Sốc văn hoá là trạng thái thường gặp khi thay đổi môi trường sống như việc đi từ nước này sang nước khác. Môi trường sống mới, nhịp sinh hoạt khác lạ, trở ngại ngôn ngữ và phong tục bản địa là nguyên nhân của “sốc văn hoá”.
Tìm triệu chứng
Khi ra nước ngoài trong một thời gian dài, đôi khi bạn thấy buồn, cô đơn. Mọi thứ khác với điều mình từng tưởng tượng hoặc mình muốn. Điều này khiến nhiều người mệt mỏi, dễ cáu kỉnh và nóng giận bất thường giữa nơi đất khách quê người. Thậm chí bạn muốn trở về nhà trong vòng “một nốt nhạc”!
Anh Tuấn đang theo học Thạc sĩ tại Anh. |
Ngay khi vừa đến đảo quốc sương mù, Anh Tuấn (đang theo học Thạc sĩ ở Anh) lập tức kêu trời vì trở ngại ngôn ngữ mặc dù đã học tập và sử dụng tiếng Anh trong một thời gian dài ở Việt Nam.
“Người Anh sử dụng nhiều tiếng lóng, tiếng địa phương, thậm chí ngữ âm của từng vùng cũng khác nhau, đặc biệt là tốc độ nói rất nhanh. Nhiều khi tôi phải căng tai ra để hiểu người đối diện muốn nói điều gì”, Tuấn than thở.
Võ Ngọc Anh (du học ở Lyon, Pháp) cho biết, các du học sinh Việt Nam gặp phải cú sốc trên các phương diện: giao tiếp với bạn bè gia đình, học tập và cộng đồng. Sốc văn hóa trở thành áp lực khi bạn tự đưa ra tiêu chí buộc bản thân phải hòa nhập, chấp nhận khác biệt đó mà không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác hay không có ai để chia sẻ.
Không chỉ vậy, môi trường học tập tại các nước phát triển rất khác Việt Nam. Với Tuấn, do khóa học Thạc sĩ chỉ trong một năm nên khối lượng kiến thức được “nén” lại rất nhiều. Học viên gần như dành trọn thời gian đọc hàng chục cuốn sách chuyên ngành, bên cạnh đó là những buổi seminar, thảo luận, học và vận dụng các kỹ năng thực hành. Điều này khiến ai cũng căng thẳng tột độ!
Sốc ngược
Một trong những “tác dụng phụ” của việc sinh sống ở nước ngoài trong thời gian dài chính là sốc văn hóa… trên chính quê hương. Tốt nghiệp đại học, kỹ sư IT Nguyễn Tấn Trí (27 tuổi) được nhận vào FPT Software và được cử sang Nagoya, Nhật Bản làm việc trực tiếp với khách hàng gần hai năm nay. Nhờ được học tiếng và tìm hiểu văn hóa từ trước nên Trí dễ hòa nhập ở xứ Phù tang nhưng lại choáng váng mỗi khi về nước.
Kỹ sư IT Nguyễn Tấn Trí tại Nhật Bản. |
Người Nhật làm việc chuẩn giờ, đúng deadline, yêu cầu cao và không bao giờ can dự vào chuyện của người khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản có chất lượng dịch vụ rất tốt, rất tôn trọng khách hàng, kể cả hành chính công khi cần làm giấy tờ. Khi thực khách ăn xong bước ra khỏi nhà hàng thì toàn bộ nhân viên đều nói lời cảm ơn. Khi đi tàu hỏa, người soát vé, nhân viên trực từ toa đầu đến toa cuối đều cúi chào lịch sự khi khách đi qua.
“Những điều này ở Việt Nam chưa phổ biến và đôi khi miễn cưỡng. Thậm chí, khách hàng không được đối xử tốt nên tôi phải... thích nghi lại”, Trí cho biết. Chàng kỹ sư hy vọng việc cung cấp dịch vụ ở Việt Nam cũng sẽ tốt như vậy, vì điều đó góp phần làm nên văn hóa của đất nước thời hiện đại.
Thuốc đắng dã tật
Sốc văn hóa là một hiện tượng tất yếu nhưng không đáng ngại như mọi người lo sợ. Tùy từng môi trường mà có thể vận dụng và thay đổi một số thói quen sống có thể mang lại một cuộc sống tích cực. Sẽ tốt cho bạn nếu làm quen với việc tuân thủ các quy định nghiêm túc, chịu phạt vì đi trễ hay những lời phê bình về thái độ làm việc.
“Ở Anh, các trường đại học chú trọng đến khả năng tự học, tự nghiên cứu nên tôi phải tự mày mò lên thư viện, tự lên văn phòng khoa hỏi bài giảng viên, tham khảo ý kiến từ các bạn cùng lớp. Có lẽ cũng vì vậy mà tôi cảm thấy vốn kiến thức của mình thường xuyên được mở mang, hiểu sâu sắc hơn về chuyên ngành mà tôi đang theo đuổi”, Anh Tuấn cho biết.
Những lúc rảnh rỗi, Tuấn hay đi xe buýt, xe khách tốc hành, hoặc tàu, để đến các thành phố nổi tiếng ở Anh như Stratford-upon-Avon, Oxford, London, Liverpool… để tăng “độ va chạm” và hiểu thêm về nước Anh nhằm điều chỉnh mình. Đôi khi chỉ đơn giản là làm quen với chú bán hàng tạp hóa, nói chuyện với bác bán vé xe buýt, chị thủ thư. Anh còn được giới thiệu đến sống và sinh hoạt trong một gia đình người Anh ở Birmingham vào cuối tuần...
Nhập gia tùy tục
Trước khi đến sinh sống, làm việc ở một quốc gia nào đó, chúng ta cần tìm hiểu ở mức độ tiệm cận cao nhất về đất nước đó, chứ không đợi đến khi sang tới nơi mới học.
Đối với du học sinh, bạn cần hạn chế thói quen cá nhân và tôn trọng thói quen của người khác, nhất là các bạn cùng nhà thuê, cùng lớp đến từ các nền văn hóa khác. Ví dụ những ai đến từ các nước Hồi giáo thường khép kín và rất ngại khi bạn cùng phòng dẫn bạn khác giới về chơi. Họ thường có những buổi cầu nguyện nên cần yên tĩnh, hay chỉ ăn những loại thịt không máu. Ngược lại, những người đến từ các nước phương Tây thì lại thích những buổi tiệc sôi động, coi trọng sự riêng tư cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
Không chỉ du học sinh, ngay cả những người lập gia đình với người nước ngoài hoặc sinh sống ở ngoại quốc cũng nên tham gia các chương trình giáo dục. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, có nhiều lớp học tiếng Hàn và văn hóa Hàn cho phụ nữ di trú kết hôn, lớp học và dạy tiếng Việt cho trẻ em các gia đình đa văn hóa. Trải qua các lớp học này, các học viên sẽ sẽ chuẩn bị hành trang tốt hơn để bước vào cuộc sống một cách thận trọng. Trên thực tế, sau khi học, các cô gái trở nên chăm chỉ hơn, học ở lớp rồi, về nhà vẫn tiếp tục mua nguyên liệu học nấu các món ăn Hàn Quốc.
Tuy nhiên, chẳng bao giờ bạn có thể biến mình giống người bản địa 100%. Hãy giới thiệu, chia sẻ và cho người bản xứ hiểu được phong tục tập quán của mình để nhận lại sự thông cảm và tôn trọng.