Nhỏ Bình thường Lớn

TS. Hồ Lâm Giang: 'Chữa lành' tinh thần cho trẻ sau thiên tai

"Tăng thêm nhiều dấu ấn về sự tốt đẹp, nhân văn, yêu thương chính là liệu pháp tốt nhất để hỗ trợ trẻ em vượt qua hậu quả mà thiên tai, bão lũ gây ra".
Tiến sĩ Hồ Lâm Giang
TS. Hồ Lâm Giang cho rằng, hỗ trợ tâm lý cho trẻ sau thiên tai là rất quan trọng. (Ảnh: NVCC)

Đó là quan điểm của TS. Hồ Lâm Giang, chuyên gia nghiên cứu về văn hoá, giáo dục; tác giả sách chuyên khảo Diễn ngôn về giới trên truyền thông sau Đổi mới với Báo Thế giới và Việt Nam về cách hỗ trợ tâm lý cho trẻ sau những tác động của thiên tai, bão lũ.

Góc nhìn của bà về những ảnh hưởng tâm lý thường gặp ở trẻ em sau các thảm họa như bão lũ?

Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, trực tiếp giảng dạy cả cấp phổ thông lẫn đại học, cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ về mặt sức khoẻ tinh thần, tâm lý cho các em học sinh, tôi có một số ý kiến cá nhân như sau.

Đối mặt với những thảm họa từ thiên tai không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng khó có thể tránh khỏi những chấn thương về mặt tâm lý, suy sụp về tinh thần. Hình ảnh khiến tôi khắc khoải là một người đàn ông, trước những mất mát quá lớn do ảnh hưởng của bão Yagi. Anh ấy thất thần cầm chiếc bánh mỳ cứu trợ còn nguyên trong túi bóng đưa lên ăn. Những mất mát, tổn thất mà nạn nhân của thiên tai phải gánh chịu, quả thực quá lớn, có thể những người ngoài cuộc chỉ có thể cảm nhận được một phần nào đó.

Trẻ em, vốn là một trong những nhóm đối tượng yếu thế được xã hội ưu tiên bảo vệ. Nó xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có yếu tố quan trọng là trẻ em rất dễ bị tổn thương vì chưa có khả năng tự bảo vệ mình trước các mối nguy hiểm hoặc sự xâm hại từ môi trường xung quanh. Do vậy, trẻ em cần sự chăm sóc và bảo vệ cả về thể chất lẫn tinh thần từ người lớn để phát triển một cách an toàn và lành mạnh.

Trong những năm đầu đời, là giai đoạn phát triển quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của cá nhân của trẻ. Nếu không được bảo vệ và chăm sóc đầy đủ, sự phát triển của trẻ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả lâu dài về thể chất và tâm lý.

Tâm lý của trẻ rất dễ tổn thương, nên những sự kiện tưởng chừng không có tác động quá to lớn với người lớn lại có ảnh hưởng nghiêm trọng với trẻ em. Chứng kiến mất mát từ thiên tai, trẻ dễ có tâm lý sợ hãi, bất an, lo lắng, cảm thấy không an toàn, sống trong sự ám ảnh về việc thiên tai có thể ập đến bất cứ lúc nào, có phần bất lực, tổn thương khi không thể bảo vệ được những thứ mình gắn bó, yêu quý đã bị cơn lũ cuốn đi.

Những sự đổ nát, hoang tàn, những mất mát cũng sẽ khiến trẻ bị ám ảnh. Nhiều trẻ có hiện tượng sợ hãi cả trong giấc ngủ, có sự thay đổi về hành vi, trở nên hung hăng hoặc có khi thu mình, cũng có trẻ hoảng loạn, luôn bám dính lấy bố mẹ vì sợ hãi.

Trong nhiều nghiên cứu về tâm lý cho thấy, những dữ kiện đầu tiên đến với cuộc đời con người sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của họ về sau. Do vậy, chúng ta cũng cần có nhiều hành động, hỗ trợ trẻ phục hồi tâm lý sau những trải nghiệm đau thương này.

