📞

Từ làn sóng người dân ùn ùn về quê, cần có tầm nhìn dài hạn về lực lượng lao động?

Nguyệt Anh 19:40 | 13/10/2021
Từ làn sóng dịch bệnh khiến người dân 'rồng rắn' về quê, cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, phải chăng chúng ta chưa có một tầm nhìn dài hạn, không dự liệu được các tình huống về lực lượng lao động?
TS. Lưu Bình Nhưỡng nhận định, thực trạng người lao động về quê đặt ra vấn đề an sinh xã hội rất lớn.

Đó là quan điểm của TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ĐBQH khóa XIV, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội từ thực trạng người lao động tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam về quê do tác động của dịch Covid-19.

Là người dành nhiều tâm huyết với các chính sách an sinh xã hội, ông có suy nghĩ gì trước những cuộc di chuyển lớn về quê diễn ra ngay sau khi TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam bắt đầu mở cửa trở lại hiện nay?

Việc người dân di cư từ TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp, các thành phố lớn sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội là một vấn đề lớn.

Số lượng người dân về quê rất đông, có thể lên đến trên 100 nghìn người. Trong số đó, không chỉ là những lao động trẻ khỏe mà có cả những người trung niên, nhiều trẻ em.

Họ đi bằng các phương tiện cá nhân, hầu hết là xe máy, kèm theo đồ đạc, tư trang, trốn chạy khỏi thành phố bởi thời gian rất dài phải chịu cảnh cách ly, mất việc làm.

Điều đáng nói, tài chính đảm bảo cho đời sống của họ rất eo hẹp, có những người ra về trong túi chỉ còn 50 nghìn đồng. Họ di chuyển trong một quãng đường dài, trong sự mệt mỏi và tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Ở đây còn một vấn đề rất phức tạp là về phía Nam vào mùa mưa, còn về phía Bắc thì đi qua miền Trung, nơi đang trong tình trạng mưa bão, lũ lụt...

Chính các yếu tố đó đã tác động, đặt ra những vấn đề về rất lớn mặt an sinh cũng như nguy cơ về khủng hoảng an sinh xã hội.

Thêm vào đó, họ không chỉ vất vả trong quá trình di chuyển trên đường về quê mà còn vấn đề khác, đó là cạn kiệt về tiền bạc, muốn sinh nhai thì cũng phải làm lại từ đầu. Như vậy, cả những nơi họ đi lẫn nơi sắp đến đều đặt ra vấn đề an sinh rất lớn, rất đáng lo ngại, tiềm ẩn những nguy cơ khác về phòng chống dịch bệnh và an toàn xã hội.

Phương án nào tối ưu cho người lao động khi dịch bệnh đã “xuyên thủng” nhiều thành trì sản xuất lớn, thưa ông?

Có thể nói, lúc này chưa có phương án nào tối ưu. Người dân và doanh nghiệp đã từng hỗ trợ và thực tế có những người đang trong cơn tuyệt vọng, có những doanh nghiệp cũng đang trong cảnh bĩ cực, thậm chí đóng cửa.

Cho nên, huy động tiếp nguồn lực của người dân và nguồn lực của Nhà nước hiện nay là vô cùng khó khăn. Chưa nói đến sự phát triển, chỉ nói về vấn đề an sinh, với tình hình như hiện nay, khó có thể vận động các nguồn hỗ trợ dồi dào như những giai đoạn trước.

Hơn nữa, chúng ta vẫn còn phải tiếp tục phòng chống thiên tai, bão lũ, lở đất, lũ quét,... do đó, tư thế thường trực là phải có những khoản dự phòng. Thế nên, những người về quê cũng gặp không ít khó khăn.

Theo tôi, không có phương án tối ưu, chỉ có những phương án giảm nhẹ, giảm bớt khó khăn, giải quyết trong ngắn hạn chứ khó giải quyết trong dài hạn được.

Chúng ta đã có gói hỗ trợ lớn từ ngân sách Nhà nước trong làn sóng dịch thứ 3 khi Quốc hội khóa XIV thông qua gói an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng.

Gói thứ 2 được thông qua bởi Nghị quyết 03 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 116 của Chính phủ và Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10 vừa qua.

Tuy nhiên, đối tượng được hưởng là những người lao động có thời gian đóng bảo hiểm đến 30/9/2021. Như vậy, những người dân rời thành phố về quê không trong diện đó nên không được hưởng hỗ trợ từ gói này.

Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo địa phương phải vào cuộc, có những hỗ trợ cho người dân về quê. Tôi nghĩ, hiện nay cần sử dụng nguồn từ Ngân hàng chính sách xã hội. Khoản này có thể sử dụng cho vay không lãi, hoặc lãi suất thấp để người dân trở về có thể vừa ổn định cuộc sống, vừa sản xuất.

Việc “ở yên tại chỗ” để phòng chống dịch trong nhiều tháng qua đã khiến không ít người lao đao. Lời giải nào cho thực trạng này, thưa ông?

Lúc này không chỉ người lao động lao đao, nên chúng ta không chỉ giải quyết bài toán cho người lao động. Tôi cho rằng, lời giải tốt nhất hiện nay là phải nhanh chóng ổn định và phát triển sản xuất.

Điều quan trọng là làm sao để hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng như Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Đồng thời, Nhà nước phải cắt giảm các thủ tục hành chính, nới lỏng các thủ tục cho doanh nghiệp nhanh chóng trở lại hoạt động để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Vậy cần thiết có sự sát cánh, đồng hành của các bên liên quan với người lao động thế nào, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như lao động thời vụ, lao động tự do?

Thực sự đây là một bài toán khó vì chúng ta không thể bao quát được hết toàn bộ. Nói đúng hơn, đây là vấn đề chung của toàn xã hội cho nên ở góc độ nào đó, chúng ta có được khoản hỗ trợ nào thì hỗ trợ chứ không thể chạy đuổi theo, thấy áo rách chỗ nào thì vá chỗ đó mà không có chiến lược tổng thể.

Tất cả những vấn đề đó phải được nhìn nhận, rà soát lại để đánh giá một cách đầy đủ. Đối với những đối tượng thuộc diện khó khăn thì phải đưa vào diện bảo trợ xã hội để hỗ trợ trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, vấn đề quan trọng là họ vẫn phải có công ăn việc làm.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên nhìn nhận cuộc di chuyển lao động hiện nay như là cơ hội để khai thác tốt hơn nguồn lực lao động. Ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng đây là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc chứ không phải là một cơ hội. Bởi vì, người lao động ra về thì đời sống của họ khó khăn, bản thân doanh nghiệp cũng khó khăn.

Lúc này, doanh nghiệp có lao động là tốt rồi chứ đừng nói là lao động đầy đủ và lao động ở trình độ cao. Cho nên, đối với những lao động còn trụ lại được thì phải đưa trở lại và tạo mọi điều kiện để mọi người đảm bảo ổn định đời sống.

Phải có cơ chế, ví dụ cho người lao động ứng tiền lương trước để yên tâm sản xuất chứ không thể “máy móc” trả lương tận cuối tháng.

Vấn đề thứ hai, bây giờ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần phải có tham mưu, có chính sách tái đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp lại cho người lao động. Đồng thời, phải rà soát lại tất cả chính sách về nhà ở, về an sinh, những vấn đề về học hành cho con em họ… để kéo người lao động trở lại thị trường lao động.

Như Thủ tướng chỉ đạo là ai còn có khả năng ở lại thì làm sao hỗ trợ tối đa cho người lao động trụ lại với doanh nghiệp. Còn người lao động nào quay trở về quê thì cần hỗ trợ tốt cho đời sống của người ta tại quê hương để ổn định đời sống.

Do đó, theo tôi, vấn đề quan trọng là động viên để người lao động đã từng làm trong doanh nghiệp quay trở lại phục vụ sản xuất vì hiện tại doanh nghiệp đang rất thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn.

Phải chăng, cũng cần phân bổ lại lao động giữa các vùng miền theo hướng “ly nông bất ly hương”?

Nhà nước không thể can thiệp cứng nhắc được vấn đề phân bổ lao động, bởi nó phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam là nơi Nhà nước quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Ở đâu có doanh nghiệp, thì làn sóng lao động sẽ "đổ" về đó như sự di chuyển mang tính tự nhiên chứ Nhà nước không cần giao kế hoạch cần phải phân bổ lại lao động, phân bổ lại dân cư.

Chúng ta không có quyền bắt người này phải di chuyển đến vùng khác, hay yêu cầu người lao động được đào tạo ở trường này phải phân phối về khu vực kia. Vấn đề quan trọng nhất ở đây, cần quy hoạch lại hoạt động sản xuất, quy hoạch lại mạng lưới doanh nghiệp để thị trường lao động hình thành mà không cần "can thiệp".

