ngoại giao như Trợ lý Bộ trưởng, Đại sứ, Giám đốc... Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài chính thức được thành lập theo Quyết định số 144/VP ngày 19/10/1983 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với tên gọi: Trung tâm báo chí nước ngoài. Từ năm 1994, TT được đổi tên thành Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài và là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Khánh Nguyễn