Những ngày qua, chúng ta đã và đang chứng kiến cảnh tượng đầy mất mát và đau thương của bão lũ, nhưng trên nền của thiên tai, tình người Việt Nam như được tỏa sáng. Sự hỗ trợ từ nhân lực, vật lực từ khắp mọi nơi được dồn về hỗ trợ vùng bão lũ.

Tôi nghĩ, đó không chỉ là sự động viên về mặt vật chất, bù đắp lại những mất mát mà thiên tai đã cướp đi của người dân, mà hơn thế, nó là sự bồi đắp cho tinh thần, cho tình người, cho lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, thương người như thể thương thân. Có trong hoạn nạn, mới cảm nhận thất hết tình thương yêu của đồng bào dành cho nhau. Và tiềm lực về tinh thần này, cũng sẽ tạo nên sức mạnh, để người dân vùng thiên tai, kiên cường vực dậy sau bão lũ và tình yêu thương con người, cảm nhận hết vẻ đẹp về lòng nhân ái của con người.

Trên nền tảng này, bên cạnh thực tế đau thương của bão lũ, tôi nghĩ, đây cũng là cơ hội giáo dục trẻ và giúp trẻ em cảm được cảm nhận giá trị truyền thống đoàn kết và nhân ái của dân tộc ta. Sự yêu thương đùm bọc, không chỉ của bố mẹ, gia đình, người thân, làng xóm mà là của hàng triệu người dân khắp Việt Nam sẽ là liều thuốc “chữa lành” tinh thần hữu hiệu và hiệu quả vô cùng nếu các em nhận thức được.

Các em sẽ cảm nhận thấy tình yêu thương trong từng nắm cơm, chiếc bánh, cái bút, quyển vở. Các em có thể nhận thấy sự lăn xả, hy sinh của những chú bộ đội vào các vùng lũ, mang đồ hỗ trợ, các em sẽ nhận thấy những phong trào ủng hộ trong khắp các trường học, đoàn thể, hay từ cuốn sổ tiết kiệm dưỡng già của Thầy giáo về hưu, toàn bộ tiền trong túi của chú lái xe đường dài… đều chứa đựng biết bao nghĩa tình.

Cảm nhận về sự tích cực trong cuộc sống, về tình yêu thương, về sự đoàn kết, lòng nhân ái của con người Việt Nam, sẽ giúp các em củng cố lòng tự hào dân tộc. Từ đó, tăng sức mạnh nội lực về tinh thần, ổn định về tâm lý, sống trong thêm niềm tự hào.

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: 'Chữa lành' tinh thần cho trẻ sau thiên tai
Trẻ nhỏ được đưa lên ca nô rời khỏi vùng ngập lụt. (Nguồn: VNE)

Đâu là những phương pháp hiệu quả nhất để giúp trẻ phục hồi tâm lý sau những trải nghiệm đau thương này? Gia đình đóng vai trò gì trong việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ?

Tôi có một số gợi ý dựa trên ba nguyên tắc như sau: sự tập trung tích cực, tạo môi trường và sự tác động về tổng thể.

Thứ Nhất, tập trung tích cực ở đây theo tôi đúng với câu nói đại ý là “khi bạn tập trung vào đâu thì ở đó mở rộng ra”. Trong hoàn cảnh thiên tai ập đến, một thực tế khó có thể phủ nhận, đó là sự mất mát, tổn thương là không tránh khỏi. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác, là qua bão lũ, chúng ta cảm nhận rõ rệt hơn tình người, sự trân trọng giá trị của gia đình, của cuộc sống bình yên, biết thông cảm với những nơi, những con người ở vùng khó khăn, thiên tai dịch bệnh, hoàn cảnh kém may mắn.

