Tàu tuần duyên Munro (755) của Mỹ và tàu tuần duyên Philippines (8301) tập luyện chung ở khu vực phía đông Biển Đông ngày 31/8. (Ảnh: Hạm đội 7) |
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về sứ mệnh của Tuần duyên Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Về Tuần duyên Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng Mỹ chắc chắn là một quốc gia Thái Bình Dương. Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã có hơn 150 năm hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương và chúng tôi rất tự hào về điều đó.
Chúng tôi đã và đang bảo vệ những lợi ích của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhìn nhận ở một phạm vi rộng hơn, chúng tôi xem đây là khu vực cực kỳ quan trọng. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm 1/2 thương mại và dân số thế giới.
Là nước đi đầu trong lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải, Mỹ có vai trò đóng góp vào sự ổn định và an ninh của khu vực.
Phó đô đốc Michael McAllister, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. (Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Việt Nam) |
Vì vậy, chúng tôi mong muốn nâng cao khả năng và năng lực của các quốc gia đối tác trong việc thực hiện các sứ mệnh đóng góp cho lợi ích chung, như tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ môi trường biển, thực thi luật và hiệp ước nghề cá, giải quyết nạn buôn lậu người, chống khủng bố, ứng phó với thảm họa thiên tai,...
Đặc biệt, chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế trong khu vực.
Gần đây, Mỹ triển khai chiến dịch Thái Bình Dương Xanh, phối hợp với các đối tác chính trong những quốc đảo Thái Bình Dương để phát hiện, ngăn chặn nạn đánh bắt cá trái phép, chống vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, hỗ trợ các nước còn hạn chế về năng lực tuần tra, quản lý vùng biển của họ.
Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương, những quốc gia dễ bị tổn thương trước những thách thức của biến đổi khí hậu.
Từ ngày 8/8, tàu tuần duyên Munro (WMSL 755) được triển khai đến hoạt động tại khu vực và có các hoạt động chung với Tuần duyên Nhật Bản và Tuần duyên Philippines.
WMSL 755 được chỉ huy bởi Hạm đội 7 (thuộc Hải quân Mỹ), là một phần của lực lượng hải quân tích hợp mà chúng tôi đã làm rõ trong chiến lược 3 lực lượng Mỹ (Cuối năm 2020, Mỹ đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng, bao gồm hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên, trở thành lực lượng quân sự chung trên biển nhằm ứng phó các thách thức mới, trong đó có vấn đề Biển Đông).
WMSL 755 đã sẵn sàng cho các kịch bản xung đột hay khủng hoàng; đồng thời sẵn sàng giao lưu với lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước trong khu vực. Hiện nay, chúng tôi có 11 thỏa thuận hợp tác với các đối tác nhằm ngăn chặn hoạt động hàng hải bất hợp pháp và tăng cường an ninh hàng hải.
Trong thông báo về Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, Cục Hải sự Trung Quốc cho hay nước này sẽ có quyền kiểm soát thông tin của bất kỳ tàu thuyền nước ngoài nào đi qua những vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố "chủ quyền", ông nhìn nhận như thế nào về quan điểm này của Bắc Kinh?
Biển Đông là một “siêu xa lộ” trên biển, sự hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển có vai trò rất quan trọng trong khu vực để xây dựng nền quản trị hàng hải tốt. Lực lượng Tuần duyên Mỹ rất chú trọng tới việc hợp tác để bảo vệ an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực.
Rõ ràng, quy định mới này của Trung Quốc đi ngược lại những thỏa thuận và thông lệ quốc tế. Nếu những gì chúng tôi biết được là chính xác, thì đây là điều rất đáng lo ngại.
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động như thế nào tới hợp tác của lực lượng Tuần duyên Mỹ với các đối tác trong khu vực? Thông điệp mà ông muốn nhắn gửi trong bối cảnh này?
Đại dịch Covid-19 đã hạn chế tương tác trực tiếp trong quan hệ quốc tế. Do đó, chúng tôi đã tương tác trực tuyến nhiều nhất có thể để từ đó thu hẹp khoảng cách với các đối tác.
Tôi hy vọng, khi các hạn chế đi lại bắt đầu được nới lỏng, các tương tác trực tiếp ngày càng được tăng cường để các hoạt động hợp tác giữa các nước được triển khai hiệu quả.
Dịch Covid-19 cũng khiến việc tàu vươn khơi, bám biển gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc đảm bảo cho các thủy thủ được tiêm chủng đầy đủ và an toàn trước dịch bệnh. Nhiều tháng ròng lênh đênh trên biển để thực hiện sứ mệnh cũng khiến các thủy thủ của chúng tôi rất căng thẳng.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn các đối tác có thể tạo điều kiện cho chúng tôi trước các rào cản nghiêm ngặt về kiểm dịch Covid-19 để có thể khôi phục những tương tác, giao lưu trực tiếp với tàu của các nước đối tác trên biển.
Mỹ có một vai trò ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương suốt hơn 150 năm qua, nhưng tôi muốn nói rằng, cam kết của Mỹ ngày nay mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, quan hệ đối tác là chìa khóa để chúng ta có thể duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và quản trị hàng hải hiệu quả.