Ảnh minh họa. |
Thời gian qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng ở nước ta diễn ra hết sức phong phú, đa dạng kèm theo nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức trong công tác quản lý để vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân vừa đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Diễn biến phức tạp trên không gian mạng
Với chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, phát triển phong phú, đa dạng; mọi người dân đều được tự do hoạt động, tham gia tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật; các tôn giáo ở Việt Nam đều được bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử. Mỗi tôn giáo đều đóng vai trò quan trọng, là một phần không nhỏ trong đời sống văn hóa, xã hội của đất nước.
Tính đến nay, ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo với khoảng 27 triệu tín đồ theo các tôn giáo khác nhau.
Các tôn giáo, tổ chức, hội nhóm tôn giáo, cơ sở thờ tự, nhà thờ, chùa lớn… cũng đã sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… để truyền thông, kết nối với cộng đồng và tín đồ của mình với lượt theo dõi cao, như trên trang thông tin trên Facebook của nhà xuất bản Trí Việt (thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam) có hơn 36.000 người theo dõi, Hội đồng Giáo lý Việt Nam có hơn 45.000 người, chùa Tây Thiên hơn 1 triệu, tổ chức Phật giáo Việt Nam hơn 500.000 theo dõi...
Với ưu thế vượt trội như lượng thông tin truyền tải lớn, lan toả nhanh, cách thức đa dạng, phong phú, không bị hạn chế về không gian, thời gian, số lượng người tham gia..., mạng xã hội đã được các cá nhân, tổ chức tôn giáo triệt để khai thác, sử dụng để “sinh hoạt tôn giáo online” dưới hình thức diễn đàn, hội thảo online, nhóm kín… thông qua các ứng dụng Website, Facebook Fanpage, Zalo, Telegram, Instagram, Lotus, Mocha, Gapo, TikTok, Zoom, Youtube…; truyền đạo cũng như thể hiện đức tin của mình.
Hiện nay, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam coi đây là “con đường mới” để đưa tín ngưỡng, tôn giáo đến với người dân, tín đồ. Đại đức, TS. Thích Nhuận Huệ - Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định nhận định, cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông để đưa Phật pháp đến cư dân mạng. Mạng xã hội cũng là một cách để người tín hữu tuyên xưng, chia sẻ những điều tốt đẹp, đức tin đến với mọi người.
Chị Nguyễn Thị Kim Bích (Giáo xứ Đức Hòa - Giáo phận Mỹ Tho) cho biết: “Tôi hay chia sẻ những thông tin về việc thiện nguyện, bác ái và sống đẹp.
Hay chị Phạm Thị Ngân (Giáo xứ Đạo Truyền - Giáo phận Hà Nội) cho biết: “Việc chia sẻ đức tin của mình lên Facebook cũng là một cách tôi nhắc nhở chính bản thân mình luôn sống đúng tinh thần Kitô hữu, đồng thời truyền tải niềm hi vọng và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa đến với anh em”. mạng xã hội được coi như “giáo đường online” giúp mọi người dễ dàng chia sẻ thông tin, thể hiện tín ngưỡng, giáo điều và cầu nguyện cho nhau…; giáo dục đức tin cho giới trẻ, đời sống hôn nhân, gia đình; hướng tín đồ tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, việc tử tế, yêu thương con người...
Tuy nhiên, trên không gian mạng, tự do tôn giáo đang bị đe dọa xâm phậm bởi các hoạt động trái phép như phản động, bạo lực và kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Những hoạt động này không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến các tôn giáo và tín đồ.
Một bộ phận nhỏ chức sắc, tín đồ một số tôn giáo có tham vọng chính trị, bị các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng, tác động, lôi kéo, đã có những hành động cực đoan, quá khích chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nói riêng và trên các lĩnh vực nói chung.
Phụ hoạ với các thế lực thù địch, các phần tử phản động, chống đối ở cả trong và ngoài nước, số này thường xuyên viết bài, tán phát những thông tin sai sự thật, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; xuyên tạc tình hình tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam; tán phát các nội dung kích động tôn giáo; tuyên truyền, khuyến khích bạo lực, gây ra mâu thuẫn và phân biệt chủng tộc giữa các tôn giáo khác nhau.
Điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình, phản đối và đối đầu giữa các tôn giáo, gây rối loạn trật tự công cộng. Ngoài ra, một số tổ chức hoặc cá nhân cũng có thể sử dụng mạng xã hội để quảng bá và tuyên truyền các thông điệp sai lệch về một tôn giáo hoặc một nhóm tín đồ cụ thể, nhằm phá hoại hình ảnh và uy tín của họ.
Có thể kể đến đối tượng Nguyễn Đình Thục, một kẻ phản động mang danh "cha xứ". Lợi dụng đức tin, thông qua mạng xã hội, y kêu gọi, kích động giáo dân, giáo xứ Bình Thuận (xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) “xuống đường” biểu tình phản đối chính quyền mở đường phục vụ người dân đi lại.