Thứ Hai, tinh thần của con có được sớm ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều từ môi trường tinh thần của cha mẹ. Nếu các bậc phụ huynh sớm vực dậy được tinh thần, có thái độ sống tích cực, nhìn nhận và tin tưởng vào tương lai, rèn luyện sự nỗ lực vượt khó, bằng ý chí và quyết tâm khắc phục hậu quả từ thiên tai, sớm ổn định cuộc sống, đó sẽ là môi trường tốt nhất cho trẻ sớm ổn định và hồi phục tinh thần.

"Những dấu ấn tâm lý, nhất là những dấu ấn kinh hoàng, khó có thể bị xoá bỏ hoàn toàn. Nhưng việc nhìn nhận nó theo góc độ khác, cũng như tăng thêm nhiều dấu ấn về sự tốt đẹp, nhân văn, yêu thương chính là liệu pháp tốt nhất để hỗ trợ trẻ vượt qua hậu quả mà thiên tai, bão lũ mang tới".

Ngoài gia đình, tôi nghĩ nhà trường và xã hội cũng là những môi trường quan trọng trong thời điểm này, để giúp các em có được sự cộng hưởng về tình yêu thương và sự ổn định về tâm lý. Sự động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần sẽ tạo nên một môi trường tốt để trẻ sớm hồi phục, trở lại với cuộc sống đời thường sau bão lũ.

Trên mặt trận truyền thông, những thông tin về việc Chính phủ, đoàn thể, cơ quan, chính quyền, đặc biệt là người dân cả nước hướng tới đồng bào bão lũ, cũng chính là một động lực to lớn, hỗ trợ cho bà con vùng thiên tai.

Thứ Ba, cần sự kết hợp của sự tác động tới tổng thể , đó là sự hồi phục về cả ba phần "thân – tâm – trí" của trẻ. Để có một tinh thần khỏe, rất cần nền tảng về thân thể khỏe mạnh, từ đó trẻ mới có thể suy nghĩ tích cực và nhìn nhận thấu đáo nhiều khía cạnh của cuộc sống hơn.

Thân thể khỏe mạnh đến từ chế độ dinh dưỡng và vận động, nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài ra, sự quan tâm, yêu thương, sự an toàn về mặt tinh thần, chính sự chú tâm chăm sóc bữa ăn giấc ngủ của cha mẹ, cho trẻ được hoạt động thể lực, vui chơi với bạn bè, hoà nhập với thiên nhiên là một trong những liều thuốc tinh thần căn bản và thực tế nhất.

Sự thiếu quan tâm của cha mẹ, thiếu chia sẻ, tâm sự với con, kèm theo sự chăm sóc không đầy đủ, không đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng như hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho những vấn đề tâm lý của trẻ chậm được cải thiện.

Nhiều trường hợp trẻ tổn thương vì thiên tai một phần, nhưng tổn thương vì thiên tai đã làm suy sụp người lớn, hoặc khiến cho cha mẹ vì nỗi lo cơm áo, không vượt qua được vấn đề của mình, đã không thể quan tâm, hoặc trở nên cáu gắt, giận dữ, thậm chí không màng tới con cái.

Hoặc khi trẻ còn quá nhỏ, đã phải nghe, nghĩ, lo nỗi lo quá lớn mà người lớn vô tình bộc phát hoặc để trẻ phải gánh trách nhiệm cùng mình. Mọi thông tin, sự tác động đều cần có sự kiểm soát, bởi tâm lý của trẻ rất nhạy cảm, mong manh, điều cha mẹ nói riêng và người lớn truyền đạt cho trẻ, đều cần có mục đích và ý nghĩa giáo dục nhất định.

Tôi cho rằng, những dấu ấn tâm lý, nhất là những dấu ấn kinh hoàng, khó có thể bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng việc nhìn nhận nó theo góc độ khác, cũng như tăng thêm nhiều dấu ấn về sự tốt đẹp, nhân văn, yêu thương chính là liệu pháp tốt nhất để hỗ trợ trẻ vượt qua hệ quả mà thiên tai, bão lũ mang tới.

