Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội). |
Vấn đề thu hút người tài hiện nay vẫn còn bất cập, tuy nhiên, tôi muốn nói về người thực tài chứ không phải là cảm tình người tài. Người tài có năm bảy dạng, không phải chỉ là nhà lãnh đạo hay chính khách, hoặc nhà khoa học, thậm chí chỉ là một nông dân. Đừng quy người tài về hệ lãnh đạo, cho rằng đã là tài năng thì phải làm lãnh đạo. Đó là nhận thức theo tôi nghĩ là chưa đầy đủ, chưa đúng đắn.
Việc không công nhận hiệu trưởng đối với GS. Trương Nguyện Thành có lý do từ thể chế. Đó là quy định phù hợp với điều kiện nước ta. Chúng ta cần hết sức lưu ý và phân biệt giữa lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học với quản lý giáo dục. Không phải cứ có bằng cấp, thâm niên giảng dạy là bổ nhiệm lãnh đạo hay chức danh quản lý, bởi đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trong thực tiễn, nhiều người rất có khả năng nghiên cứu khoa học, giảng dạy nhưng không thể giao phó việc quản lý, nhất là với một trường đại học, lại là trường có quy mô, có uy tín, phức tạp về đầu mối quản lý, về nội dung hoạt động.
Từ chối nhân tài đồng nghĩa “tự sát”
Trước đây, chúng ta từng hoang mang với thực trạng 13 em đi du học có tới 12 em không về nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số học sinh, sinh viên học xong ở lại nước ngoài. Có thể do họ lựa chọn môi trường làm việc phù hợp, chọn nơi có lương cao, có đồng nghiệp tốt, chất lượng cuộc sống cao…
Tuy nhiên, có những em hoàn toàn vi phạm cả pháp luật và đạo đức, thiếu tinh thần yêu nước, ra đi học tập bằng tiền của nhà nước, do người dân chắt chiu từng đồng đóng thuế nuôi họ ăn học. Khi học xong, họ ở lại lo cho bản thân, “cuỗm” luôn cơ hội của người khác, mang món nợ với đất nước. Chúng ta không ngăn cấm việc lựa chọn nơi học tập, sinh sống. Nhưng không thể chấp nhận người tiêu tiền nhà nước ăn học và trốn tránh nghĩa vụ phục vụ, lợi dụng nguồn lực, sự tin tưởng của cơ quan, doanh nghiệp để trục lợi.
Cũng có trường hợp trong nước chưa đáp ứng điều kiện làm việc, nghiên cứu khoa học, đời sống. Do đó, một số người lựa chọn nơi có điều kiện tốt để sống, học tập, phát triển. Đảng, Nhà nước, địa phương, bộ ngành cũng đã có chính sách khuyến khích, trọng dụng người tài. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn hạn chế ở nguồn lực. Hơn nữa, những người tài thực sự cũng cần chia sẻ khó khăn trước mắt với đất nước. Tấm gương của kỹ sư Trần Đại Nghĩa về nước sáng tạo vũ khí phục vụ kháng chiến trong điều kiện vô cùng khó khăn rất đáng để các thế hệ sau này suy nghĩ.
Tôi từng nghe nhiều người đặt câu hỏi: “Nếu trên trải thảm, dưới lót đinh thì sao có thể thu hút người tài?”. Về lý thuyết tôi nghĩ, không có chuyện đó. Tuy nhiên, thực tiễn do những lý do khác nhau vẫn xuất hiện tình trạng gây khó, cạnh tranh thiếu lành mạnh khi tuyển chọn, sử dụng người có năng lực, “người tài”. Có lẽ ở đâu cũng có tình trạng này và đó chính là căn bệnh nguy hiểm. Bởi lẽ, khi từ chối kẻ sĩ, cấm cửa nhân tài đồng nghĩa với “tự sát” về tổ chức và hoạt động.
Tôi cho rằng cần rà soát, nghiên cứu quy định về tuyển chọn cán bộ, nhất là chọn “người tài”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo là cần chọn người tài chứ không chọn “người nhà”. Đó là phương châm đúng đắn, thông điệp rõ ràng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần xây dựng chủ trương, quy định, tiêu chuẩn và mở rộng cửa chào đón người có năng lực thực sự, có phẩm chất tốt, phù hợp với công việc.
Theo thống kê của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2015, hiện có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 – 40.000 USD mỗi năm. Như vậy, người Việt đang chi khoảng 3 tỉ USD mỗi năm để có được nền giáo dục quốc tế. Báo cáo mới nhất thuộc nghiên cứu “Giá trị của giáo dục” với tên gọi “Những nền tảng cho tương lai” vừa được Ngân hàng HSBC công bố cho thấy, 60% các bậc cha mẹ trong số 6.200 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cho biết họ sẵn sàng vay nợ để con cái của họ được học đại học. Việt Nam xếp thứ 6 (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada) trong số các quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất, tính cả hệ thống giáo dục bao gồm cao đẳng – đại học và các cấp đào tạo khác. |
Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH, Ủy viên Thường trực Ủy ban
Các vấn đề xã hội của Quốc hội