TIN LIÊN QUAN | |
Giảm thủ tục, thời gian và chi phí | |
Bang Hessen tặng máy lọc nước và học bổng cho học sinh Quảng Ninh |
Điều tra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xác định có 948 loài cây thuốc thuộc 182 họ, 561 chi khác nhau, trong đó có rất nhiều loài là dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như: ba kích, trà hoa vàng, hồi, quế, kim ngân… Theo thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh, để trở thành trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc và cả nước, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển cây thuốc trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tốt nhất các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu tại địa phương. (Nguồn: BQN) |
Thị trường lớn không thể bỏ qua
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tạo ra các vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn, từng bước phát triển công nghiệp dược tại Quảng Ninh, nhiều năm qua, Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời cụ thể hoá một số chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này như: hỗ trợ giải phóng mặt bằng, vốn và thuế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, marketing, quảng bá sản phẩm.
Từ những chính sách ưu đãi và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, đến nay trên địa bàn Tỉnh, nhiều vùng nuôi trồng quy mô công nghiệp đã dần được hình thành. Tuy nhiên, do những mô hình này mới được triển khai trong thời gian ngắn nên chưa có nhiều sản phẩm cung cấp ra thị trường. Sản lượng dược liệu trồng trong dân còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng đúng quy trình sản xuất... Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng tăng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, các cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân và phục vụ ngành công nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Hiện khoảng 70-80% nguồn dược liệu đang sử dụng phải nhập khẩu.
Thế nhưng, hiện nay, sản lượng dược liệu do Tỉnh cung cấp ra thị trường rất thấp. Công ty CP Dược phẩm Traphaco - doanh nghiệp dược lớn nhất Việt Nam (chiếm tới 15% thị phần thuốc về dược liệu tại Việt Nam) hàng năm phải nhập khoảng 4.000 tấn dược liệu với trên 100 loại dược liệu được nuôi trồng trong nước, nhưng trong đó, sản lượng dược liệu nhập từ Quảng Ninh gần như không có. Ngay cả Công ty CP Dược - Vật tư y tế Quảng Ninh của địa phương hiện cũng vẫn phải nhập dược liệu từ các tỉnh, thành khác.
Những hạt nhân đầu tiên
Tuy nhiên, hiện các đơn vị trồng cấy và sản xuất dược đã tạo được nền tảng quan trọng trong sản xuất và kinh doanh dược liệu của tỉnh, từ sản xuất sơ cấp, thứ cấp và thương mại. Trên cơ sở này, ngành Y tế Quảng Ninh đã quy hoạch “Thung lũng phát triển dược liệu xanh Ngọa Vân - Yên Tử” phân bố ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, bao gồm các huyện, thị xã, thành phố: Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu nhằm mục tiêu phát triển chuỗi giá trị dược liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Quảng Ninh đã hoàn thành việc đầu tư và đang sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO). Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, với hơn 30 sản phẩm như: Mẫu sinh đường, Hoạt huyết dưỡng não QN, Habi QN…
Ngoài ra còn nhiều cơ sở sơ, chế biến dược liệu, sản xuất các sản phẩm từ dược liệ u với quy mô ngày càng lớn như: Công ty TNHH trồng chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc, HTX nông dược xanh Tinh Hoa, HTX Dược liệu xanh Đông Triều, Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh… đây là những hạt nhân quan trọng để phát triển công nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã quan tâm sưu tầm, bảo tồn được nhiều nguồn gene, bộ gene dược liệu quý.
Hiện, các khu bảo tồn như: Thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng quốc gia Yên Tử, Vườn quốc gia Bái Tử Long, đặc biệt là Vườn cây thuốc Yên Tử đã sưu tầm và bảo tồn hơn 700 loài dược liệu đại diện vùng Đông Bắc; trong đó có lưu giữ nhiều bộ gene các loài: ba kích, kim ngân, trà hoa vàng, bộ gene các loài họ nghệ, sa nhân, riềng, gừng… Ngoài ra, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bàn cũng bắt đầu có khả năng ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để tạo ra các giống cây dược liệu có chất lượng cao, sản xuất đại trà. Đây là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, hình thành Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Đó là sự cạnh tranh của nguồn dược liệu nhập khẩu, nhất là dược liệu giá rẻ, nhập lậu theo đường tiểu ngạch qua biên giới.
Trong khi đó, cơ chế, chính sách hiện chưa đủ mạnh để tạo đột phá trong nghiên cứu phát triển sản phẩm dược liệu có giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Hoạt động nghiên cứu cơ bản về cây thuốc chưa phát triển do thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực, dẫn đến nhiều dược liệu quý đến nay chưa xác định được hoạt chất chính, chưa xác định được nguồn gene chuẩn…
Như vậy, lợi thế có, tiềm năng có, ưu đãi từ cơ chế chính sách của Tỉnh cũng đã có, vấn đề còn lại chỉ là những giải pháp thiết thực từ các địa phương và cơ quan chức năng để có thể biến các tiềm năng thành hiện thực.
Giảm thủ tục, thời gian và chi phí Giữ liên lạc thông suốt và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và người dân là việc mà Sở Tài nguyên và Môi trường ... |
Bang Hessen tặng máy lọc nước và học bổng cho học sinh Quảng Ninh Từ ngày 7-9/4, Đoàn bang Hessen (Đức) do GS.TS Franz – Bern Frechen dẫn đầu, cùng các công sự đã phối hợp với Văn phòng ... |
Quảng Ninh được công nhận 11 xã đảo thuộc tỉnh Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận 11 xã, thị trấn thộc tỉnh Quảng Ninh là xã đảo. |