Alpha Condé Tổng thống Guinea và Chủ tịch Liên minh châu Phi.
Năng lượng không phải là nhu cầu mới nảy sinh đối với người dân châu Phi. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), khoảng 620 triệu người dân ở lục địa này đang sống trong cảnh thiếu điện. Tại 36 quốc gia ở châu lục, ước tính chỉ 2 trong số 5 người được sử dụng điện liên tục trong ngày. Ở một số nước nghèo, tỉ lệ đó thậm chí còn ít hơn 1/10.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Phi chiếm 13% dân số thế giới nhưng chỉ chiếm 4% lượng tiêu dùng năng lượng. Trong khi cư dân London (Anh) hay New York (Mỹ) có thể phàn nàn về băng thông chậm hoặc chất lượng điện thoại di động kém, nhiều người dân châu Phi vẫn đang đấu tranh để có điện thắp sáng nhà và kinh doanh.
Cả gia đình cùng sinh hoạt dưới một bóng đèn tại Nigeria. (nguồn: OPIC) |
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người trẻ ở châu Phi tin rằng họ có thể tìm thấy cơ hội mới ở châu Âu và phương Tây. Nguồn năng lượng không chỉ là điều kiện cơ bản cho hoạt động của trường học, bệnh viện, nhà cửa, mà còn giúp họ phát triển kỹ năng, tìm việc làm, khởi nghiệp, đồng thời cho phép các doanh nghiệp châu Phi cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng trong khu vực và quốc tế.
Trong khi châu Phi không muốn để mất thế hệ tài năng trẻ của mình vào tay những nơi như Đức, Pháp và Italy, các nước châu Âu cũng không đủ khả năng giải quyết dòng người nhập cư. Cách tốt nhất để đảo ngược xu hướng này là sự hợp tác giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Cơ hội cho mối quan hệ hợp tác này là rất lớn. Theo một báo cáo hồi tháng 2/2015 của McKinsey & Company, châu Phi đang nắm giữ lượng dự trữ năng lượng thô rất lớn, gồm khoảng 10 Terawatt năng lượng mặt trời tiềm năng, 350 Gigawatt (GW) năng lượng thủy điện, 110 GW năng lượng gió và 15 GW năng lượng địa nhiệt. Nếu được đầu tư bài bản, châu Phi sẽ có cơ hội khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên dồi dào đó.
Hai năm trước, cư dân ở thủ đô Conakry (Guinea) vốn không đủ điện thắp sáng quá 6 giờ/ngày và các doanh nghiệp cũng không có đủ điện để hoạt động. Nhưng nhờ việc xây dựng đập thủy điện Kaleta của Tập đoàn Thủy điện quốc tế Trung Quốc, người dân và doanh nghiệp ở Conakry đã có nguồn điện được cung cấp 24/7.
Điều đáng nói là những dự án như ở Conakry không phải là hoạt động đơn lẻ. Từ Kenya, Rwanda đến Tanzania... , các nước châu Phi đang thiết lập mạng lưới sản xuất điện công nghiệp quy mô trên khắp lục địa. Trong mạng lưới này, hợp tác quốc tế và đầu tư đóng vai trò tiên quyết. Điều này sẽ không chỉ tăng cường năng lực các nền kinh tế châu Phi nhằm cung cấp việc làm và tương lai cho những người trẻ tại đây mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới cho cả châu Phi và phương Tây. Những cam kết sắp tới của các nhà lãnh đạo châu Phi với các nước phát triển tại G20 được mong đợi sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho lục địa này.