Một Trường Sa đẹp như tranh họa đồ,
Một Trường Sa đong đầy cảm xúc,
Một Trường Sa kiên trung, anh dũng,
Một Trường Sa, gần lắm đất liền ơi.
Đoàn công tác số 5 trên boong tàu KN390. (Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn) |
Ngày 5/4, tàu KN 390 nhận nhiệm vụ đưa Đoàn công tác số 5 (năm 2024) ra thăm quần đảo Trường Sa. Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Hải quân làm trưởng đoàn. Trong hải trình dài tám ngày bảy đêm, đoàn đã đến thăm các điểm đảo gồm: thị trấn Trường Sa; các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn; các đảo Đá Thị, Cô Lin, Đá Tây A và nhà giàn DK 1.
Bức tranh của biển
Tham gia chuyến công tác lần này có 191 “chiến sĩ” - những đại biểu được vinh dự tham gia đoàn công tác thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm nay. Chuyến thăm diễn ra đúng vào thời điểm sóng yên biển lặng trong năm. Trên mặt nước trong xanh, con tàu KN 390 chở chúng tôi vươn mình ra khơi, trông giống như cành cọ trên tấm toan xanh khổng lồ.
Đoàn lặng người ngắm bức trực họa hòa trong bài ca của biển, với tiếng sóng vỗ mạn thuyền. Xa xa, những con cá chuồn tung mình khoe vẻ đẹp lộng lẫy rồi lại lao xuống những con sóng, hòa mình vào làn nước trong xanh. Sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến những đàn cá heo hớn hở đùa giỡn trước mũi tàu, tạo nên phong cảnh sống động đến mê hồn.
Hơn ai hết, cả đoàn đều chờ mong giây phút được chiêm ngưỡng niềm tự hào của đất nước: Đó chính là đảo Song Tử Tây vững vàng mạnh mẽ, đảo Đá Thị duyên dáng, đảo Sinh Tồn phồn hoa, Đảo Cô Lin dũng cảm, kiên cường và Đảo Tây A thịnh vượng… Đặc biệt khắc họa cho bức tranh chung về quần đảo Trường Sa - thành phố biển Trường Sa, “trái tim” của Biển Đông, chính là tòa tháp đôi nhà giàn DK1 hiện ra hiên ngang giữa biển Việt Nam.
Sau hai ngày lênh đênh trên biển, bình minh ngày thứ ba, từ xa, đảo Song Tử Tây giống như một khu rừng thu nhỏ, mạnh mẽ, vững vàng mọc lên giữa đại dương mênh mông. Chúng tôi lần lượt rời tàu để vào bờ bằng những chiếc xuồng máy. Trên đảo, cảm giác thân thuộc trở lại với chúng tôi khi nhìn thấy những mái nhà đỏ tươi, những con đường bê tông sạch sẽ. Những bước chân đầu tiên của bao nhiêu con người là ngần ấy cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tất cả vì Tổ quốc trường tồn
Trong số 191 “chiến sĩ”, có cả những cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa. Đó là Đại tá Trần Văn Liêm và đồng đội Khổng Văn Định, hai trong số các chiến sĩ đặc công nước tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa. Bên tiếng sóng biển quê hương rì rào, chúng tôi được sống lại những khoảnh khắc bi tráng của lịch sử qua lời kể của người trong cuộc.
Những trận đánh giải phóng Trường Sa qua lời kể tưởng “nhẹ như lông hồng” nhưng lại chứa đựng những điều vô cùng thấm thía. Các chú cùng nhau giương lá cờ đỏ sao vàng để khẳng định chủ quyền đảo ngay trước những mũi tàu nước ngoài.
Những thước phim quay chậm “ngày này năm xưa” như ùa về, rồi tất cả vỡ òa khi chứng kiến cái ôm của chú Nguyễn Văn Long, 74 tuổi dành cho con trai Nguyễn Quang Vinh - chiến sĩ hải quân đang làm thực hiện nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây. Chú nói: “Trước khi đi băn khoăn, con ở đảo xa sợ thiếu thốn. Ra đến đây thấy con và các chiến sĩ không thiếu thốn gì thì không còn lo lắng gì nữa. Chỉ biết cảm ơn và nhắn con chữ Trung phải đặt lên hàng đầu”.
Hôm sau, chúng tôi đến gần đảo chìm Cô Lin - ngay cạnh đó là đảo Gạc Ma. Tàu dừng lại trong cái nắng gắt vào đầu giờ chiều để Đại đức Thích Nhuận Minh làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ đã hy sinh khi nỗ lực bảo vệ đảo.
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng cùng các chiến sĩ và các đại biểu trên tàu tổ chức làm lễ truy điệu cho 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma - nơi các anh đã hiến trọn máu xương, cho Tổ quốc trường tồn mãi mãi. Chúng tôi lặng đi, cả boong tàu tĩnh lặng để tưởng nhớ các anh. Những bông hoa, những chú hạc giấy mang hình Tổ quốc được thả xuống nhẹ nhàng trên sóng nước Gạc Ma khiến mọi người không cầm được nước mắt.
