TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam ưu tiên thúc đẩy gắn kết nội khối trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 | |
Infographic: Việt Nam chủ trì, điều phối nhiều hoạt động trong Năm Chủ tịch ASEAN |
"Sự gắn kết” chính là thành tố quan trọng nhất đối với ASEAN khi phải xử lý rất nhiều thách thức trong khu vực. |
Khảo sát “Những Nhà nước Đông Nam Á 2020” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) thuộc Học viện Yusof Ishak tại Singapore thực hiện từ ngày 12/11–1/12/2019 cho thấy, sự thay đổi liên tục và những sắc thái trong cách các nhà hoạch định chính sách khu vực, các nhà lãnh đạo nhận thức về những vấn đề khu vực đang đối mặt và liệu rằng họ có đủ niềm tin vào năng lực của ASEAN có thể vươn lên từ những thách thức hiện tại hay không.
Nhiều thách thức lớn
Khảo sát tập hợp quan điểm của 1.308 người dân Đông Nam Á đến từ khu vực chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, khối ngành kinh doanh, xã hội dân sự và truyền thông. Khảo sát hướng đến tìm hiểu nhận thức của người dân Đông Nam Á về các vấn đề của khu vực cũng như những cam kết với các đối tác lớn.
Khoảng 70,5% số người được hỏi cho rằng, những bất ổn chính trị trong nước, bao gồm căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, tiếp tục là những thách thức quan trọng trong khu vực. Năm vừa qua cũng chứng kiến những biến động của nền kinh tế Đông Nam Á do những bất ổn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và quy mô thương mại toàn cầu bị thu hẹp.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN giảm từ 4,9% xuống còn 4,5% trong năm 2019 và từ 5% xuống 4,7% trong năm 2020. Vì vậy, suy thoái kinh tế (chiếm 68,5%) đã vượt qua vượt qua biến đổi khí hậu (chiếm 66,8%) trở thành mối lo ngại thứ hai của cộng đồng trong cuộc khảo sát của ISEAS.
Ở từng quốc gia, kết quả khảo sát cũng phản ánh khá chính xác những quan tâm của người dân đối với từng vấn đề cụ thể. Đối với Brunei, mối quan tâm hàng đầu của người dân nước này vẫn là suy thoái kinh tế trong khi căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục là thách thức an ninh lớn nhất đối với Philippines và Việt Nam.
Bất ổn chính trị trong nước là mối quan tâm hàng đầu đối với Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore và Thái Lan. Ngoại trừ Singapore – nơi có nền chính trị tương đối ổn định thì 5 quốc gia còn lại đều đang phải đối mặt với tình trạng chính trị bất ổn, thậm chí trải qua nhiều biến động trong năm qua.
Có lẽ vì vậy mà phần lớn người Singapore tham gia khảo sát đều cho rằng, bất ổn chính trị là mối quan tâm phổ biến của khu vực. Xét với bối cảnh trong nước, mối quan ngại lớn thứ hai của người dân Singapore vẫn là nỗi lo về kinh tế khi nền kinh tế của đảo quốc này chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy những quan ngại ngày càng gia tăng về việc ASEAN đang trở thành một “đấu trường” cho các cuộc cạnh tranh nước lớn. Đây là mối quan tâm lớn nhất về ASEAN tại Campuchia, Philippines, Singapore và Việt Nam; đứng thứ hai tại Brunei, Malaysia và Thái Lan.
Đứng thứ ba trong danh sách những thách thức hàng đầu của ASEAN là việc thiếu năng lực để theo kịp với sự phát triển của chính trị và kinh tế.
Tất cả những thách thức này đều đòi hỏi sự thống nhất trong nhận thức và hành động của ASEAN. Sự chủ động thích ứng không chỉ thể hiện khát vọng mà còn là sự cần thiết để ASEAN tiến lên phía trước.
