Hai chuyến thăm hữu nghị nồng ấm, đầy tình cảm mà không phải ở đâu cũng có được. Đó là tình cảm của những người bạn chân thành, gắn bó qua bao năm tháng...
Baku, ngày 14/5/2015
Biển Caspi là hồ nước lớn nhất trên thế giới tính về cả diện tích và thể tích. Với diện tích mặt nước rất lớn, đến 371.000 km² (rộng hơn cả diện tích đất liền Việt Nam), nên dù không thông với đại dương nhưng Caspi vẫn được gọi là biển từ xưa đến nay. Biển Caspi có tên Hán Việt là Lý Hải nằm giữa Nga ở bờ phía Bắc và Iran ở bờ phía Nam, phía Đông là hai nước Turkmenistan, Kazakhstan và phía Tây là Azerbaijan.
Baku, Thủ đô của Azerbaijan nằm trên bán đảo Afsheron nhô ra hẳn biển Caspi. Đây là một trong những vùng có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới và có lịch sử khai thác dầu mỏ lâu đời. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên, trong chuyến thăm chính thức Azerbaijan của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giữa tháng 5/2015, vấn đề hợp tác trong lĩnh vực dầu lửa cũng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, không phải cho đến chuyến đi này, hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam với Azerbaijan mới được triển khai mà đã manh nha hình thành từ rất lâu trước đây. Và người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng của lĩnh vực hợp tác này, không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh! Khi đi thăm Liên Xô vào năm 1959, Bác Hồ đã có chuyến thăm Azerbaijan, khi ấy còn thuộc Liên bang Xô-viết.
Với nhãn quan thiên tài của mình, ngày 23/7/1959, khi tham quan vùng mỏ dầu Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí nước bạn: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku”.
Những lời nói tiên tri ấy đã thành hiện thực. Việt Nam đã có dầu ở ngoài biển khơi và trong nhiều năm tháng trước đây cũng như hiện nay, Azerbaijan đã giúp đào tạo nhiều cán bộ kỹ sư hoạt động trong ngành dầu khí, ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chiều 14/5/2015, tại Baku, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi gặp mặt các giáo sư, chuyên gia dầu khí, sĩ quan hải quân Azerbaijan từng đào tạo cán bộ cũng như sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chủ tịch nước đã chân thành cảm ơn những tình cảm và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng trong nhiều lĩnh vực của các thế hệ những người bạn Azerbaijan. Sự giúp đỡ ấy đã hỗ trợ Việt Nam không những giành chiến thắng trong chiến tranh mà còn thực hiện rất hiệu quả công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước sau này.
Bày tỏ vinh dự về cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng cảm động và nhiều ý nghĩa, ông Tofich Magormedov, cựu chuyên gia dầu khí Azerbaijan, từng công tác tại Việt Nam 20 năm cho biết: "Việt Nam đối với tôi là quê hương thứ hai. Tôi luôn nhớ giai đoạn đó có vô vàn khó khăn, gian khổ, những chuyên gia Liên Xô chúng tôi đã truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho các bạn Việt Nam trong việc khai thác dầu khí, và tôi rất tự hào khi biết rằng Việt Nam hôm nay đã có một ngành dầu khí hiện đại".
Havana, ngày 29/9/2015
Buổi sáng, tại Thủ đô của Cộng hòa Cuba, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa bước vào khuôn viên trường Tiểu học mang tên người anh hùng Việt Nam Nguyễn Văn Trỗi, cả ngôi trường rền vang tiếng các em học sinh đứng kín hành lang cả ba tầng gác chào mừng Chủ tịch. Rồi ở khoảng trống ngay đầu hành lang lối vào tầng hai, một nhóm học sinh đã diễn một hoạt cảnh nhỏ tái hiện hành động anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Quang cảnh này còn diễn ra ở trường tiểu học Võ Thị Thắng và trường Bác Hồ nữa... Chủ tịch nước đi đến đâu, một rừng cờ Cuba và Việt Nam rực rỡ vẫy cao như thể các cháu đón ông về thăm nhà! Cái cảm giác “về thăm nhà” ấy đã được Chủ tịch nước nhắc lại trong cuộc gặp và nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Cuba và bạn bè Cuba ở Đại sứ quán Việt Nam tại Havana.
Nhiều người trong số những người bạn Cuba có mặt ở đây đã từng gắn bó với Việt Nam trong thời gian chiến tranh, nay đều đã già... Bà Marta Rojar, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, vốn là một nhà báo và là một trong những người cuối cùng phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ một thời gian ngắn trước khi Người đi xa, tâm sự rằng, những ngày sống cùng nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước và sau này đã trở thành “những kỷ niệm đẹp nhất trong đời tôi” và hình ảnh Việt Nam sẽ mãi mãi trong trái tim bà.
Từng làm báo Granmar trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông Luis Arce chia sẻ: "Không thể tưởng tượng làm sao các bạn Việt Nam lại có thể xây dựng lại được đất nước nhanh chóng đến thế!". Theo ông, Việt Nam chiến thắng, làm được những điều đó là nhờ có sức mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh! |
Ông Fredesman Turro, tên Việt Nam là Hùng, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam, nói tiếng Việt lưu loát, nhắc lại một câu nói của Fidel Castro, rằng “quan hệ Cuba - Việt Nam là mẫu mực, là biểu tượng của thời đại”, sau bao khó khăn vẫn vững vàng, và đây chính là lúc để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Còn ông Luis Arce, từng làm báo Granmar trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đã chứng kiến những trận bom ném xuống Hà Nội thì chia sẻ cảm tưởng rằng “không thể tưởng tượng nổi rằng làm sao các bạn Việt Nam lại có thể xây dựng lại được đất nước nhanh chóng đến thế!”. Theo ông, Việt Nam chiến thắng, làm được những điều đó là nhờ có sức mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh!
Chiều ngày 28/9, cùng tham dự kỳ họp Thượng đỉnh của Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch Cuba Raul Castro đã thu xếp để bay về trước (chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ trước khi chuyên cơ của đoàn Việt Nam đến Havana) để chuẩn bị cuộc đón tiếp trọng thị dành cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam. Không chỉ có cuộc đón tiếp chính thức ấy, chúng tôi còn cảm nhận được tình cảm nồng hậu và ấm áp trong vô số các cuộc đón tiếp khác của người dân Cuba dành cho những người bạn Việt Nam.