Binh lính UKraine đi bộ ở ranh giới ngăn cách với phiến quân thân Nga gần Katerinivka, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 7/12/2021. (Nguồn: AP) |
Nga và lợi ích chiến lược
Có một ranh giới rõ ràng trong liên minh phương Tây về khái niệm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Đông Âu.
Bất chấp sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo châu Âu, Mỹ, Canada và Anh về vấn đề mở rộng NATO, đằng sau cánh cửa đóng kín, nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, hai cường quốc lớn nhất châu lục dường như phản đối việc tiếp tục mở rộng.
Sự chia rẽ này đã được nhấn mạnh trong những tuần gần đây trong bối cảnh Nga dường như có ý định tấn công Ukraine. Điều này xuất phát từ sự thái độ quả quyết của Washington và Liên minh châu Âu (EU) rằng NATO sẽ không ngừng mở rộng sang các quốc gia thuộc Liên Xô cũ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo đánh giá của Nga, sự thống nhất của phương Tây là mối đe dọa tồi tệ nhất đối với Moscow hiện nay.
Lâu nay, Moscow đã rất khó chịu với sự “mở rộng kép” của EU và NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tổng thống Putin cho rằng Mỹ đã phản bội thỏa thuận (bất thành văn) giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker, đại diện cho cựu Tổng thống George H.W. Bush và Thủ tướng Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev.
Tất nhiên, NATO chưa bao giờ thực sự nhất trí không mở rộng sang các lãnh thổ của Liên Xô cũ ở châu Âu.
Chừng nào Moscow vẫn cho rằng phương Tây đang tìm cách kiểm soát Ukraine và biến nước này thành một phần của liên minh chống Nga, Tổng thống Putin sẽ mạo hiểm để giữ vùng lãnh thổ này xa phương Tây. Đối với Tổng thống Putin, đây không chỉ là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược.
Hiện nay, NATO và Mỹ khó có thể ngăn chặn những hành động quyết đoán của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nhiệm vụ quan trọng đối với Washington là tái thiết lập mối quan hệ liên minh với các nước châu Âu và sự gắn kết trong NATO.
Khi Mỹ dẫn dắt cách tiếp cận đơn phương để đàm phán với Nga thì những mối quan hệ này đã bị sứt mẻ hơn nữa. Bản thân các nước thuộc EU và Ukraine đang cảm thấy bị gạt ra rìa trong tiến trình đàm phán ngoại giao không hiệu quả này.
Do đó, đường hướng mà Mỹ và NATO cần thúc đẩy trong tương lai là tích cực thúc đẩy nỗ lực tái thiết các mối quan hệ nói trên và củng cố tinh thần gắn kết và đoàn kết trong khu vực.
Chưa có sự nhượng bộ
Hiện nay, bất chấp các nỗ lực đàm phán, trên thực địa, căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây vẫn không có dấu hiệu giảm bớt khi chưa bên nào chịu nhượng bộ.
Giới chức quân sự Mỹ ngày 27/1 cho biết, một số đơn vị của hai sư đoàn đổ bộ đường không số 82 và 101 đang được đặt trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai đến châu Âu nếu căng thẳng Ukraine leo thang.
Các đơn vị này nằm trong số khoảng 8.500 quân, bao gồm cả quân y, hậu cần, hỗ trợ hàng không, tình báo, trinh sát và cả lực lượng chiến đấu, có thể được triển khai trong vòng 5 ngày nếu tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương kích hoạt Lực lượng phản ứng NATO (NRF) để đối phó khủng hoảng.
Về phía Nga, nước này đang tổ chức hàng loạt các cuộc tập trận quân sự lớn nhằm kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tại khu vực miền Nam giáp với Ukraine và Bán đảo Crimea, hơn 6.000 quân, với nhiều xe tăng, pháo binh và 60 máy bay chiến đấu của Nga bắt đầu tập trận bắn đạt thật từ giữa tuần và chưa có thời điểm kết thúc.
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua cũng công bố nhiều hình ảnh tập trận của các đơn vị tên lửa phòng không S-400 tại khu vực miền trung nước này. Nga cũng tuyên bố sẽ cử một số đơn vị S-400 và máy bay chiến đấu sang Belarus tham gia tập trận trong tháng tới. Hơn 20 tàu chiến của Nga cũng bắt đầu vào Biển Đen tổ chức tập trận.
Mặc dù cả Nga và phương Tây đều khẳng định vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán nhưng các hành động trên thực tế cho thấy hai bên đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Với việc tập trung lực lượng, tăng cường triển khai quân đội, liên tục tổ chức diễn tập quân sự… Nga và phương Tây đang đẩy nhau đến sát miệng hố chiến tranh. Với tình trạng đối đầu như hiện nay, có thể thấy rằng chỉ cần một hành động gây hấn nhỏ có thể khiến xung đột vũ trang quy mô lớn bùng phát.
Đánh giá về căng thẳng Nga-Ukraine, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki vừa qua cũng khẳng định, chính quyền Tổng thống Biden chưa thay đổi quan điểm về khả năng Nga có hành động quân sự nhằm vào Ukraine: “Tôi muốn nhắc lại những điều đã nêu ra từ tuần trước, chúng tôi thấy có sự chuẩn bị và tăng cường lực lượng tại biên giới và một cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đánh giá của chúng tôi cho đến nay chưa thay đổi”.