📞

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Sức mạnh của các đại biểu Quốc hội là doanh nhân không chỉ nằm ở lá phiếu...

TS. Nguyễn Sĩ Dũng 10:40 | 12/04/2023
Sức mạnh của các đại biểu Quốc hội là doanh nhân không chỉ nằm ở lá phiếu, mà nằm ở sự hiểu biết về thị trường và ở sự cảm nhận trên thực tế hơi thở của nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, sức mạnh của các đại biểu Quốc hội là doanh nhân không chỉ nằm ở lá phiếu, mà nằm ở sự hiểu biết về thị trường và ở sự cảm nhận trên thực tế hơi thở của nền kinh tế.

Trong số 499 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa XV có 15 người là doanh nhân, đại diện cho các doanh nghiệp khu vực Nhà nước, tư nhân và hiệp hội doanh nghiệp. Với 15 ghế ở trong Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là doanh nhân chiếm khoảng trên 3% trong tổng số các đại biểu Quốc hội.

So với các nhiệm kỳ trước, số lượng đại biểu Quốc hội là doanh nhân có giảm. Để so sánh, Quốc hội khóa XIV và khóa XIII đều có 17 đại biểu trúng cử là doanh nhân.

Với một thiết chế hoạt động theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số, thì 15 ghế ở trong Quốc hội không phải là một lực lượng có thể khuynh đảo nghị trường. Tuy nhiên, sức mạnh của các đại biểu là doanh nhân không chỉ nằm ở lá phiếu, mà nằm ở sự hiểu biết về thị trường và ở sự cảm nhận trên thực tế hơi thở của nền kinh tế.

Hơn ai hết, các đại biểu là doanh nhân hiểu được môi trường kinh doanh đang như thế nào, những cải cách thể chế nào là cần thiết để doanh nghiệp và người dân có thể làm ăn dễ dàng hơn. Đồng thời, việc đưa sự hiểu biết của mình vào từng quyết sách của Quốc hội, giúp cho các quyết sách đó trở nên thiết thực và hữu ích là thế mạnh không thể phủ nhận của các đại biểu là doanh nhân.

Một thế mạnh khác của các đại biểu là doanh nhân chính là năng lực xử lý quan hệ và tác động lên nghị trình. Rõ ràng, mọi vấn đề của cuộc sống, của doanh nghiệp, cho dù quan trọng đến mấy, nhưng nằm ngoài nghị trình thì mãi chỉ là những vấn đề không được xử lý. Muốn Nhà nước có được các phản ứng chính sách phù hợp, thì các vấn đề này phải được đưa vào nghị trình, để đưa được vào nghị trình thì phải có năng lực thuyết phục.

Ngoài ra, làm doanh nhân giỏi là một việc, còn làm đại biểu giỏi lại là việc khác. Những thế mạnh tự nhiên của các doanh nhân sẽ được phát huy cao độ, nếu họ có các kỹ năng làm chính khách.

Trước hết, các đại biểu là doanh nhân phải tập hợp nhau lại thành một nhóm nghị sĩ là doanh nhân ở trong Quốc hội. 15/499 ghế ở Quốc hội là rất nhỏ bé. 15 đại biểu là doanh nhân lại mỗi người nói mỗi kiểu, hành động mỗi kiểu thì vai trò của họ lại càng nhỏ bé. Muốn thúc đẩy nghị trình, rõ ràng 15 đại biểu này phải hợp tác được với nhau, phải cung cấp được lập luận, chứng cứ cho nhau và phải hợp lực để thúc đẩy nghị trình.

Ở nghị viện nhiều nước trên thế giới, các nhóm nghị sĩ không chính thức được hình thành rất nhiều và thường hoạt động rất hiệu quả. Nhóm đại biểu là doanh nhân cũng có thể hình thành nên một cách không chính thức như vậy. Các đại biểu này có thể gặp gỡ trao đổi với nhau trước mỗi kỳ họp hoặc thậm chỉ uống cà phê với nhau để bàn luận sau mỗi phiên họp.

Đồng thời, các đại biểu là doanh nhân cần nhanh chóng phát triển kỹ năng tham luận của mình. Ở Quốc hội, mọi đại biểu đều ngang quyền, không ai có thể ra lệnh cho ai. Nhưng ở Quốc hội, các đại biểu có thể dùng lời nói để thuyết phục các đại biểu khác biểu quyết theo mình. Quyền lực của đại biểu là quyền lực “nói phải củ cải cũng nghe”. Ngoài ra, một đại biểu phát biểu hay còn tác động lên lãnh đạo và công chúng nhờ hiệu ứng truyền thông.

Bên cạnh đó, các đại biểu là doanh nhân cần giữ mối quan hệ với các doanh nghiệp không chỉ ở đơn vị bầu cử của mình, mà còn trong cả nước. Trong mô hình thể chế của nước ta, đại diện theo cơ cấu là một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Nghĩa là, các đại biểu là doanh nhân được cơ cấu làm đại biểu Quốc hội để đại diện cho các doanh nghiệp. Thật sự sẽ rất khó đại diện cho các doanh nghiệp, nếu sau khi được bầu, các đại biểu này không còn giữ được mối quan hệ với các doanh nghiệp nữa.

Ngoài ra, cũng cần thấy, doanh nghiệp và các doanh nhân là một lực lượng xã hội rất lớn và rất hùng mạnh. Họ có thể tác động lên mọi vị đại biểu trong Quốc hội, chứ không chỉ các vị đại biểu là doanh nhân. Vì vậy, đây là một lực lượng hùng hậu luôn ở bên cạnh các đại biểu là doanh nhân.

Cuối cùng, đại biểu là doanh nhân, ngoài việc đại diện cho lợi ích của doanh nghiệp và doanh nhân thì quan trọng hơn vẫn là đại diện cho lợi ích của quốc gia. Lợi ích của quốc gia bao giờ cũng phải được đặt lên cao nhất. Ở đây, chuẩn mực đạo đức của đại biểu - doanh nhân là phải tránh bị đẩy vào tình thế xung đột lợi ích. Khi lợi ích quốc gia, lợi ích của công chúng xung đột với lợi ích của doanh nghiệp, thì các đại biểu nên tuyên bố về sự xung đột lợi ích này và xin không tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề có liên quan.