Bà nghĩ sao về vai trò của công nghệ và truyền thông trong việc cung cấp hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau bão lũ?

Qua những thông tin về bão lũ vừa qua trên truyền thông, tôi nhận thấy chúng ta đã có những thành công nhất định về mặt đưa tin, với độ phủ thông tin rộng trên nhiều loại hình phương tiện truyền thông đại chúng. Những thông tin được đưa một cách cập nhật, thời sự, đồng thời có những chia sẻ đầy xúc động và sâu sát về tình hình của bà con vùng lũ, những hình ảnh này đã làm lay động hàng ngàn trái tim của người dân cả nước. Đặc biệt, dấu ấn của tình người qua thiên tai dịch bệnh, thể hiện ở những hành động đầy nhân văn về tình đồng bào, truyền thống nhân ái của nhân dân cả nước hướng về bà con vùng bão lũ.

Chứng kiến những thước phim, những hình ảnh, những hành động của người dân Việt Nam qua việc ủng hộ đồng bào bão lũ, tôi tin rằng trong lòng mỗi người được tham gia, chứng kiến đều dấy lên niềm xúc động và tự hào.

Hình ảnh về những em nhỏ gặp khó khăn qua vùng bão lũ, những em nhỏ mất gia đình trong đợt thiên tai vừa qua, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự thương cảm của hàng triệu người dân. Trên mặt trận truyền thông, bên cạnh sự khốc liệt của bão lũ, sự mất mát của những cuộc đời, hoàn cảnh, chúng ta không chỉ là những người dân vùng lũ, cảm nhận được sức ấm áp của lòng người, sự xúc động và niềm vui nhen lên mỗi khi nghe tin các đoàn cứu trợ đã vào tới vùng lũ cứu trợ, đã có hàng nghìn tỷ được chuyển tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào.

Là những người chiến sĩ công an, quân đội ngâm mình dưới dòng nước ngập để hỗ trợ dân; bà con hai bên đường nấu cơm phục vụ đoàn xe đi cứu trợ. Truyền thông thực sự đã làm rất tốt vai trò của mình, phản ánh kịp thời, hiệu quả và cũng đầy sự nhân văn.

Xin cảm ơn TS!

Tết Trung thu năm nay rất khác...

Tết Trung thu năm nay rất khác...

Trung thu là dịp để chúng ta nhìn lại bản thân và nhận ra rằng hạnh phúc không phải là khi ta có tất cả, ...

Không nên cứu trợ kiểu 'mạnh ai nấy làm'

Không nên cứu trợ kiểu 'mạnh ai nấy làm'

Để cứu trợ sau bão lũ hiệu quả, điều quan trọng là đi “thăm khám” để chọn địa bàn cần trao nhất, biết được cần ...

Lũ lụt miền Bắc: Những chuyến xe chở nghĩa tình

Lũ lụt miền Bắc: Những chuyến xe chở nghĩa tình

Những chuyến xe từ thiện hướng về các vùng lũ miền Bắc không chỉ chở áo phao, nước uống, thức ăn mà còn chở nghĩa ...

TS. Cù Văn Trung: 'Tình người xuất hiện trong bão lũ miền Bắc gieo thêm niềm tin vào cuộc sống'

TS. Cù Văn Trung: 'Tình người xuất hiện trong bão lũ miền Bắc gieo thêm niềm tin vào cuộc sống'

Trong bão số 3 và lũ lụt ở một số tỉnh phía Bắc, tình người, sự san sẻ, những hành động tử tế xuất hiện ...

Lũ lụt rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người ở lại...

Lũ lụt rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người ở lại...

Những câu chuyện tưởng nhỏ trong mùa bão lũ Hà Nội và miền Bắc chứa đựng giá trị lớn lao về lòng nhân ái và ...

Hùng Thoa (thực hiện)