TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, điều kiện đổi mới giáo dục hiệu quả phụ thuộc vào việc chọn đúng vấn đề, có đường lối và chính sách đúng. |
Ít thấy quốc gia nào đổi mới giáo dục thành công trong một sớm một chiều và chưa bao giờ hết chỉ trích từ rất nhiều bên liên quan.
Nếu ai đó nói không khó, cứ thử ngồi ghế của một cô giáo mầm non hay cô giáo tiểu học ở vùng sâu vùng xa sẽ rõ hơn.
Ai cũng thích coi bóng đá và là bình luận viên bóng đá có "hạng" đều có thể khen chê các cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài...
Giáo dục cũng tương tự. Hầu như ai cũng trải nghiệm và đều có thể phán xét về giáo dục qua các lăng kính với kỳ vọng và nhận thức khác nhau.
Giáo dục vốn là một hệ thống rất lớn và cực kỳ nhạy cảm vì hàng ngày hàng giờ đụng chạm đến hàng triệu gia đình.
Một chính sách nghiên cứu chưa thấu đáo hay một phát biểu vội vàng của người đứng đầu đều có thể “nổi sóng” dư luận. Thậm chí, có thể vì điều đó mà tiến trình đổi mới bị cản trở và đánh mất lòng tin của công chúng.
Điều kiện đổi mới giáo dục có hiệu quả hay không phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, tất nhiên không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ, ngay một lúc các điều kiện.
Trước hết, phải chọn đúng vấn đề, có đường lối và chính sách đúng.
Vì thế, rất cần người lãnh đạo có một tầm nhìn xa nếu không muốn “con tàu” đổi mới đâm vào "đá ngầm" hay lao vào "giông bão". Chính sách không thể làm theo kiểu "dò đá qua sông" mò mẫm và học đòi của quốc tế về áp dụng mà không có điều chỉnh hoặc không đủ điều kiện để áp dụng.
Muốn có chính sách đúng phải chọn được đúng người để làm đúng việc và để có tư duy đúng. Lãnh đạo thiếu một tầm nhìn xa, bản lĩnh lại e dè, không quyết đoán, thiếu sáng tạo, thiếu trách nhiệm khi lái "con tàu đổi mới" sẽ rất khó khăn, thách thức để đi đến đích.
Điều kiện thứ hai là con người. Trước hết là chọn được người lãnh đạo, quản lý giỏi từ Trung ương đến địa phương và các trường học. Nhưng việc chọn được các cá nhân xuất sắc làm lãnh đạo lại không phải dễ, nhất là trong bối cảnh phân cấp hiện nay, Trung ương và địa phương không phải lúc nào cũng có tiếng nói chung. Ở địa phương nào Giám đốc Sở tâm huyết, năng động, sáng tạo, tận tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chắc chắn giáo dục ở địa phương đó sẽ khởi sắc.
Cùng với đó, đội ngũ thầy cô giáo có vai trò quyết định với đổi mới, đặc biệt người lãnh đạo đội ngũ này hết sức quan trọng. Họ cần lãnh đạo bằng tấm gương đạo đức, liêm chính, năng lực chuyên môn quản lý giỏi, tôn trọng văn hóa dân chủ trong tập thể nhà trường, luôn ý thức về trách nhiệm giải trình trước các quyết định và hành động của mình thì nhà trường đó sẽ phát triển.
Thầy cô giáo luôn là động lực và chủ thể đổi mới trong giáo dục. Nếu đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa muốn hoặc sợ, ngại đổi mới thì đổi mới dễ đi đến thất bại.
Điều kiện nữa là nguồn lực lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng cho các hoạt động đổi mới. Nhưng nguồn lực vốn chẳng nhiều, quản lý kém, lại không chủ động được việc phân bổ nguồn lực cho giáo dục. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh phân cấp.
Thêm nữa, đổi mới là cách làm, cách tư duy, hành động khác quá khứ, rất cần có cơ chế quản lý để vận hành chính sách trơn tru, linh hoạt, tức là phải có hành lang pháp lý đủ rộng, không hẹp quá dễ gây “ách tắc”.
Nói cách khác, tầm nhìn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật rất cần thiết kế trong bối cảnh của sự đổi mới. Nếu thiết kế quá chi tiết, chặt chẽ, không lường được sự biến đổi của hoàn cảnh trong tương lai sẽ "bóp chết" đổi mới.
Bộ Chính trị mới đây có Kết luận 14 chỉ đạo khuyến khích bảo vệ người có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, rất được xã hội đồng lòng. Tuy nhiên, để có tư duy đổi mới, có cách làm đột phá, dám chịu trách nhiệm thì người cán bộ rất cần có hiểu biết đầy đủ lý luận và thực tiễn, ngày nghĩ, đêm nghĩ và hành động có tầm nhìn chiến lược đi kèm theo bản lĩnh chính trị vững vàng thì khi ấy đổi mới ít chịu những rủi ro.
Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, với tinh thần những người lãnh đạo mà không chịu suy nghĩ tìm tòi đổi mới cách nghĩ, cách làm, rụt rè trước đổi mới cũng không nên tại vị cho hết nhiệm kỳ. Trong quá trình đổi mới cần xem trách nhiệm của mỗi bên liên quan đến đâu để yêu cầu từng bên phải có trách nhiệm giải trình cho những hành động mình thực hiện.
Đồng ý con người sẽ quyết định sự thành bại.
Tuy nhiên, một một lãnh đạo có tài giỏi đến đâu về chuyên môn giảng dạy hay kinh nghiệm quản lý thì cũng khó thành công trọn vẹn khi đứng đầu một ngành nếu không có tư duy, hành động đổi mới cũng như tập hợp được lực lượng những người xuất sắc nhất cống hiến.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.