Đáng chú ý, trên không gian mạng hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều hoạt động mượn danh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, truyền bá “tà đạo”, “đạo lạ” và những nội dung xấu đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam, tuyên truyền bài xích tôn giáo chính thống, tạo mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết dân tộc; bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Điển hình là các hội, nhóm “Pháp Luân Công”, “Hội Thánh Đức chúa trời mẹ” sau khi bị phát hiện, giải tán các tụ điểm sinh hoạt tập trung, một số đối tượng cốt cán đã chuyển sang sinh hoạt, tụ tập, truyền giảng đạo trực tuyến trên không gian mạng qua một số ứng dụng như Facebook, Youtube… Đối tượng hướng đến là người già, học sinh, sinh viên, người mắc bệnh nan y nhưng có khả năng, điều kiện sử dụng thiết bị kết nối mạng Internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Không những thế, hiện nay, có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng đức tin, tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi. Họ mượn danh tôn giáo, tín ngưỡng để tuyên truyền những quan điểm sai lệch, kêu gọi từ thiện trên không gian mạng… nhưng thực chất là để thu lợi bất chính.
Chắc hẳn mọi người đều không xa lạ với cái tên “Tịnh thất bồng lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”, một địa điểm hoạt động trái phép mượn danh “cơ sở thờ tự của Phật giáo” để trục lợi bất chính. Lê Tùng Vân cùng với một số đối tượng đã giả danh Phật giáo, mặc trang phục gần giống các tăng sĩ, tự xưng là “thầy”, thực hiện hoạt động “truyền đạo” nhưng lại không phải là truyền giáo lý Phật giáo mà là những “giáo lý” do y tự nghĩ ra để lôi kéo tín đồ; lợi dụng lòng tin, tấm lòng từ thiện của tín đồ và người dân kêu gọi từ thiện cho "trẻ mồ côi" nhưng thực chất đều là con, cháu của y…
Không những thế, nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng, tôn giáo, tín ngưỡng để tuyên truyền mê tín dị đoan như xem bói, cúng giải hạn, cắt tiền duyên, chữa bệnh online, lên đồng…; lợi dụng tâm lý tò mò của người dùng mạng xã hội, thu hút sự chú ý, tương tác của cộng đồng mạng để bán hàng, trục lợi, lừa đảo. Nhiều người do thiếu hiểu biết, cả tin, cuồng tín nên dễ bị lừa gạt bởi những hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan này.
Cô đồng "đúng nhận, sai cãi" livestream khi xem bói khiến dư luận xôn xao. (Ảnh chụp từ màn hình) |
Gần đây nhất có thể kể đến vụ "cô đồng" Trương Hương với hoạt động xem bói online cùng phát ngôn “đúng nhận sai cãi” gây "bão" dư luận những ngày vừa qua. Đối tượng này đã thường xuyên đăng tải những video có nội dung tuyên truyền mê tín, dị đoan lên tài khoản facebook cá nhân, thu hút hàng triệu lượt xem. Hành vi này đã bị Công an huyện Kinh Môn (Hải Dương) xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”…
Hay cũng đã có rất nhiều "thánh cô", "thánh cậu" tự nhận mình là "người trời", có thể chữa bách bệnh bằng bùa chúa, nước thánh; đăng tải những clip "chữa bệnh" lên mạng xã hội nhằm thu hút người xem, tìm đến khám chữa…
Hiện trạng trên đã đặt ra thách thức và yêu cầu cần tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng để vừa bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng của người dân, vừa giữ gìn, phát huy những giá trị tốt tốt đẹp, chống mê tín, dị đoan đồng thời ngăn chặn âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. |
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng
Để đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác nắm tình hình, giám sát nội dung trên không gian mạng. Áp dụng chặt chẽ các chính sách quản lý, kiểm soát nội dung trên mạng để ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch, kích động, gây mất ổn định xã hội; đồng thời, đảm bảo không vi phạm quyền tự do ngôn luận và tôn giáo của người dùng mạng.
Hai là, tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về quyền tự do tôn giáo, giúp người dân hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình, cùng như nhận thức được giới hạn của quyền tự do tôn giáo và tôn trọng quyền của người khác.
Ba là, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tôn giáo, tín đồ thực hiện các nghi lễ, nghi thức, tôn giáo trên không gian mạng, vừa thuận lợi cho công tác quản lý, vừa bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân và các tổ chức.
Bốn là, thúc đẩy sự tương tác giữa các tôn giáo khác nhau trên mạng. Cần khuyến khích sự tương tác giữa các tôn giáo khác nhau trên mạng để người dân có thể hiểu và tôn trọng quan điểm và giá trị của nhau.
Năm là, tăng cường tuyên truyền về pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong linh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo trên mạng và đưa ra trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hành vi vi phạm này.
Sáu là, xây dựng các cơ chế phản hồi nhanh chóng cho các vi phạm quyền tự do tôn giáo trên mạng để giúp người dân có thể báo cáo các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo trên mạng và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Trên không gian mạng hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều hoạt động mượn danh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, truyền bá “tà đạo”, “đạo lạ” và những nội dung xấu đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam, tuyên truyền bài xích tôn giáo chính thống, tạo mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết dân tộc; bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chính sách tôn giáo của Việt Nam. |
(*) Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.