Gần 100 năm sau khi Vua Khải Định tuyên bố thời đại của cựu học chấm dứt (1919), tân học ngày càng phát triển, và đến nay, đã biến đổi mãnh liệt khiến các tiêu chí đánh giá, xếp loại học trò cũng vượt xa khuôn khổ truyền thống. Ở nhiều nước phương Tây, có một câu thú vị như thế này: “Trường học là nơi mà cựu học sinh hạng A dạy học sinh hạng B cách làm thuê cho học sinh hạng C”. Nhận định tuy có phần hơi “sốc”, nhưng đây lại là chuyện có thực.
Cha mẹ nào chẳng mong con cái xếp thứ hạng cao, đứng tốp đầu về thành tích học tập. (Nguồn: NLĐ) |
Những học sinh chăm chỉ nhất, trả bài đầy đủ, đúng với đáp án, đáp ứng mong muốn của nhà trường sẽ được xếp hạng A. Phần lớn học sinh hạng A sau này ra trường hoặc làm công chức hoặc nghiên cứu, giảng dạy. Đội ngũ giảng viên chủ yếu là những “cựu học sinh hạng A”. Học sinh hạng C thì trái lại, không phải là những người cần cù, chăm ngoan nhất. Họ không trả bài đúng như đáp án, vì họ còn có chủ kiến riêng. Họ suy nghĩ vượt ra ngoài chương trình có sẵn, vượt ra khỏi khuôn khổ của bài học. Đó là mầm mống của sáng tạo. Vì không phải dồn toàn tâm trí để đáp ứng khuôn mẫu trong trường học, nên học sinh hạng C dồi dào năng lực để theo đuổi sáng tạo trong đời thực. Đây mới là cốt lõi của thành công.
Thực tiễn cho thấy nhiều ông chủ, doanh nhân thành đạt, những người làm thay đổi thế giới đa số đều nằm trong nhóm học sinh hạng C. Học sinh hạng B thì chăm ngoan vừa đủ trong khuôn khổ, chưa có tư duy đột phá, như nhóm học sinh hạng C, nên sẽ trở thành lực lượng chiếm đa số trong xã hội. Họ cần việc làm và thu nhập ổn định cho một cuộc sống an bình. Đó là lý giải cho câu nhận định phía trên.
Có nhiều trường hợp như vậy trên thế giới. Thủ tướng Anh W. Churchill là người xếp cuối lớp tại trường tư thục Harrow. Thượng nghị sỹ John McCain xếp thứ 894/899 sinh viên của Học viện Hải quân Mỹ. Tổng thống Mỹ George Bush là sinh viên hạng C của Đại học Yale. Hơn 50% số tỷ phú trên thế giới chưa học hết đại học. Bill Gates đã bỏ học từ năm thứ ba Đại học Havard để sáng lập Microsoft, rồi trở thành người giàu nhất thế giới.
Đến nay, nhân loại thừa nhận có tám loại trí thông minh. Không nên đem một học sinh giỏi toán so với một học sinh năng khiếu vũ ba lê, bởi đó là hai loại trí thông minh khác nhau. Nhưng nhiều bậc làm cha mẹ lại chỉ thấy con mình kém cỏi. Mỗi đứa trẻ là một cá thể, có tiềm năng và tư chất riêng. Vấn đề là có phát hiện và thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, để sau này, các em phát huy được sở trường riêng, không chung chung, mờ nhạt.
Biết lắng nghe, kiềm chế, làm việc nhóm - những kỹ năng dẫn đến thành công trong cuộc sống thực lại chẳng mấy khi được cho điểm cao trong trường học. Có cô giáo thật lòng chia sẻ với cha mẹ học sinh rằng “con anh chị viết sáng tạo lắm, nhưng e rằng, sáng tạo quá lại không đúng đáp án, khó mà đạt điểm cao”. Khi con đi học về, người mẹ Việt Nam thường hỏi “con được điểm mấy”, trong khi người mẹ Do Thái sẽ hỏi “hôm nay ở lớp, con có đặt được câu hỏi nào thú vị không”. Người Do Thái thông minh nhất thế giới có lẽ cũng vì cách dạy-học của họ.
Ở nước ta, dù ngành giáo dục đã rất cố gắng, nhưng đến nay, đánh giá trong trường học và ngoài trường đời vẫn chưa thể cùng một thước đo.
Thực chất, người bị đánh giá không có khả năng trong trường học nhưng rất nỗ lực trong trường đời thì cuối cùng, thành công vẫn mỉm cười với họ. Cho nên hiện tại, dưới mái trường và dưới mái nhà, những em chưa giỏi nhất vẫn đầy ắp năng lực. Con không xếp số một, cha mẹ chớ ưu phiền!