TS. Cù Văn Trung cho rằng, việc học thật, thi thật và nhân tài thật bắt buộc phải bắt đầu từ chính những nhà làm giáo dục và quản lý giáo dục. |
Theo ông, bài toán “học thật, thi thật, nhân tài thật” phải bắt đầu từ đâu và có “điểm nghẽn” nào?
Chúng ta thấy có người gắn lên mình nhiều bằng cấp, kinh qua các lớp học này lớp học kia và nghĩ họ là có tài. Đã đến lúc, xã hội phải tư duy lại và thật may hiện nay chúng ta đã nhìn nhận ra điều đó tương đối rõ.
Tôi cho rằng, việc học thật, thi thật và nhân tài thật bắt buộc phải bắt đầu từ chính những nhà làm giáo dục và quản lý giáo dục. Họ phải mạnh dạn thay đổi nhận thức, hành vi để từ đó hành xử, ứng xử với các thế hệ tương lai một cách phù hợp.
Tuy phụ huynh cũng có mong muốn, kỳ vọng nhưng họ đều có thể bị điều chỉnh và tư vấn bởi chính những người đang dạy dỗ con em mình. Nhà trường, thầy cô và các nhà quản lý chính là điểm bắt đầu để có một nền giáo dục như câu hỏi bạn vừa đặt ra.
Và câu hỏi này cũng đưa đến một logic cho vế sau đó là điểm nghẽn nào khiến điểm giả, học giả… lên ngôi. Tôi cho rằng, chính là sự tham gia tương đối sâu của các cấp chính quyền, ở tầm vĩ mô đó là sự dính dáng rất nhiều của nhà lãnh đạo về mặt chỉ đạo đến lĩnh vực giáo dục.
Ở khía cạnh nào đó giáo dục của chúng ta còn nặng về tính mục đích và thành tích để phục vụ trong các báo cáo. Do đó, môi trường giáo dục trở nên khô cứng và thiếu tính hấp dẫn. Tôi cho rằng đây là điểm nghẽn cần được nới cho phù hợp.
Vậy làm sao để có học thật, thi thật, đánh giá thật, từ đó để năng lực thật vượt lên trên bằng cấp?
Theo tôi, để làm được điều này chúng ta cần thời gian, vẫn phải kiên trì, không nên nóng ruột, không nên nóng vội. Chúng ta có thời gian dài đổi mới từ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, nhiều thành tích chúng ta đã đạt được.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số hệ lụy đi kèm. Bởi nó lại chịu ảnh hưởng bởi văn hóa, truyền thống, sở thích và tính sính bằng cấp của một bộ phận. Nên việc sửa chữa những cái giả để có cái thật không thể trong ngày một ngày hai được.
"Mỗi người trong chúng ta phải tự lớn lên, tự đứng dậy trên đôi chân của mình. Các bạn trẻ phải tự làm sáng mình, tự làm giàu vốn sống và bản sắc của mình lên. Hãy cứ kiên trì và bền bỉ, một ngày nào đó tự khắc ngoài kia, xã hội sẽ nhìn thấy năng lực của bạn và bạn cũng sẽ nhìn thấy cơ hội cho chính mình". |
Thực tế, khi ra trường, đi làm trong các cơ quan, công ty, với những người học chưa thật thì công việc thực tế sẽ phổ bày sự thiếu năng lực của cá nhân đó. Những người học thật, những cá nhân đang chịu khó nghiên cứu và học tập nghiêm túc sẽ thắng thế.
Giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng có sự thách thức, sự đe dọa rất lớn đến lĩnh vực giáo dục nói chung và sự học thật của các bạn trẻ nói riêng. Đó là những thứ chúng ta trông thấy được từ các clip trên tiktok, trên youtube, trên facebook... một cách rất dàn dựng về những thành công nhanh chóng, về sự may mắn dễ dàng. Điều này khiến cho những người học tập đang kiên trì, kiên nhẫn bị lung lay, hoài nghi.