“Gắn kết” ASEAN 2020 thách thức nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam TGVN. Bài viết trên tờ The Jakarta Post của Indonesia ngày 4/12 nhận định, năm 2020 sẽ là một năm đầy thách thức đối với ... |
Kịp thời và phù hợp
Trong khi sự gián đoạn và các yếu tố bất ổn đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trở thành một “chuẩn mực mới” thì một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được đánh giá là một chủ đề kịp thời và phù hợp cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Chủ đề này cho thấy, “sự gắn kết” chính là thành tố quan trọng nhất đối với ASEAN khi phải xử lý rất nhiều thách thức trong khu vực.
Được khẳng định bởi các nhà lãnh đạo Việt Nam, chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 phản ánh tinh thần “cộng đồng cùng nghĩ, cộng đồng cùng hành động” để đón nhận những cơ hội và đối phó với những thách thức phía trước.
Việc lựa chọn chủ đề chính của năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” cũng phản ánh bước trưởng thành trong tư duy chiến lược của Hà Nội đối với ASEAN, mặc dù so với thời điểm khi mới gia nhập ASEAN (năm 1995), vai trò của ASEAN như một cửa ngõ chính để Việt Nam hội nhập quốc tế, đã suy giảm ít nhiều.
Việt Nam hiện đang là nền kinh tế có độ mở thứ hai trong ASEAN khi trao đổi thương mại/GDP đạt 20,8%, chỉ sau duy nhất Singapore (32,6%). Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã giảm từ 30,8% (năm 2013) xuống 24,1% (năm 2018).
Mặc dù vậy, ngay cả khi Việt Nam có thể mở rộng mạng lưới kinh tế ra bên ngoài khu vực, Đông Nam Á vẫn đóng vai trò như một “mỏ neo địa lý và địa chính trị” quan trọng.
Việt Nam hiện đang là nền kinh tế có độ mở thứ hai trong ASEAN. (Nguồn: VGP News) |
Trao đổi trong một cuộc phỏng vấn với ISEAS gần đây, Giáo sư Wang Gungwu – nhà sử học nổi tiếng của Singapore nhận định, ASEAN đã cho Hà Nội cơ hội được “nhìn xa hơn ngoài Trung Quốc”. Chính điều này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên có tầm nhìn chiến lược nhất trong ASEAN.
Thông qua các cam kết song phương sâu rộng với các nước lớn và khuôn khổ của ASEAN, Hà Nội luôn tìm cách duy trì một kiến trúc khu vực mở và toàn diện. Đồng thời, thúc đẩy sự thống nhất ASEAN đã trở thành ưu tiên trung tâm của Việt Nam.
Khi được hỏi về việc ASEAN nên làm gì để đối phó tốt nhất với cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, phần lớn câu trả lời từ Việt Nam (62,5%) đều cho rằng cần tăng cường khả năng phục hồi và sự đoàn kết trong ASEAN để đối phó với sức ép từ cả 2 phía.
Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Hà Nội luôn đi đầu trong việc nhận diện những thách thức mấu chốt trong ASEAN. Tuy nhiên, chủ đề cần phản ánh cam kết và sự tham gia dài hạn của Việt Nam, để không đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu có giá trị trong năm 2020.
Để làm được điều đó, Hà Nội cần chú trọng nhiều hơn vào chính sách ngoại giao, tăng giá trị địa chính trị để thúc đẩy những tham vấn và đồng thuận trong ASEAN về các vấn đề chính, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông hay vấn đề bang Rakhine ở Myanmar.
Có thể nói, vai trò Chủ tịch ASEAN chắc chắn sẽ là một thử thách quan trọng đối với Việt Nam trong năm 2020.
Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng TGVN. Báo TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình ... |
10 từ khóa của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 TGVN. Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020 nêu năm ... |
Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Góp phần tạo sự đồng thuận trong ASEAN TGVN. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao đổi với báo chí về vai trò, vị thế của Việt Nam với vai trò kép ... |