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp công nghệ cao đang cần rất nhiều lao động không chỉ có tay nghề mà còn phải có phẩm chất tốt. (Nguồn: Lao động)

Ông đánh giá như thế nào về những mũi đột phá chiến lược cho giai đoạn tới (nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao)?

Hai Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng đều đề cập 3 đột phá chiến lược nêu trên. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa đạt được như mục tiêu đã đề ra.

Ví dụ, trong thời kỳ "dân số vàng", đạt được chỉ số 35% lao động có tay nghề cao đã là một kỳ tích, là một bài toán khó rồi, chưa cần nói đến 75% lao động có tay nghề.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp công nghệ cao đang cần rất nhiều lao động không chỉ có tay nghề mà còn phải có phẩm chất tốt. Do đó, lao động phải được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện theo chiến lược.

Trong giáo dục nghề nghiệp, chúng ta đã có kế hoạch "đón" người lao động vào thị trường lao động khi không tiếp tục học trung học phổ thông. Đây là vấn đề mang tính chiến lược, mà chiến lược này hoàn toàn phụ thuộc vào kế hoạch đào tạo, cũng như đảm bảo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nghề của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Cho nên ở đây, chúng ta phải thực hiện trong một phạm vi dài hạn, phải tiến hành từ trước chứ không phải vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 rồi mới thực hiện.

Như trên đã nói, đây là vấn đề chiến lược, đòi hỏi phải có quy hoạch, có kế hoạch chứ không phải chúng ta đào tạo theo kiểu ăn đong, nay thiếu cái này thì đào tạo cái này, mai thiếu cái kia thì đào tạo cái kia; người này thiếu kỹ năng này thì đào tạo kỹ năng này, thiếu kỹ năng kia thì đào tạo kỹ năng kia.

Chúng ta phải đi trước, đón đầu nếu không, người lao động sẽ trở nên lúng túng và không có điều kiện để tham gia vào quá trình tuyển dụng. Còn người sử dụng lao động thì không tuyển chọn được người lao động có các phẩm chất, tay nghề theo đúng yêu cầu, đòi hỏi trong sản xuất, kinh doanh.

Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi phải bài bản, có căn cứ, có dự báo khoa học.

Cuộc "di dân" lớn này đặt ra nhiều thách thức trong việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, kỹ năng và chất lượng cao ra sao, thưa ông?

Từ làn sóng dịch bệnh khiến người dân “rồng rắn” về quê, buộc chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, rằng phải chăng chưa có một tầm nhìn dài hạn, không dự liệu được các tình huống về lực lượng lao động?

Ở khía cạnh nào đó có thể nói rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự là chiến lược. Theo tôi, đào tạo lao động có chiến lược là phải nắm được lực lượng lao động phân bố như thế nào, cần thống kê dân cư lao động để từ đó đặt các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề.

Đồng thời, biết đào tạo lao động cần thiết cho mỗi loại hình kinh doanh sản xuất là gì? Tuy nhiên, thực tế ở nước ta chưa làm được như thế.

Cùng với đó, như tôi đã từng đề cập, chúng ta không biết cách sử dụng lực lượng lao động ở nước ngoài trở về nước. Một trong các mục tiêu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là kết hợp đào tạo tay nghề, sử dụng kinh nghiệm, tác phong công nghiệp để khi họ trở về phục vụ nhu cầu nhân lực trong nước.

Chính vì thế, có cảm giác như chúng ta đang thiếu chiến lược chứ không phải đang làm chiến lược. Chiến lược dường như mới có ở trong các Nghị quyết của Đảng chứ thực ra nếu nhìn tổng thể chưa có chiến lược về nguồn nhân lực này.

Do đó, cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ những vấn đề này. Thậm chí, tôi nghĩ Thủ tướng Chính phủ cũng cần phải có sự chỉ đạo cho tất cả các bộ, ngành, địa phương báo cáo, đánh giá toàn bộ hệ thống dân cư, lao động gắn với quá trình sản xuất kinh doanh và quy hoạch phát triển kinh tế.

Từ đó, để xây dựng chiến lược và hình thành kế hoạch đào tạo nhân lực, không chỉ là đào tạo người lao động có "tay nghề" mà là lực lượng lao động với những yêu cầu về phẩm chất, trình độ, kỹ năng thích ứng, phù hợp cho nền kinh tế.

Cuối cùng, tôi cho rằng, không chỉ căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế mà cần phải có một tư duy chiến lược về phát triển kinh tế, đó là đào tạo lao động có tính chất đón đầu.

Xin cảm ơn ông!