Từ trái sang, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chụp ảnh chung sau cuộc gặp ngày 10/7 tại Vilnius (Lithuania). (Ảnh: Twitter) |
Bài toán khó được giải quyết
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/7 đã đồng ý cho phép Thụy Điển gia nhập NATO, tạo tiền đề cho các đồng minh thể hiện sự thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, nhất là trong vấn đề hỗ trợ Ukraine.
Sự ngăn cản của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đối với việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO đã phủ bóng đêm lên công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11/7, nhưng các nước đã giải quyết những khác biệt của họ trong các cuộc đàm phán kéo dài ở Vilnius (Lithuania).
Tin liên quan |
Thổ Nhĩ Kỳ ‘bật đèn xanh’ cho Thụy Điển vào NATO |
Chiến thuật trì hoãn của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các đồng minh NATO "nóng ruột", bao gồm cả Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan ngày 9/7 xác nhận rằng Tổng thống Biden và Tổng thống Erdogan đã thảo luận về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, cùng các vấn đề khác, và đồng ý gặp nhau ở Vilnius để đàm phán thêm.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Việc Thụy Điển gia nhập NATO là một bước đi lịch sử có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh NATO vào thời điểm quan trọng này. Điều đó giúp tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn".
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói: “Đây là một ngày tốt lành đối với Thụy Điển. Chúng tôi đã đạt được một bước rất lớn để hướng tới tư cách thành viên của NATO”.
Nỗ lực gia nhập của Thụy Điển vẫn phải được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận và ông Erdogan đã đồng ý thúc đẩy việc phê chuẩn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng có mặt tại Vilnius để tham dự Hội nghị thượng đỉnh, cảm ơn ông Stoltenberg và nói rằng: "Tôi mong được chào đón Thủ tướng Kristersson và Thụy Điển với tư cách là đồng minh NATO thứ 32 của chúng tôi".
Ngoại trưởng Anh James Cleverly viết trên Twitter: "Việc Thụy Điển gia nhập NATO là vì lợi ích của mọi người. Việc gia nhập của họ giúp tất cả chúng ta an toàn hơn. Anh hoan nghênh các bước mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ngày hôm nay để đưa điều này đến gần hơn".
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng hoan nghênh "tin vui" này trên Twitter.
Tại cuộc họp báo, ông Stoltenberg nhắc lại việc Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã “phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết các mối quan tâm an ninh chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tổng thư ký NATO cho hay: “Là một phần của quá trình đó, Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, thay đổi luật, mở rộng đáng kể hợp tác chống khủng bố và nối lại xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ”.
Sự "đánh đổi" không thiệt thòi
Hội nghị thượng đỉnh NATO bắt đầu vào ngày 11/7 với động lực mới sau khi Thổ Nhĩ Kỳ rút lại sự phản đối việc Thụy Điển gia nhập liên minh, một bước tiến tới sự thống nhất mà các nhà lãnh đạo phương Tây đã háo hức thể hiện khi đối mặt với xung đột Nga-Ukraine.
Không rõ một số yêu cầu khác của Tổng thống Erdogan sẽ được giải quyết như thế nào. Ông đang tìm kiếm thỏa thuận với Mỹ về các máy bay chiến đấu tiên tiến và con đường trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Nhà Trắng đã bày tỏ ủng hộ đối với cả hai vấn đề trên, nhưng công khai nhấn mạnh rằng các vấn đề không liên quan đến tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden cảm ơn Tổng thống Erdogan vì cam kết đẩy nhanh việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Biden nói thêm: “Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”.
Việc đề cập tăng cường khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ là một sự đồng ý với cam kết của ông Biden trong việc giúp Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-16 mới.
Chính quyền Tổng thống Biden đã ủng hộ mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ mua 40 chiếc F-16 mới cũng như các bộ dụng cụ hiện đại hóa từ Mỹ.
Đáp lại sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, vốn bị đình trệ kể từ năm 2018.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói rằng mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU "không phải là vấn đề của NATO, mà là vấn đề của EU".
Theo Thủ tướng Kristersson, Thụy Điển cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện các thỏa thuận hải quan với EU và cố gắng miễn thị thực đi lại ở châu Âu cho công dân của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng đạt được những mục tiêu này trong những năm gần đây nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn của khối thương mại.
Trước đó, văn phòng Tổng thống Erdogan cho biết ông đã nói với người đồng cấp Biden trong cuộc điện đàm vào ngày 9/7 rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhận được một thông điệp “rõ ràng và mạnh mẽ” về sự ủng hộ đối với tham vọng của Ankara từ các nhà lãnh đạo NATO.
Thông báo của Nhà Trắng về cuộc điện đàm nói trên không đề cập vấn đề tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
| Thổ Nhĩ Kỳ ‘bật đèn xanh’ cho Thụy Điển vào NATO Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đồng ý đưa vấn đề Thụy Điển gia nhập NATO vào chương trình thảo luận của Quốc hội. |
| Xung đột Nga-Ukraine: Kiev và Moscow thông tin về tình hình Bakhmut, VSU đẩy lùi nhiều đợt tấn công Bulgaria lo xung đột tại Ukraine lan rộng, Kiev kêu gọi Berlin không lặp lại sai lầm... là một số tin tức đáng chú ý ... |
| Hội nghị thượng đỉnh NATO: Liệu có một thuật toán mang đến 'phép màu' cho Ukraine? Ukraine vẫn "nuôi mộng" sớm trở thành thành viên NATO. Mặc dù hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga nhưng nhiều thành viên ... |
| Chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đổi lại được sự giúp đỡ của Mỹ về quốc phòng? Ngày 10/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler, trong đó ... |
| NATO đạt thỏa thuận về kế hoạch phòng thủ, Moscow nói Washington đang ‘dồn’ liên minh vào thế bất lợi nhất Ngày 10/7, vượt “rào cản” của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt ... |