Máy in 3D cho phép Ukraine sản xuất tất cả các bộ phận cần thiết cho các ứng dụng quân sự khác nhau. (Nguồn: AP) |
Máy in 3D vượt xa tốc độ bình thường
Ông William LaPlant, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua sắm và bảo trì của Mỹ, thông báo, đợt giao hàng đã diễn ra trong tháng 8 vừa qua; phía Ukraine đã hoàn thành khóa đào tạo cách vận hành các máy in 3D này vào tuần trước.
Đầu tháng 9 này, phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, ông LaPlant cho biết: “Tháng trước, chúng tôi đã giao những máy in 3D công nghiệp này cho Ukraine và tuần trước họ đã hoàn thành khóa đào tạo về cách sử dụng máy in này”.
Máy in 3D có kích thước lớn bằng một chiếc xe tải, cho phép Ukraine sản xuất tất cả các bộ phận cần thiết cho các ứng dụng quân sự khác nhau, nâng cao khả năng tự cung cấp và hoạt động của quân đội nước này.
Thứ trưởng LaPlante nhấn mạnh, máy in 3D được giao cho phía Ukraine là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi vì chúng giúp đẩy nhanh quá trình khôi phục các thiết bị bị hư hỏng ở tiền tuyến, đồng thời mở ra những khả năng mới.
Quan chức Lầu Năm Góc nói thêm rằng, khả năng của máy in 3D rất đáng chú ý và vượt xa tốc độ bình thường, cho phép tạo ra các bộ phận khó hoặc không thể sản xuất bằng phương pháp truyền thống trong điều kiện bình thường.
Ông LaPlante chỉ ra rằng, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine (tháng 2/2022), các chuyên gia Ukraine đã tự giải quyết vấn đề và bắt đầu in các bộ phận 3D ngay cả khi không có giấy phép và dữ liệu kỹ thuật cần thiết.
Nỗ lực của Washington lần này nhằm cung cấp cho Kiev những nguồn lực cần thiết để đáp ứng những thách thức do cuộc xung đột đặt ra và hỗ trợ hiệu quả các nỗ lực phòng thủ của Ukraine.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng máy in được gửi tới quốc gia Đông Âu.
Ứng dụng đa dạng, lợi ích vượt trội
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay, những lợi ích của công nghệ in 3D trở nên rõ ràng nhờ khả năng thích ứng vượt trội và khả năng sản xuất nhanh, làm giảm đáng kể sự phức tạp về hậu cần trong việc vận chuyển các nguồn lực thiết yếu ra tiền tuyến.
Hầu hết các máy in 3D đều nhỏ gọn và có thể được lắp đặt trong các hầm ngầm, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong bối cảnh xung đột. Hơn nữa, khả năng vốn có của máy in 3D cũng mang lại lợi thế chiến lược. Công nghệ này cho phép sản xuất hàng loạt bộ phận quan trọng đồng thời ở nhiều địa điểm.
Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, quân đội Ukraine đã thể hiện tài xoay sở khi kết hợp các loại đạn được chế tạo bằng máy in 3D.
Ngoài ra, những máy in này còn được sử dụng để sản xuất các bộ phận, chẳng hạn như vỏ nhựa, để sửa đổi chức năng các loại đạn thông thường dùng cho máy bay không người lái và các thiết bị khác.
Theo The Economist, Ukraine đã chuyển sang sử dụng “bom kẹo” để khắc phục tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược. Tờ báo đã phỏng vấn nhiều nhóm tham gia vào nỗ lực sản xuất bom in 3D này.
Một nhóm chuyên sản xuất bom in 3D đã chế tạo thành công hơn 30.000 thiết bị này trong vòng 4 tháng. Trong khi đó, một nhóm khác chế tạo vỏ bom sát thương nặng 800 gam chia sẻ họ đang sản xuất khoảng 1.000 vỏ bom mỗi tuần. Tuy nhiên, nhóm sẽ tăng con số này lên mục tiêu đầy tham vọng là 1.500 vỏ mỗi ngày.
Những vỏ bom sát thương 3D này sau đó sẽ được nhồi thuốc nổ C4.
Tuy nhiên, các vũ khí như vậy đều có những nhược điểm, trong đó đáng chú ý là thành phần của chúng, thường phụ thuộc vào nhựa, có thể dẫn đến các vấn đề tiềm ẩn về độ bền. Hơn nữa, do chúng thường không được sản xuất hàng loạt so với các sản phẩm sản xuất thông thường tại nhà máy, nên giá thành có thể cao.
Mặc dù vậy, đặt trong bối cảnh khẩn cấp hoặc khủng hoảng, những bất lợi này dường như không đáng kể so với những lợi ích mà chúng mang lại.
Trong tình huống xung đột, lợi thế của việc sản xuất nhanh, khả năng thích ứng và khả năng sản xuất các mặt hàng thiết yếu tại địa phương thường vượt xa những lo ngại về độ bền của vật liệu và chi phí.