Bởi chúng ta dễ dàng thấy trên các clip đó là một anh chủ tịch, một anh giám đốc đi xe xịn, sự sang chảnh, sự thành đạt như vậy được biểu diễn trên các ứng dụng công nghệ khiến các bạn trẻ tử tế sốt ruột và mong muốn đạt được những thành công như thế.
Nếu vì thành tích, mục tiêu đạt chuẩn sẽ đe dọa sự trong lành của môi trường giáo dục. (Nguồn: TT) |
Ông có đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?
Trong khi chờ đợi các giải pháp có tính đột phá, tôi cho rằng không có cách nào khác, các bạn trẻ phải chủ động hơn nữa trong việc học tập và nghiên cứu của mình.
Một giải pháp tôi muốn nhấn mạnh với các bạn trẻ đó là trong khi bố mẹ còn khó khăn và phải nỗ lực lo cho các con thì mỗi người trong chúng ta phải tự lớn lên, tự đứng dậy trên đôi chân của mình.
Trong khi xã hội còn đang tranh cãi cho một cuộc cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục thì các bạn trẻ phải tự làm sáng mình lên, tự làm giàu vốn sống và bản sắc của mình lên. Hãy cứ kiên trì và bền bỉ, một ngày nào đó tự khắc ngoài kia, xã hội sẽ nhìn thấy năng lực của bạn và bạn cũng sẽ nhìn thấy cơ hội cho chính mình.
Những nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đến những yếu tố nào để đổi mới giáo dục, thưa ông?
Nhạc trưởng trong bản đồng ca giáo dục không thể vì chạy theo thành tích mà bỏ rơi các em học sinh yếu kém, không thể để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Nếu vì thành tích, mục tiêu đạt chuẩn sẽ đe dọa sự trong lành của môi trường giáo dục.
Yếu tố thứ hai là văn hóa của chúng ta. Nước ta có một nền văn hóa rất coi trọng việc học, tôn trọng hiền tài và sẵn sàng dùng hết những gì mình có để cho con cái mình được giáo dục tốt.
Chỉ cần quan sát về tâm tư, hành động và đời sống của người dân khi họ dành dụm, tâm sự và chia sẻ về vấn đề học hành của con cái là đủ thấy những ước mong, khát vọng mà họ thổi hồn vào trong đó.
Do vậy, nhà hoạch định phải xem đây là yếu tố thuận lợi cũng như thách thức rất lớn mà mỗi khi ban hành chính sách. Những sách lược đúng đắn sẽ tạo được sự đồng thuận rất cao và ngược lại. Bởi suy cho cùng, trung tâm của những thay đổi giáo dục đều là con người, vì con người.
Xin cảm ơn ông!
- Thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm nay, đội tuyển Olympic Toán học quốc tế Việt Nam xếp thứ 4/104 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ. Cụ thể, có 6/6 học sinh đoạt giải với 2 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng. - Đội tuyển Việt Nam bội thu Huy chương vàng khi dự thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2022 với 4 học sinh giành được Huy chương vàng. Đây là lần thứ 2 toàn bộ thành viên đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Hóa học quốc tế đều giành Huy chương vàng (lần đầu vào năm 2020). - 5/5 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Vật lý quốc tế 2022 đều đoạt giải. Đoàn Việt Nam đứng thứ 5/75 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cụ thể, Việt Nam có 3 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc và 1 Huy chương đồng. - Trong khi đó, 4 thành viên đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2022 cũng đều giành Huy chương (1 Huy chương bạc và 3 Huy chương đồng). |
| Điểm danh những trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ 2022 Gần 50 trường đại học đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển học bạ trên cả nước. |
| Lao động trẻ mở ‘cánh cửa’ bước vào ‘sân chơi’ toàn cầu hóa GS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhận định, người lao động Việt Nam khá dồi dào ... |