Tác giả và hai cựu đặc công nước cùng các em nhỏ tại Đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn) |
Can trường ở nơi khắc nghiệt
Con tàu KN 390 đưa chúng tôi cập bến Trường Sa vào trưa ngày thứ năm của chuyến đi. Sau khi đến “thành phố biển Trường Sa” để thăm và trao quà, Đoàn đã có buổi tối giao lưu âm nhạc cùng với các chiến sĩ và đồng bào đang sinh sống tại đảo. Do thời gian có hạn và biển hơi động nên Đoàn rời đi sớm hơn dự định để đến thăm nhà giàn DK1.
Trong cái vẫy tay, những cái ôm thắm thiết của mọi người trên đảo dành cho đoàn trong giờ phút chia tay, là âm thanh hùng tráng của những bài ca yêu nước mà chúng tôi cùng nhau hát vang. Mãi đến khi tiếng còi tàu cất lên ba hồi tạm biệt đảo thì các đại biểu mới rời boong tàu để vào trong.
Đến đêm thứ sáu của hành trình, chúng tôi đi ngược con sóng về phía Nam để đến thăm nhà giàn DK1. Biển bắt đầu động. Nếu vài ngày đầu say sóng chỉ là do chưa quen, nhiều người chỉ ăn ít và say nhẹ, thì khi biển động, gần nửa số đại biểu đã say sóng đến mức không thể lên nhà ăn, chỉ có thể xin đăng ký cơm nắm và cháo tại phòng. Có tham gia chuyến công tác lần này tôi mới biết tại sao cơm nắm nhân muối vừng của Trường Sa không bao giờ tròn, vì đa phần những ngày trên tàu là những ngày sóng to gió lớn, không thể nắm cơm bằng hai tay!
Thế mới thấy, nếu người bình thường không thể chịu được những con sóng lớn và cái nắng khắc nghiệt ở đảo thì các chiến sĩ can trường của chúng ta vẫn ngày đêm chắc tay súng, đặc biệt là những chiến sĩ bảo vệ Cô Lin. Điều kiện khí hậu và thủy văn ở đảo này rất khắc nghiệt. Mùa khô kéo dài từ tháng Hai đến tháng Năm hàng năm, trời rất nóng và oi bức suốt từ 4h rưỡi sáng đến 7h tối. Chiến sĩ trẻ Nguyễn Thành Tâm (TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: “Tôi mới ra chốt đảo tiền tiêu từ đầu năm nhưng tôi luôn tự hào được làm nhiệm vụ tại nơi tuyến đầu Tổ quốc. Ở đây, các chiến sĩ đều sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh. Từ chỉ huy đến các anh em chiến sĩ đều thương yêu nhau như anh em một nhà”.
Ngày thứ sáu của chuyến đi, chúng tôi đã đến chân nhà giàn DK1, nhưng do sóng lớn quá nên chỉ có tôi và hai nhà báo khác được rời tàu xuống xuồng đưa thực phẩm cẩu lên nhà giàn. Đứng trên tàu nhìn xuống, có lúc sóng cao đến mức tôi không nhìn thấy xuồng. Tuy nhiên, ba nhà báo chúng tôi vẫn quyết định theo xuồng thực phẩm để đưa thực phẩm lên nhà giàn DK1 bằng được.
Không chỉ bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc, các cán bộ chiến sĩ nơi đây còn là điểm tựa của bà con ở nơi xa xôi. Khi chúng tôi đến thăm trạm xá Đảo Sinh Tồn, gặp bác sĩ quân y, Thượng úy Đinh Văn Trường đúng lúc anh đang cấp cứu cho ngư dân Phạm Quang Toàn bị suy hô hấp, phải thở máy.
Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn146 vùng 4 Hải quân về khâu hậu cần cho biết: “Nơi này là điểm tựa cho ngư dân yên tâm bám biển và từ đó, tình quân dân ở các đảo rất gần gũi và gắn kết. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước và đông đảo bà con kiều bào ở nước ngoài, đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân Trường Sa đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, chúng tôi phải phát huy nội lực đẩy mạnh công tác chăn nuôi để có thể tự cấp, tự túc tốt hơn. Trên các đảo và điểm đảo đều đã 100% có rau xanh”.
Hai ngày cuối, tàu KN 390 đã vào gần bờ. Nhìn trên tay của các bác cựu chiến binh có những bức ảnh chụp cùng các cháu nhỏ và người thân của mình trên các đảo từ nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn ở Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh in tặng, tôi càng cảm nhận rõ sức sống mãnh liệt, trường tồn của các đảo nơi đây.
Hoàng hôn đã buông màu thương nhớ, vàng suộm cả biển trời. Từ trên Đài chỉ huy, tiếng hát được đệm guitar vang lên du dương và nhẹ nhàng. Sau này tôi mới biết đó là bài “Tình yêu từ biển” do chính Đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân sáng tác. Nó chính nỗi niềm, tâm tư tình cảm của cán bộ chiến sĩ hải quân Quần đảo Trường Sa: “Chỉ có những con sóng xô bờ mới hiểu/ Chỉ có những con sóng ru mới hiểu. Câu chuyện tình vượt đại dương từ bao la sóng vỗ…”.
Kỳ II: Tự hào đặc công nước Trường Sa